Vĩnh Phúc ưu tiên phát triển Công nghiệp hỗ trợ

GD&TĐ - Tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến hết năm 2025 có trên 50 doanh nghiệp đủ điều kiện trở thành nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 cho các hãng sản xuất lớn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc luôn xác định, phát triển CNHT gắn với doanh nghiệp nhỏ và vừa giữ vai trò then chốt, xuyên suốt nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp tỉnh. Đồng thời, tập trung huy động các thành phần kinh tế tham gia phát triển CNHT, trọng tâm là thành phần kinh tế ngoài nhà nước.

Bên cạnh những cơ chế, chính sách tỉnh Vĩnh Phúc Ban hành, điển hình như Nghị quyết số 57 của HĐND tỉnh về một số biện pháp đặc thù thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 39 của UBND tỉnh quy định về hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 23 của UBND tỉnh về ban hành quy chế quản lý và sử dụng kinh phí phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh. Trong đó, hỗ trợ 100% các khoản chi phí tổ chức đánh giá, xác nhận năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ 70% các khoản phí tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ 70% chi phí đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Theo thống kê hiện toàn tỉnh có hơn 240 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT hoặc có liên quan đến CNHT, tập trung vào các nhóm ngành chủ yếu như công nghiệp cơ khí; ô tô, xe máy; dệt may; điện tử, tin học; vật liệu xây dựng. Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng tốt cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, chủ động điều chỉnh tăng vốn, mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất, đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Qua đó, không chỉ giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, tăng thu ngân sách nhà nước, mà còn góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ lực của địa phương phát triển, tăng sức hấp dẫn đối với môi trường đầu tư của tỉnh.

Tuy nhiên, sự phát triển trong lĩnh vực CNHT của tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế đang có. Một số doanh nghiệp có công nghệ sản xuất còn lạc hậu, chưa bắt nhịp được với thời đại công nghiệp 4.0 dẫn đến sản phẩm khó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng như không thể kết nối, liên kết với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật của tỉnh vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư, mở rộng quy mô hoạt động.

Để tháo gỡ các khó khăn, đưa công nghiệp hỗ trợ phát triển theo đúng định hướng, cuối tháng 12/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3663 về chương trình hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025.

Chương trình nhấn mạnh, việc phát triển CNHT trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh của tỉnh và khai thác được các cơ hội trong bối cảnh hội nhập để nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của nhà sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh trong và ngoài nước, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Mục tiêu đề ra đến năm 2025, CNHT của tỉnh trở thành một mắt xích cung cấp sản phẩm CNHT có hàm lượng giá trị cao trong dây chuyền sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế, tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu.

Mục tiêu cụ thể phấn đấu đến hết năm 2025, toàn tỉnh có trên 50 doanh nghiệp có đủ điều kiện phát triển trở thành nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 cho các hãng sản xuất sản phẩm ô tô, xe máy, điện, điện tử hoàn chỉnh và cung cấp một phần cho doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn hoặc xuất khẩu; 10 doanh nghiệp trong nước sản xuất sản phẩm CNHT có thể tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn kinh tế lớn, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế và tham gia vào thị trường quốc tế; liên kết xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn, cải tiến doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Để đạt được các mục tiêu này, tỉnh sẽ dành trên 94.700 tỷ đồng hỗ trợ thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Cùng với đó, triển khai hiệu quả Đề án khuyến khích phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 – 2025; nghiên cứu ban hành các cơ chế, giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ về vốn, mặt bằng, mở rộng thị trường; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp vật liệu nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong tỉnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.