Virus HIV yếu đi ở Nam Phi, mạnh lên ở châu Âu

Chủng virus HIV có thể đã suy yếu ở Nam Phi nhưng đồng thời cũng mạnh hơn lên ở châu Âu, kết luận của các nhà khoa học trong một nghiên cứu mới tại châu Âu.

Ảnh: News.
Ảnh: News.

Nhân ngày quốc tế phòng chống HIV/AIDS 1/12, nhiều tờ báo cùng đăng tải thông tin về khả năng suy yếu của virus HIV theo kết quả của nghiên cứu tiến hành ở một quốc gia Nam Phi của đại học Oxford, Anh. 

Mới đây, trang Aidsmap.com lại công bố kết quả của một nghiên cứu khác ở châu Âu, với kết luận “HIV dường như đã mạnh lên thay vì yếu đi, ít nhất là ở khu vực châu Âu”.

Nghiên cứu CASCADE tiến hành ở một số quốc gia ở châu Âu, với số mẫu lên đến hơn 15.800 bệnh nhân. 

Nghiên cứu đánh giá diễn tiến của chỉ số CD4 cũng như thông số về tải lượng virus trên bệnh nhân xung quanh thời điểm được chẩn đoán nhiễm HIV. 

Các thông số được tổng hợp và so sánh tại hai thời điểm là năm 1980 và năm 2008.

Trong cơ thể con người, CD4 là tế bào đích mà virus HIV nhắm đến để tiêu diệt. Các chuyên gia xem chỉ số CD4 là tiêu chuẩn đánh giá sức khỏe miễn dịch của người bệnh, đồng thời gián tiếp đánh giá diễn tiến của quá trình nhiễm HIV. 

Tải lượng virus (hay còn gọi là nồng độ virus trong huyết tương) là một xét nghiệm đo nồng độ của virus trong máu. Chỉ số này vô cùng quan trọng vì nó phản ánh trung thực tốc độ sinh sản và tăng trưởng, cũng như dự báo diễn tiến nhanh hay chậm của bệnh.

Thông qua các phương pháp tổng hợp, phân tích và đánh giá trong khoảng thời gian trên, nghiên cứu CASCADE cho ra một số kết quả sau:

- Chỉ số CD4 đo sau giai đoạn chuyển đảo huyết thanh (một thông số giúp đánh giá độ tàn phá của HIV lên hệ miễn dịch khi nhiễm virus cấp tính) giảm từ khoảng 770 tế bào/mm3 vào năm 1979 xuống còn khoảng 570 tế bào/mm3 vào năm 2002. 

Như vậy, ngay từ thời điểm xâm nhập vào cơ thể người, virus HIV đã tiêu diệt nhiều tế bào CD4 hơn so với thời gian trước.

- Tải lượng virus trung bình trong giai đoạn HIV không triệu chứng (không can thiệp điều trị) tăng từ 11.200 phiên bản/mm3 vào năm 1980 lên 31.000 vào năm 2002. Đến năm 2008 con số này có suy giảm một chút, trung bình là 25.500 phiên bản/mm3.

Như vậy, tốc độ sinh sản của HIV có xu hướng tăng mạnh khi so sánh với thời điểm đầu của nghiên cứu.

- Thời gian diễn tiến trung bình từ khi chuyển đảo huyết thanh đến lúc chỉ số CD4 xuống dưới 350 tế bào/mm3 cũng giảm đáng kể. 

Khoảng thời gian này trên những bệnh nhân phát hiện nhiễm HIV vào những năm 1980 là khoảng 7 năm. Trong khi đó, trên những bệnh nhân mới phát hiện giai đoạn 2002 chỉ còn 3-4 năm, rút ngắn gần một nửa so với trước kia.

- Các thông số ghi nhận có xu hướng ổn định cho đến những năm cuối của nghiên cứu. Như vậy, không cho thấy có sự thay đổi đáng kể theo chiều hướng “suy yếu” của virus. Thậm chí, diễn tiến có phần xấu đi và phức tạp hơn trên một số trường hợp.

Giải thích về nguyên nhân có sự khác biệt giữa kết quả của nghiên cứu ở châu Âu và Nam Phi, các nhà khoa học đưa ra một số giả thiết như sau:

- Sự khác biệt về chủng virus lưu hành, cũng như tình hình can thiệp điều trị ARV khác nhau ở hai khu vực trong hai nghiên cứu có thể là nguyên nhân chính khiến cho kết quả trái ngược nhau. 

Giả thiết đặt ra như sau: Can thiệp bằng thuốc ARV chỉ được dùng trong thời không lâu nên chủng virus ở Nam Phi có thể tiến hóa theo hướng chọn lọc chủng yếu hơn, vì các chủng “mạnh” đã giết chết người mang bệnh trước khi kịp lan ra cho cộng đồng. 

Ngược lại, ở châu Âu các can thiệp điều trị bắt đầu áp dụng sớm hơn nhiều, lúc này khả năng lây nhiễm của virus đã bị thuốc ARV không chế. 

Do đó sự tiến hóa của virus sẽ theo hướng chọn lọc những chủng virus mạnh hơn và có tốc độ lây lan nhanh hơn nhằm “tranh thủ thời gian lây lan” trước khi người bệnh bắt đầu được điều trị.

- Có thể nghiên cứu ở Nam Phi chỉ tiến hành ở giai đoạn bắt đầu quá trình suy yếu của HIV. Mặc dù vậy, với một thiết kế nghiên cứu kéo dài trong rất nhiều năm như vậy, khả năng virus đột ngột chuyển hướng yếu đi là khá hy hữu.

- Một số nhà khoa học nhận định rằng kết quả của nghiên cứu ở Nam Phi của đại học Oxford có phần “ít tin cậy” hơn so với nghiên cứu CASCADE bởi vì số lượng mẫu khiêm tốn hơn (chỉ so sánh trên 63 trường hợp ở Gaborone và 16 trường hợp ở Durban). 

Nghiên cứu cũng không tiến hành ở hai thời điểm để so sánh, điều này khiến cho kết quả và nhận định của nghiên cứu còn hạn chế.

- Khả năng HIV đã suy yếu ở một khu vực nào đó trên thế giới, nhưng đồng thời cũng mạnh hơn lên ở những khu vực khác. 

Tuy nhiên cho dù thực tế, tại từng khu vực, virus có xu hướng yếu hơn hay mạnh lên, thái độ cảnh giác trước dịch HIV vẫn cần dựa trên sự hiểu biết và thận trọng. 

Hiểu biết về các kiến thức HIV, đường lây truyền và các hành vi nguy cơ, cũng như thận trọng trong các hành vi của bản thân mới là cách thức tốt nhất để một người có thể bảo vệ bản thân trước căn bệnh nguy hiểm này.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ