Vĩnh Phúc: Thu hút đầu tư tăng và chiến lược phát triển ngành du lịch

GD&TĐ -Trong 9 tháng đầu năm 2019, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc (Ban QLCKCN) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (CNĐKĐT) mới cho 61dự án, điều chỉnh  Giấy CNĐKĐT tăng vốn cho 42 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 612,35 triệu USD và 2.662,78 tỷ đồng. Tận dụng lợi thế, điều kiện tự nhiên để phát triển du lịch là một hướng đi đang được tỉnh Vĩnh Phúc trú trọng.

Một góc khu du lịch hồ Đại Lải, Vĩnh Phúc
Một góc khu du lịch hồ Đại Lải, Vĩnh Phúc

Dự án FDI tăng

Theo báo cáo thì trong 9 tháng đầu năm 2019, các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thu hút được 53 dự án FDI mới và 38 lượt tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 612,35 triệu USD (cấp mới: 285,42 triệu USD, tăng vốn: 326,93 triệu USD), tăng 2,4 lần về vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 219% kế hoạch năm 2019; 08 dự án DDI mới và 04 lượt tăng vốn với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 2.662,78 tỷ đồng (cấp mới: 2.585,8 tỷ đồng, tăng vốn: 76,98 tỷ đồng), tăng 9 lần về vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 190% kế hoạch năm 2019.

Dòng vốn FDI đang đổ về các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc
Dòng vốn FDI đang đổ về các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc 

Đến nay, số dự án còn hiệu lực đầu tư trong các Khu công nghiệp là 343 dự án, gồm 60 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 14.452,67tỷ đồng và 283 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 3.763,43 triệu USD.

Trong đó: Khu công nghiệp Khai Quang thu hút được 87 dự án, gồm 11 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 714,99 tỷ đồng và 76 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 1.046,31 triệu USD; đã có 83 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp đạt 98%.

Khu công nghiệp Bình Xuyên thu hút được 113 dự án, gồm 37 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 3.692,55 tỷ đồng và 76 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 546,45triệu USD; đã có 78 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp đạt 100%.

Khu công nghiệp Bình Xuyên II (giai đoạn 1) thu hút được 52 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 288,07 triệu USD; đã có 40 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp đạt 98,3%.

Khu công nghiệp Bá Thiện thu hút được 28 dự án, gồm 05 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 2.562,01 tỷ đồng và 23 dự án  FDI với tổng vốn đầu tư 877,92 triệu USD; đã có 20 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp đạt 30,3% ....

Thông tin cũng cho biết trong 9 tháng đầu năm 2019, vốn thực hiện của các dự án DDI đạt 647,94 tỷ đồng, nâng vốn thực hiện của các dự án đến hết tháng 9/2019đạt 7.966,7 tỷ đồng, đạt55 % vốn đầu tư đăng ký.

Vốn thực hiện của các dự án FDI đạt 233,31 triệu USD, nâng vốn thực hiện của các dự án đến hết tháng 9/2019 lên 2.181,6 triệu USD, đạt tỷ lệ 58% vốn đầu tư đăng ký.

Dự kiến trong 03 tháng cuối năm 2019, Ban QLCKCN tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thực hiện thu hút đầu tư theo quy hoạch, có chọn lọc gắn với phát triển bền vững từ các thị trường truyền thống: Nhật bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, hướng tới các thị trường tiềm năng Mỹ, EUvà các nước là thành viên tham gia các FTA mới, TPP, AEC...

Tận dụng lợi thế để phát triển du lịch

Vĩnh Phúc là tỉnh nằm ở vùng chuyển tiếp giữa đồng bằng Sông Hồng với các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, có sức hút về du lịch.

Vì vậy, việc tận dụng lợi thế do thiên nhiên ưu đãi để phát triển ngành du lịch cũng được lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt trú trọng, quan tâm đầu tư phát triển toàn diện với những giải pháp đồng bộ.

Thiền viện Trúc Lâm- Tây Thiên, Vĩnh Phúc
Thiền viện Trúc Lâm- Tây Thiên, Vĩnh Phúc 

Du lịch Vĩnh Phúc được xác định phát triển theo 3 hướng chính: Du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần và du lịch sinh thái rừng; du lịch văn hoá, lịch sử, thắng cảnh, làng quê, làng nghề; du lịch công vụ, hội nghị, hội thảo.

Về cơ bản, mạng lưới giao thông kết nối các khu du lịch tại Vĩnh Phúc đã được hoàn thiện và thường xuyên bảo trì, sửa chữa nhằm hạn chế các sự cố và tình trạng tắc nghẽn vào mùa cao điểm.

Hệ thống điện chiếu sáng, cấp thoát nước, mạng internet cũng được lắp đặt, phủ sóng ở các khu vực miền núi để đảm bảo chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Bên cạnh đó, các đơn vị uy tín được lựa chọn để tư vấn, thiết kế, thi công nhằm phát triển, hoàn thiện cơ sở vật chất ở các khu du lịch trọng điểm của tỉnh như Tam Đảo, Đại Lải, Tây Thiên… Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn tỉnh cũng tăng trưởng mạnh về số lượng.

Tính đến tháng 3/2019, Vĩnh Phúc có 377 cơ sở lưu trú với trên 6.000 phòng, trong đó có 2 khách sạn 5 sao (khu nghỉ dưỡng FLC Vĩnh Thịnh và khu nghỉ dưỡng Đại Lải Flamingo) và 306 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn quốc gia.

Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc còn phát triển đa dạng các loại hình du lịch: du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm, du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo, du lịch văn hóa..., trong đó, du lịch nghỉ dưỡng vào các ngày cuối tuần và du lịch lễ hội là hai loại hình thu hút được nhiều du khách nhất.

Công tác quản lý và chính sách thu hút đầu tư cũng thể hiện sự chú trọng của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đối với ngành du lịch. UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã thông qua nhiều dự án quy hoạch lớn như quy hoạch khu du lịch Tam Đảo, quy hoạch chung xây dựng phát triển du lịch, dịch vụ khu vực chân núi Tam Đảo…

Song song với việc chủ động dành quỹ đất cho các dự án, tỉnh Vĩnh Phúc chủ trương cải thiện chính sách và thủ tục hành chính theo hướng cởi mở, thông thoáng hơn để tạo lập một môi trường đầu tư thuận lợi nhằm khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực du lịch và đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh lân cận, nhất là những địa phương có ngành du lịch phát triển để xây dựng những tour du lịch nội địa hấp dẫn du khách.

Đồng thời, việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông ở các điểm du lịch cũng được chỉ đạo sát sao nhằm dẹp bỏ các tệ nạn và việc buôn bán kinh doanh trục lợi làm ảnh hưởng đến khách du lịch và danh tiếng của ngành du lịch tỉnh Vĩnh Phúc.

Với những nỗ lực đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch cả trong và ngoài nước.

Riêng Quý I năm 2019, tỉnh Vĩnh Phúc đã tiếp nhận khoảng 1,7 triệu lượt khách du lịch. Theo dự tính, con số này sẽ đạt khoảng 6 triệu lượt trong năm 2019, trong đó có 43.500 lượt khách quốc tế, đem lại tổng doanh thu khoảng 1.910 tỉ đồng.

Đánh giá về hoạt động du lịch của tỉnh, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng những kết quả như trên chỉ là các thành tựu bước đầu, hiệu quả vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng vốn có.

Ngày 31/8/2018, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Chương trình hành động số 41, bao gồm những định hướng và biện pháp để kiến tạo một môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện và phát triển bền vững.

Theo đó, sẽ tiếp tục nghiên cứu, cơ cấu lại ngành du lịch nhằm đảm bảo sự phát triển song song giữa việc khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của cảnh quan thiên nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn và việc bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hoá cũng như bảo vệ tài nguyên và môi trường.

Đồng thời, bên cạnh việc ưu tiên nguồn lực để đầu tư, phát triển hạ tầng cơ sở, mạng lưới giao thông, tỉnh Vĩnh Phúc cũng sẽ hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm thu hút các nhà đầu tư và tiếp tục xúc tiến hoạt động quảng bá, hợp tác du lịch để ngày càng nhiều khách du lịch quốc tế biết tới và lựa chọn Vĩnh Phúc như một điểm đến không thể bỏ qua khi tới Việt Nam…

Sau một loạt các giải pháp, kỳ vọng đến năm 2020, các điểm du lịch tại Vĩnh Phúc sẽ chào đón khoảng 50.000 lượt khách quốc tế và 6,5 triệu khách nội địa; năm 2030 thu hút 150.000 lượt khách quốc tế và 15,6 triệu lượt khách nội địa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ