Các nhà khoa học cho thấy, một nhóm lớn các virus, trong đó có virus cúm, lấy cắp các tín hiệu di truyền từ cơ thể vật chủ để cải thiện hệ gene của mình.
Các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu các mầm bệnh mới nổi và Sức khỏe toàn cầu thuộc Trường ĐH Y khoa Icahn (Mỹ) và Trung tâm Nghiên cứu virus thuộc ĐH Glasgow (Vương quốc Anh) đã thực hiện nghiên cứu này. Họ theo dõi nhóm virus RNA, bao gồm các mầm bệnh phát tán rộng ở người, gia súc và thực vật; trong đó có virus cúm và virus Lassa. Hóa ra, thông qua việc lấy cắp các tín hiệu di truyền từ vật chủ, các virus có thể tạo ra khá nhiều protein lạ, chưa từng được biết đến. Các nhà khoa gọi đó là các protein UFO (Upstream Flu ORF), bởi chúng được mã hóa thông qua kết nối trình tự gene vật chủ và virus.
Các protein UFO có thể làm thay đổi quá trình lây nhiễm virus và do đó có thể được sử dụng cho công việc điều chế vắc-xin.
"Khả năng mầm bệnh vượt qua rào cản ở vật chủ và bắt đầu lây nhiễm dựa trên việc biểu hiện các protein xuất thân từ mầm bệnh. Để hiểu cách thức mầm bệnh chống lại vật chủ và lây bệnh, chúng ta phải biết rõ các protein nào mã hóa mầm bệnh" – Tiến sĩ Ivan Marazzi ở Trường ĐH Y khoa Icahn, cho biết.
Các virus không thể tự tạo ra protein của riêng mình, do đó chúng buộc phải chuyển giao các "hướng dẫn thích hợp" cho "cỗ máy" sản xuất protein trong các tế bào vật chủ. Virus thực hiện điều đó thông qua quá trình tạm gọi là "giật mũ" (cap-snatching), trong đó chúng cắt phần cuối của sợi mã hóa protein tế bào (RNA thông tin), sau đó nối dài chuỗi này bằng bản sao một trong những gene của chúng. Bằng cách này, sợi RNA thông tin "lai" xuất hiện.
Một số virus RNA (nhóm virus sNVS) có thể tạo ra thông điệp với trình tự khởi động (boot sequence) bổ sung, có nguồn gốc từ vật chủ. Việc này giúp biến đổi các protein lạ từ chuỗi "lai" virus – vật chủ. Các sản phẩm gen "lai" có thể điều biến tính độc hại của chính virus. Cần phải có các nghiên cứu tiếp theo để hiểu nhóm protein mới này và các hậu quả do chúng gây ra.