Doanh nghiệp thành lập mới năm 2019 sẽ cán mốc 1.160 doanh nghiệp
Được biết, ngay từ đầu năm 2019, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chú trọng chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai đồng bộ và quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thúc đẩy phong trào khởi nghiệp.
Việc làm đã được tạo ra khi Vĩnh Phúc có một chiến lược đúng đắn |
Song song với việc vận hành tốt Trung tâm hành chính công của tỉnh, huyện, bộ phận một cửa, một cửa liên thông ở cấp xã và các sở, ngành… tổ chức các cuộc đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp, góp phần tạo môi trường, gặp gỡ, trao đổi thường xuyên để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Vì đó, dự kiến đến hết năm 2019, số doanh nghiệp dân doanh được thành lập mới trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc sẽ cán mốc 1.160doanh nghiệp với số vốn đăng ký trên 7.793 tỉ đồng, tăng 9,4% về số doanh nghiệp và tăng 14,8% về số vốn đăng ký so với năm 2018. Lũy kế đến 31/12/2019, toàn tỉnh Vĩnh Phúc sẽ có hơn 10.690 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với số vốn đăng ký trên 119.000 tỉ đồng.
Theo đánh giá của Sở KH&ĐT Vĩnh Phúc thì để duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn, thời gian tới, cùng với tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, UBND tỉnh Vĩnh Phúc sẽ chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp trong thủ tục đăng ký, kê khai thành lập doanh nghiệp hoặc chuyển đổi loại hình từ hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể lên thành loại hình doanh nghiệp.
Trước mắt, sẽ vận hành hiệu quả Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh; Triển khai hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại các sở, ngành và địa phương, kết nối cổng thông tin một cửa quốc gia; thiết lập quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật.
Giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động
Việc phát triển doanh nghiệp cũng giúp tỉnh Vĩnh Phúc tạo ra cơ hội việc làm rất lớn cho người lao động. Từ đầu năm 2019 đến này, từ hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động, ước tính toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã giải quyết việc làm cho 24.500 lao động, tăng 11,4% so với năm 2018 và đạt 100% so với kế hoạch, trong đó, đưa 2.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Người lao động miệt mài làm việc tại một doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc |
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức 42 phiên giao dịch việc làm, trong đó, có 6 phiên lưu động; có 478 lượt doanh nghiệp tham gia tuyển lao động, số người được tuyển tại sàn là 2.188 người, số người được tư vấn về chính sách lao động và việc làm là 13.424 lượt người.
Để đảm bảo sức cạnh tranh của người lao động trước những nguy cơ bị đào thải khỏi thị trường, hoạt động bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho người lao động được lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc xác định là công tác then chốt. Trong năm 2019, tỉnh Vĩnh Phúc dự chi gần 5 tỉ đồng để tổ chức các lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp dưới 3 tháng cho 1.146 lao động với mục tiêu từ 80% học viên có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.
Bên cạnh việc tăng cường kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị máy móc ở 49 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, chất lượng của đội ngũ cán bộ quản lý và giảng dạy tại chính các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm dạy nghề cũng được chú trọng phát triển.
Thực hiện những chủ trương mới của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về giáo dục nghề nghiệp, Vĩnh Phúc đã tích cực tuyên truyền và thực hiện nhiều biện pháp để tăng cường sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Doanh nghiệp không còn đơn thuần là nơi tiếp nhận, sử dụng lao động đã qua đào tạo tại các trường cao đẳng, trung cấp nghề… mà từng bước trở thành nhà trường thứ hai khi cho phép học viên tới kiến tập, thực tập tại chính xưởng sản xuất, giúp họ có cơ hội hiểu thêm về công việc thực tế và nâng cao tay nghề.
Thỏa thuận hợp tác ký kết ngày 29/10/2019 giữa trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp Vĩnh Phúc và các doanh nghiệp lớn như Công ty Toyota Việt Nam, Công ty Hyundai Vĩnh Yên, Tập đoàn Prime, Công ty TNHH Chính xác Việt Nam 1, Tập đoàn Viettel chi nhánh Vĩnh Phúc, JHJ Group… đã đánh dấu một bước tiến mới trong hoạt động đào tạo nghề tại Vĩnh Phúc.
Theo đó, lãnh đạo trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp Vĩnh Phúc cam kết cung ứng tối thiểu 21.500 lao động chất lượng cao thuộc các ngành Công nghệ ô tô, Điện tử - Điện lạnh, Công nghệ thông tin, Điện công nghiệp, Hàn… cho các doanh nghiệp trên trong giai đoạn 2020 – 2025.
Đơn đặt hàng quy mô lớn này một mặt cho thấy uy tín, chất lượng của trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp nói riêng và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc nói chung trong công tác đào tạo nghề, nhưng mặt khác cũng là thách thức đối với nhà trường trong việc đổi mới, kiện toàn chương trình giảng dạy để đáp ứng yêu cầu về chất lượng lao động mà các doanh nghiệp đã đặt ra.
Ngược lại, các doanh nghiệp cũng sẽ tham gia vào quá trình đào tạo trên các phương diện định hướng nghề nghiệp cho người lao động, tư vấn nội dung học tập, đánh giá năng lực học viên…
Song song với công tác giải quyết việc làm cho người lao động, các thay đổi trong hoạt động đào tạo nghề được kỳ vọng rằng sẽ tạo nên những bước đột phá mới về chất lượng của nguồn nhân lực Vĩnh Phúc để kịp thời thích ứng với những yêu cầu mới.