Trung tâm của mọi chính sách phát triển
Xác định con người là trung tâm của mọi chính sách phát triển, nhiều năm qua, Vĩnh Phúc đã đầu tư mạnh mẽ cho Y tế và Giáo dục - hai lĩnh vực vừa mang tính nền tảng, vừa là động lực cho tiến trình phát triển bền vững của địa phương. Dưới sự chỉ đạo sát sao và tâm huyết của lãnh đạo tỉnh, các chủ trương lớn đã được cụ thể hóa bằng những chương trình hành động thiết thực, mang lại chuyển biến rõ nét.
Trong Giáo dục, Vĩnh Phúc luôn nằm trong nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về chất lượng dạy và học. Hệ thống trường lớp được đầu tư đồng bộ, cơ sở vật chất ngày càng hiện đại, đội ngũ giáo viên không ngừng được bồi dưỡng về năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Những kết quả ấn tượng từ các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, cùng với việc dẫn đầu cả nước về điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT… đã cho thấy hiệu quả từ chính sách "lấy người học làm trung tâm", tạo điều kiện để thế hệ trẻ Vĩnh Phúc phát triển toàn diện, sẵn sàng hội nhập và cống hiến.

Song hành với Giáo dục, lĩnh vực Y tế cũng được tỉnh quan tâm đầu tư mạnh mẽ. Nhiều cơ sở y tế mới được xây dựng, trang thiết bị hiện đại được đưa vào sử dụng, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, mạng lưới y tế cơ sở từng bước được củng cố, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngay tại địa phương. Trong những thời điểm cam go như dịch Covid-19, ngành Y tế Vĩnh Phúc đã thể hiện rõ bản lĩnh, năng lực và sự chủ động, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giữ vững ổn định xã hội.
Từ định hướng chiến lược đến hành động thực tiễn, Vĩnh Phúc đang chứng minh rằng khi con người được đặt vào vị trí trung tâm, được chăm lo đầy đủ cả về tri thức lẫn sức khỏe, thì mọi mục tiêu phát triển đều có thể đạt được một cách vững vàng. Tầm nhìn dài hạn, sự nhất quán trong chính sách và quyết tâm hành động của lãnh đạo tỉnh chính là nền tảng để Vĩnh Phúc tiếp tục vươn lên, không chỉ về kinh tế mà còn trong chất lượng sống và giá trị con người.
Y tế nằm trong top 10 cả nước
Sau ít tháng nhậm chức Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, ông Đặng Xuân Phong cùng Thường trực Tỉnh ủy đã có buổi làm việc riêng với Sở Y tế và Sở GD&ĐT, với sự tham dự của đại diện nhiều sở, ngành liên quan. Điều đó thể hiện sự quan tâm đặc biệt, xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh đối với hai lĩnh vực then chốt.

Riêng với ngành Y tế, tính đến hết tháng 2/2025 đã hoàn thành 3/3 chỉ tiêu giao tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII.
Trong đó, các chỉ tiêu thực hiện công tác y tế của tỉnh cao hơn bình quân của cả nước và Vùng đồng bằng sông Hồng như: Số bác sĩ/vạn dân đạt 15 bác sĩ; tỷ lệ trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm đạt 100%; số giường bệnh/vạn dân là 44,2 giường; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 90%; tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 85%.
Hết năm 2024, các cơ sở y tế tuyến tỉnh thực hiện được hơn 73% danh mục kỹ thuật tại tuyến; tuyến huyện thực hiện được trung bình đạt gần 43% tại tuyến.
Việc tập trung đầu tư nguồn lực cho các cơ sở y tế giúp ngành Y tế tỉnh phát triển hệ thống y tế đồng đều tất cả các tuyến.
Hiện 100% cơ sở y tế tuyến đã triển khai hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp; 100% cơ sở y tế đã ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh nhằm giảm thời gian chờ đợi, tạo thuận tiện cho người bệnh.
Đặc biệt, hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử là một trong những bước tiến quan trọng được ngành tập trung thực hiện. Đến nay, hơn 1,2 triệu hồ sơ sức khỏe cá nhân đã được tạo lập, chiếm hơn 96% dân số tỉnh Vĩnh Phúc.
Hệ thống này không chỉ quản lý sức khỏe cá nhân mà còn tích hợp dữ liệu khám, chữa bệnh với ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử của người dân, giúp đồng bộ hóa thông tin và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng.
Toàn bộ dữ liệu khám, chữa bệnh tại các đơn vị y tế được liên thông với hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử, tạo cơ sở dữ liệu tập trung và thống nhất.

Tại buổi làm việc với làm việc với Sở Y tế ngày 20/2, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Đặng Xuân Phong đã khẳng định y tế là lĩnh vực được tỉnh dành sự quan tâm đặc biệt, yêu cầu trong giai đoạn mới, các mục tiêu về y tế cần phấn đấu giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước, tiến tới xây dựng ngành Y tế tỉnh đứng trong top 10 của cả nước về tất cả chỉ số y tế.
Theo Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc, để đạt mục tiêu này, ngành cần chủ động rà soát, triển khai bằng những chương trình, kế hoạch cụ thể của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các sở ngành, tập trung các nguồn lực ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực y tế; tập trung cho xã hội hóa y tế, thu hút đầu tư y tế chất lượng cao, tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường hợp tác chuyên môn với các bệnh viện tuyến Trung ương.
Tỉnh cần đẩy mạnh chuyển đổi số y tế; rà soát, nghiên cứu chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp để tham mưu cho tỉnh các chính sách mang tính ổn định, lâu dài nhằm giữ chân nhân viên y tế, thu hút, trọng dụng nhân lực trình độ cao, chuyên môn giỏi; sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Phát triển kỹ thuật chuyên sâu
Để đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao hơn, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã liên tục nghiên cứu, ứng dụng triển khai nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Nhiều ca bệnh khó, hiểm nghèo trước kia phải chuyển lên tuyến Trung ương thì nay đã có thể điều trị hiệu quả ngay tại địa phương.
Bệnh viện Sản - Nhi Vĩnh Phúc hiện là đơn vị hàng đầu trong hoạt động chuyên môn sản, nhi của tỉnh với quy mô 500 giường với trên 450 nhân lực.
Thực hiện sự chỉ đạo của ngành Y tế và UBND tỉnh, Bệnh viện đã chú trọng thực hiện nhiều giải pháp để không ngừng nâng cao hiệu quả công tác khám, chữa bệnh.

Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ chuyên khoa II, Giám đốc Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh Vĩnh Phúc Tô Quang Hưng cho biết, để nâng cao chất lượng chẩn đoán hình ảnh và chẩn đoán theo hướng ngày càng chuyên sâu, bệnh viện đã trang bị nhiều máy móc, trang thiết bị hiện đại. Bệnh viện đang trong quá trình tiếp nhận và chuẩn bị đưa vào sử dụng gói trang thiết bị mới với 114 danh mục và 716 chủng loại, với tổng mức đầu tư lên đến 216 tỷ đồng.
Có thể kể đến trong gói này như Hệ thống chụp cắt lớp vi tính 128 lát cắt/vòng quay; hệ thống X-Quang kỹ thuật số; máy siêu âm 4D; máy siêu âm tim 3 đầu dò; máy điện não vi tính; máy thở tần số cao HFO; hệ thống phòng mổ tích hợp; hệ thống phẫu thuật nội soi…
Với thiết bị y tế hiện đại, bệnh viện tập trung vào các kỹ thuật chuyên sâu như: Thay máu sơ sinh, bơm sunfactant, thở máy, chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng và cực non đối với chuyên ngành Nhi khoa. Mổ cắt tử cung nội soi, rau cài răng lược, phẫu thuật ung thư vú, ung thư phụ khoa…

“Bệnh viện thường xuyên được cập nhật và nhận chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện của Trung ương như: Bệnh viện Phụ Sản Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội. Năm 2024, Bệnh viện nhận chuyển giao 3 kỹ thuật từ tuyến Trung ương, trong đó có 2 kỹ thuật thuộc chuyên ngành sản, 1 kỹ thuật thuộc chuyên ngành sơ sinh”, Bác sĩ Tô Quang Hưng cho biết thêm.
Có thể thấy, ngành Y tế Vĩnh Phúc trong những năm qua đã khẳng định năng lực, tính chuyên nghiệp và nền tảng chuyên môn vững chắc được phát triển kế thừa, đồng thời thể hiện tinh thần trách nhiệm và sức mạnh đoàn kết của toàn ngành.
Với mục tiêu phấn đấu “Trung ương làm được kỹ thuật nào thì Vĩnh Phúc cũng cơ bản làm được kỹ thuật đó”, thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển toàn diện sự nghiệp y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở; tạo điều kiện cho mọi người dân đều có khả năng tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ y tế cơ bản như nhau, ngay tại nơi sinh sống; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và hội nhập quốc tế.