Vĩnh Phúc: Vượt qua trở ngại để kiến tạo các vùng quê phát triển

GD&TĐ - Đến hết quý III năm 2019, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 109/112 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 2,11%. Để đạt được điều kỳ diệu này, Vĩnh Phúc đã vượt qua nhiều trở ngại, khó khăn, nhưng quan trọng hơn cả là nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ nhân dân trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Một góc vùng quê của huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc
Một góc vùng quê của huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc

Không có việc gì khó

Thông tin từ tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy đã có 109/112 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 98,2% trung tâm văn hóa xã và 99,2% nhà văn hóa thôn đạt chuẩn theo quy định, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 2,11%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 80 triệu đồng/người/năm, 89,3% người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Đó là những con số ấn tượng mà tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020.

Ông Nguyễn Văn Trì- Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc trao cờ thi đua xuất sắc cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua: Vĩnh Phúc chung sức xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Văn Trì- Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc trao cờ thi đua xuất sắc cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua: Vĩnh Phúc chung sức xây dựng nông thôn mới.

Một lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ rằng, khi tỉnh bắt tay vào xây dựng nông thôn mới đã gặp không ít trở ngại. Đó là nguồn lực của địa phương không nhiều, trong khi các hạng mục cơ sở hạ tầng cần được đầu tư cải tạo, xây mới và những dự án phát triển sản xuất, thúc đẩy giáo dục, bảo vệ môi trường… đều đòi hỏi lượng vốn vô cùng lớn.

Bên cạnh đó, địa hình đồi núi hiểm trở ở một số địa bàn, tâm lý thụ động và nhận thức chưa đúng của một bộ phận người dân về chương trình cũng gây nhiều khó khăn trong việc hoàn thiện các mục tiêu mà Đảng và chính quyền các cấp đã đề ra.

Tuy nhiên, bằng những chính sách, giải pháp phù hợp, đúng đắn và sự kiên trì giải thích, tuyên truyền, động viên nhân dân tham gia tích cực vào tiến trình chung, Vĩnh Phúc đã từng bước vượt qua những thách thức đó.

Với chủ trương "Lấy sức dân để lo cho dân", lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đã huy động được nguồn lực vật chất rất lớn từ trong dân để nâng cấp, kiên cố hóa đường xá, hệ thống đê điều, rãnh thoát nước, trường học, nhà văn hóa…

Được biết, ngoài việc ủng hộ bằng tiền bạc, nhiều hộ dân ở các huyện Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên… còn tự nguyện hiến một phần đất ở của gia đình để làm các công trình công cộng và tham gia vào hoạt động cải tạo, xây dựng đường làng ngõ xóm.

Người dân Vĩnh Phúc tham gia xây dựng công trình nông thôn mới
Người dân Vĩnh Phúc tham gia xây dựng công trình nông thôn mới 

Không chỉ là người góp công, góp của, người dân cũng là người giám sát, bảo vệ an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn hoá… ở làng xã. Các đoàn, hội như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên cũng phát huy vai trò tích cực với những mô hình "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", "Thu gom rác thải", "Thanh niên xung kích xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường", "Ngày thứ 7 tình nguyện", "Ngày chủ nhật xanh"...vv.

Theo ghi nhận của phóng viên, sau gần chục năm kiến tạo, các vùng quê của tỉnh Vĩnh Phúc đã có bộ mặt mới, có các con đường bê tông sạch sẽ cùng những ngôi nhà cao tầng đã mọc lên san sát, hệ thống mạng internet, truyền thanh, truyền hình số mặt đất đã về với nhiều xã miền núi, giúp người dân tiếp cận những thông tin hữu ích cho sản xuất, chăn nuôi và nâng cao đời sống tinh thần… Tất cả những điều đó cho thấy đời sống của người dân tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng được nâng cao.

Bên cạnh việc xây dựng những cơ sở hạ tầng cần thiết về giao thông, giáo dục, y tế…, việc phát triển kinh tế dựa trên những điều kiện đặc thù và thuận lợi của địa phương cũng được chú trọng.

Sản xuất nông nghiệp có những thay đổi căn bản khi được cơ cấu lại theo hướng tập trung, quy mô lớn và người nông dân được hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi, máy móc với sự tư vấn, hỗ trợ kịp thời từ các chuyên gia, cán bộ khuyến nông.

Trong sản xuất nông nghiệp, việc dồn điền đổi thửa được khuyến khích nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng những tiến bộ về khoa học kỹ thuật và các phương tiện cơ giới vào sản xuất.

Ngoài việc hỗ trợ vốn và kỹ thuật cho những mô hình có giá trị kinh tế cao, quỹ tín dụng địa phương còn hỗ trợ kinh phí cho các hộ nghèo, đối tượng chính sách để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Mối gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp cũng được thúc đẩy nhằm đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, góp phần thúc đẩy lĩnh vực thương mại.

Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch… tiếp tục được khuyến khích với những chính sách cởi mở về mặt bằng, vốn, thị trường... nhằm thu hút đầu tư và phát triển sản xuất.

Nhờ đó, Vĩnh Phúc từng bước trở thành một vùng đất hứa với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa và du lịch.

Và tầm nhìn hướng đến tương lai

Cuối tháng 9/2019, tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 để nhìn nhận những việc đã làm được, những việc còn tiếp tục phải làm để xây dựng Vĩnh Phúc là một tỉnh phát triển toàn diện, đồng đều giữa các vùng.

Có sự đồng thuận của người dân, các mục tiêu tỉnh Vĩnh Phúc đặt ra trong việc xây dựng nông thôn mới không khó để đạt được
Có sự đồng thuận của người dân, các mục tiêu tỉnh Vĩnh Phúc đặt ra trong việc xây dựng nông thôn mới không khó để đạt được 

Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Vĩnh Phúc có 9/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu, 26 thôn dân cư đạt chuẩn thôn dân cư nông thôn kiểu mẫu.

Đến hết năm 2025, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 1 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu, 50% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 15% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít trăn trở về những điều cần phải làm ngay lập tức và trong tương lai để Vĩnh Phúc trở thành một mảnh đất thực sự đáng sống đối với người dân về cả kinh tế, xã hội, môi trường.

Ghi nhận những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Nguyễn Văn Trì- Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhận định đó mới chỉ là các thành tựu bước đầu, chưa bền vững.

Chủ tịch UBND tỉnh VĨnh Phúc khẳng định, trong giai đoạn tới, các cấp, các ngành và nhân dân Vĩnh Phúc cần tiếp tục đoàn kết, tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Một số chủ trương và giải pháp cũng được đặt ra tại hội nghị trên để thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong tương lai. Đó là những định hướng mới trong việc phát triển nông nghiệp, nông thôn như phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và an toàn sinh học; Xây dựng vùng nông sản tập trung, đáp ứng yêu cầu quản lý chất lượng các sản phẩm nông nghiệp; Tăng cường đầu tư cho khâu bảo quản và chế biến nông sản, đảm bảo chất lượng sản phẩm trước khi xuất ra thị trường; Hình thành hệ thống trung tâm kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản; Phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn; Xây dựng và thực hiện các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để thúc đẩy sản xuất và tạo việc làm cho lao động nông thôn…

Những mục tiêu này của Vĩnh Phúc là hiện hữu chứ không phải là cái gì đó xa vời khi mà có sự đồng thuận từ người dân đến các cấp Ủy đảng, chính quyền nơi đây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đối tượng Nguyễn Minh Trường thời điểm bị bắt giữ và tang vật.

Triệt phá 'lô cốt' ma túy

GD&TĐ - “Bà trùm” chia nhỏ ma túy, giao cho “chân rết” là những “quái xế” vận chuyển bằng xe máy với tốc độ cao nhằm hạn chế giám sát của lực lượng chức năng.