Virus gây tay chân miệng có thể tồn tại trong phân vài tháng

GD&TĐ - Bệnh tay chân miệng trẻ em có khả năng lây lan mạnh nhất trong 1 tuần đầu tiên từ lúc phát bệnh. Virus gây bệnh có thể tồn tại trong phân đến vài tháng sau.

Cha mẹ nên theo dõi sát các dấu hiệu nguy hiểm vì trẻ có thể chuyển độ lên 2A và 2B.
Cha mẹ nên theo dõi sát các dấu hiệu nguy hiểm vì trẻ có thể chuyển độ lên 2A và 2B.

Hơn 5.500 trẻ mắc tay chân miệng

Bộ Y tế vừa có công văn khẩn gửi UBND các tỉnh thành về việc tăng cường công tác phòng chống dịch tay chân miệng. Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 5.500 trường hợp mắc tay chân miệng.

Trong đó, có một tử vong tại Bình Thuận. So với cùng kỳ năm ngoái, số mắc giảm 83,3%, tử vong giảm 9 trường hợp. Tuy nhiên, số mắc có xu hướng tăng chủ yếu ở khu vực miền Nam và một số tỉnh, thành phố như: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Sóc Trăng.

Bộ Y tế dự báo, dịch tay chân miệng có xu hướng tăng trong thời gian tới. Để hạn chế thấp nhất số mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh thành chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh.

Sở Y tế có trách nhiệm giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch. Đồng thời, tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế người nhà vào thăm bệnh nhân…

Bộ cũng lưu ý thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị. Đặc biệt, phòng việc lây nhiễm chéo giữa bệnh tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác.

Dấu hiệu trẻ cần nhập viện

Theo bác sĩ Nhi khoa Nguyễn Mạnh Cường - Bệnh viện Quân y 103, phụ huynh nên đưa con đi khám để đánh giá, nếu trẻ ở cấp độ 2A cần nhập viện. Một số triệu chứng trẻ cần nhập viện gồm: Sốt trên 39 độ C trong 1 - 2 ngày, giật mình dưới 2 lần khi ngủ trong 30 phút, thường là lúc mới ngủ hoặc nằm ngửa. Trong khi đó, nếu độ 1, trẻ sẽ ở nhà theo dõi.

“Bệnh tay chân miệng trẻ em có khả năng lây lan mạnh nhất trong 1 tuần đầu tiên từ lúc phát bệnh. Virus gây bệnh có thể tồn tại trong phân đến vài tháng sau”, bác sĩ Cường cảnh báo.

Do đó, chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh cần theo dõi phát hiện dấu hiệu nặng lên ở trẻ. Một số biểu hiện gồm: Sốt cao trên 39 độ C, sốt hơn 2 ngày; nôn nhiều (hơn 3 lần trong 1 giờ hoặc hơn 4 lần trong 6 giờ), khó thở: Thở nhanh, rút lõm bụng, tím quanh môi, kích thích hoặc lờ đờ, giật mình nhiều khi ngủ, co giật.

Ngoài ra, một số triệu chứng trở nặng khác ở trẻ tay chân miệng có thể là quấy khóc nhiều, bứt rứt khó ngủ hoặc mệt, li bì; vã mồ hôi, tay chân lạnh hay da nổi vân tím, tiểu ít.

Trẻ cũng có thể run chân tay hay yếu liệt chi. Khi đó, phụ huynh cần xem trẻ có tổn thương thần kinh trung ương không. Trong trường hợp trẻ có tiền sử co giật, cha mẹ cần cho bé uống hạ sốt nếu trên 38 độ C và chườm ấm.

Không cần thiết xét nghiệm quá nhiều

Bác sĩ Mạnh Cường cảnh báo, không ít phụ huynh sai lầm khi điều trị trẻ tay chân miệng. Trong đó, việc dùng kháng sinh bừa bãi là không nên. Hoặc, việc xét nghiệm quá nhiều cũng không cần thiết.

Theo chuyên gia này, nếu nghi do EV71 hoặc bội nhiễm mới nên xét nghiệm. Bởi, đánh giá tay chân miệng dựa vào lâm sàng là chính. Nếu cần, các bác sĩ sẽ cho trẻ xét nghiệm.

Bên cạnh đó, cho trẻ dùng chống viêm dù là uống Corticoid hoặc bôi đều sai và gây tác dụng phụ. Thay vào đó, cha mẹ nên theo dõi sát các dấu hiệu nguy hiểm vì trẻ có thể chuyển độ lên 2A và 2B.

Một số sai lầm mà nhiều phụ huynh hay mắc khi chăm sóc trẻ tay chân miệng gồm: Lạm dụng tăng đề kháng và vitamin bừa bãi gây ngộ độc thuốc; Bôi giảm đau quá nhiều gây ngộ độc thuốc khi không có ý kiến bác sĩ; Uống thuốc không rõ nguồn và tác dụng.

Theo bác sĩ Cường, bệnh tay chân miệng ở trẻ không có thuốc đặc hiệu. Việc sử dụng kháng sinh cần có ý kiến của bác sĩ. Trong khi đó, nếu trẻ khó hạ sốt, nên cho bé dùng hai loại xen kẽ. Nếu trẻ có tiền sử co giật do sốt cao, phụ huynh nên có cả phòng co giật cho bé như Depakin.

“Vệ sinh tay trước và sau mỗi lần chăm sóc trẻ. Thuốc giảm đau vùng miệng giúp trẻ dễ ăn theo chỉ định của bác sĩ thường được bôi trước khi ăn 30 phút. Thuốc bôi vệ sinh miệng cho trẻ thường được sử dụng sau khi ăn 1 giờ, tránh gây nôn”, bác sĩ Cường lưu ý.

Ngoài ra, phụ huynh cũng được khuyến cáo cho trẻ ăn thức ăn nguội, mềm, lỏng, dễ tiêu như cháo, sữa và nên chia nhiều bữa. Tắm rửa hằng ngày cho trẻ bằng nước ấm. Có thể hòa loãng các dung dịch sát khuẩn vào nước để tắm cho trẻ.

Dùng Xanh-methylen hoặc dung dịch Betadin để chấm lên các nốt phỏng nước sau khi tắm. Quần áo cho trẻ nên chọn loại vải mềm, rộng rãi, thấm hút mồ hôi. Đồng thời, nên cho trẻ tái khám mỗi 1 - 2 ngày cho đến ngày thứ 8 - 10 của bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ