(GD&TĐ) - Người xưa nói “Đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn”… Một trong những cái “đồng” đó có cả cách xài tiền, nếu không vừa lòng nhau sẽ như giọt nước tràn ly dẫn đến bất hòa và thậm chí xa nhau.
Chị Hằng, 58 tuổi, (phường 15, Bình Thạnh, TP.HCM) là giáo viên. Mỗi tháng, chị yêu cầu chồng giao hết tiền cho mình dù lương của chị cũng đủ chăm lo gia đình. Lần nọ, đến nhà tôi chơi, tôi hỏi chồng chị đâu. Chị trả lời tỉnh bơ : “Ổng chạy theo bà khác rồi”. Hỏi ra thì mới biết chị quá chi li tính toán, anh Thắng muốn gì cũng phải ngửa tay xin tiền chị nên ảnh bất mãn. Tôi trách chị dù sao anh cũng làm ra tiền. Chị bảo : “Không quản lý để ổng phung phí hết sao?”.
Bẵng một thời gian, tôi thấy anh Thắng chung sống với phụ nữ khác. Anh không nói xấu vợ cũ, chỉ chia sẻ: “Tiết kiệm khác với keo kiệt, bủn xỉn. Vì thương đứa con gái, tôi nhịn theo hai nghĩa. Nhịn ăn nhịn mặc, nhịn vợ. Nhưng rồi tôi chịu không nổi nữa nên quyết định chia tay”. Với người vợ sau anh có hai con. Anh nói thật thoải mái kể từ lúc ly hôn, không còn ai bóp nghẹt hầu bao và cả “yết hầu” của anh. Các con anh đã lớn khôn. Cái nhìn đầu tiên của anh với những đối tượng các con đưa về ra mắt không phải là bằng cấp, tiền bạc, địa vị… mà chính là cách xài tiền và quản lý tiền…
Vợ chồng anh Hoài và chị Nhàn, trên 40 tuổi (phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM) làm việc khác cơ quan, ngoài việc ăn uống kham khổ, hai vợ chồng chuyên xin đồ cũ của bạn bè, chị em để mặc nên quần áo luôn rộng thùng thình hoặc chật ních. Hằng năm, chị đi nghỉ mát theo cơ quan chị, anh theo cơ quan anh vì sợ tốn thêm một vé. Đi cùng cơ quan miễn phí, chỉ chịu nửa vé cho thằng con, con đi với mẹ thì khỏi đi với cha, đằng nào cũng là du lịch. Họ không để tiền phục vụ mình, mà chịu khổ vì đồng tiền làm ra. Nếu họ thêm một vé rưỡi nữa, cả nhà có hai lần tận hưởng hạnh phúc bên nhau, cuộc sống thêm phần ý nghĩa.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, không phải xài tiền rộng rãi là cách hay nhất để bảo đảm hạnh phúc. Hai vợ chồng anh chị Hoàng, 40 tuổi (phường 4, quận 4, TP.HCM) ăn xài rất sang. Có tiền, vợ chồng con cái làm tô mì Quảng điểm tâm. Trưa thịt gà, có khi hứng chí gọi bánh pizza. Vài tuần sau ngày lãnh lương là vợ hoặc chồng nhẵn mặt sang bạn bè hàng xóm mượn tiền hoặc cả nhà ăn cơm muối đậu, tương chao. Câu cửa miệng của họ là: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt. Còn hơn buồn le lói suốt năm canh”!
Đồng lương cố định, vợ chồng không quá quan trọng việc xài tiền, cuộc sống vẫn hạnh phúc. Theo một số giáo viên, công nhân… bữa cơm của họ chỉ ít thịt kèm với phần lớn là rau. Những ngày lãnh lương, họ tự thưởng bằng những nồi chè, những dĩa chả giò tự làm. Họ đến những chợ đầu mối mua thức ăn. Quần áo, họ tự may hoặc đến cửa hàng giảm giá để mua. Họ sống bằng sự gói ghém chứ không hạn chế quá mức nhu cầu ăn mặc. Họ quan niệm: “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, không phải giữ tiền cho mai sau bằng cách tự ép xác trong thèm khát và rách rưới. Nhưng cũng đừng quá “chơi” bề nổi mà phải vướng nợ nần.
Khi hỏi những gia đình trong lễ Ngân Khánh (thành hôn 25 năm), tất cả đều cho rằng, ngay xài tiền cũng cần đồng quan điểm và tôn trọng nhau. Ai giữ tiền cũng được, chỉ cần biết mục đích chi tiêu và thấy hợp lý thì “duyệt” ngay. Người xưa đã nói “của chồng công vợ”. Huống chi ngày nay vợ chồng thường làm ra tiền, cùng biết đồng tiền không dễ kiếm, nên cần lắm một sự hiểu biết tôn trọng nhau để giữ hòa khí gia đình
Theo ý kiến Tiến sĩ Võ Văn Nam, Khoa Tâm lý giáo dục trường Đại học Sư phạm TP.HCM, thì : “Bất đồng quan điểm về việc sử dụng tiền bạc là một trong những xung đột muôn thuở trong đời sống vợ chồng. Xung đột này nếu không khéo giải quyết sẽ dồn nén dần và có khả năng trở thành mâu thuẫn đối kháng, dẫn đến ly hôn. Trên thực tế có không ít cuộc ly hôn xuất phát từ mâu thuẫn về tiền bạc. Ngoài mâu thuẫn giữa vợ chồng về tiền bạc, còn có hiện tượng vợ chồng thống nhất quan điểm, nhưng quan điểm thống nhất này lại mâu thuẫn với quy chuẩn chung của xã hội, đối kháng với quan điểm chung của cộng đồng. Họ quá keo kiệt, đến độ bủn xỉn hoặc ngược lại quá phung phí đến độ hoang phí. Điều này khiến cho đôi vợ chồng khó hòa nhập với bạn bè, với tập thể, với mọi người chung quanh, với cuộc sống…
Hãy xem tiền bạc là một phương tiện, dù là phương tiện không thể thiếu để giúp cho cuộc sống ngày càng trở nên tốt đẹp hơn, chứ không thể là mục địch, là cứu cánh để hy sinh những giá trị sống của bản thân hay gia đình”.
Nguyễn Ngọc Hà