Vĩnh Phúc chú trọng hướng nghiệp để giảm ‘thừa thầy, thiếu thợ’

GD&TĐ - Hoạt động giáo dục hướng nghiệp ở các trường THPT của Vĩnh Phúc giúp học sinh lựa chọn nghề phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu của xã hội.

Hoạt động hướng nghiệp cho học sinh luôn được Trường THPT Nguyễn Viết Xuân đặc biệt quan tâm.
Hoạt động hướng nghiệp cho học sinh luôn được Trường THPT Nguyễn Viết Xuân đặc biệt quan tâm.

Hướng nghiệp đúng và trúng

Phân luồng học sinh sau THCS, THPT là giải pháp căn bản, giúp mỗi gia đình, học sinh tự nhận biết khả năng, chọn đúng nghề, hướng đi phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu lao động xã hội. Chính vì vậy, các cấp ủy, chính quyền Vĩnh Phúc đã tích cực, chủ động chỉ đạo ngành GD&ĐT tổ chức, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả và đạt những tín hiệu lạc quan trong công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh...

Qua tìm hiểu tại THPT Nguyễn Viết Xuân (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) thấy rằng, công tác hướng nghiệp cho học sinh được nhà trường triển khai thực hiện khá bài bản, nền nếp, với nhiều cách làm mới.

Hoạt động giáo dục tại Trường THPT Nguyễn Viết Xuân.

Hoạt động giáo dục tại Trường THPT Nguyễn Viết Xuân.

Cô giáo Phạm Thị Hòa, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, xác định rõ việc học phải gắn với định hướng nghề nghiệp nên ngay khi học sinh vào lớp 10, nhà trường đã thực hiện việc chia lớp theo năng lực và nguyện vọng của học sinh, từ đó có sự hướng nghiệp phù hợp. Đối với chương trình giáo dục hướng nghiệp chính khóa theo phân phối của Bộ GD&ĐT, có 9 tiết/năm học/khối, chia đều cho 9 tháng với những chủ đề khác nhau. Các tiết giáo dục hướng nghiệp vào tiết sinh hoạt lớp dưới sự tổ chức và quản lý trực tiếp của giáo viên chủ nhiệm. Học sinh thảo luận theo nhóm, tham gia đóng kịch với những ngành nghề khác nhau trong xã hội.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức những hoạt động ngoại khóa có mời một số trường đại học, cao đẳng và chuyên gia để tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.

“Không chỉ hướng nghiệp, diễn giả còn trực tiếp đối thoại, giải đáp những băn khoăn của học sinh trong việc lựa chọn ngành nghề; đồng thời, giúp các em biết thêm những kỹ năng mềm cần thiết cho cuộc sống và công việc sau này. Dự kiến trong học kỳ II, nhà trường tiếp tục tổ chức hoạt động tương tự dành riêng cho học sinh khối 12 để các em thêm vững tin trong việc lựa chọn hướng đi trong tương lai”, cô Hòa khẳng định.

Gắn với nhu cầu xã hội

Thời gian qua, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành nhiều văn bản có liên quan đến công tác giáo dục hướng nghiệp, hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, giúp học sinh chọn đúng ngành, nghề, có hướng đi phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu lao động xã hội, nhằm khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.

Hướng nghiệp sớm giúp học sinh nhận biết được năng lực bản thân để lựa chọn nghề phù hợp.

Hướng nghiệp sớm giúp học sinh nhận biết được năng lực bản thân để lựa chọn nghề phù hợp.

Để tạo điều kiện cho học sinh được tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp, Sở GD&ĐT ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các trường THCS, THPT tổ chức tốt hoạt động hướng nghiệp cho học sinh; thành lập Ban công tác hướng nghiệp, Tổ tư vấn hướng nghiệp với nhiệm vụ lồng ghép giáo dục hướng nghiệp vào các môn học; nội dung giáo dục khởi nghiệp được đưa vào giảng dạy tại các trung tâm GDNN-GDTX nhằm giúp học sinh, sinh viên nâng cao nhận thức về tinh thần khởi nghiệp, phát huy năng lực, tự chủ, sáng tạo trong việc lựa chọn nghề nghiệp…

Hàng năm, Sở GD&ĐT tổ chức đào tạo bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác tư vấn, hỗ trợ học sinh khởi nghiệp tại các cơ sở giáo dục; phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức tập huấn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho cán bộ các phòng GD&ĐT, các trường THPT, các trung tâm GDNN-GDTX.

Trường THPT Trần Phú (TP Vĩnh Yên) là một trong những cơ sở giáo dục luôn chú trọng công tác tư vấn nghề nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh. Nhà trường đã thành lập Ban công tác hướng nghiệp; tổ chức các hoạt động ngoại khóa; đánh giá năng lực học tập của học sinh, từ đó, có định hướng nghề nghiệp phù hợp với bản thân và điều kiện kinh tế gia đình.

Vừa qua, nhà trường đã phối hợp với Tỉnh Đoàn, Hội Sinh viên tỉnh tổ chức tư vấn, định hướng nghề nghiệp trong chương trình “Hướng nghiệp Gen Z năm 2022” cho hơn 1.300 học sinh. Qua phân tích của các khách mời, các em học sinh nhận thức được một thực tế, bước vào thời đại số, nhiều ngành nghề truyền thống mất đi và xuất hiện nhiều ngành nghề mới, trong đó công nghệ thông tin và tự động hóa đang là xu hướng mà Gen Z nên dành ưu tiên cho việc lựa chọn ngành học.

Thực tế cho thấy, làm tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh không chỉ giúp các trường thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, mà còn góp phần quan trọng trong việc phân luồng học sinh và phát triển nguồn nhân lực, phục vụ sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Theo Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc: Thời gian tới, Ngành sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp phù hợp với lứa tuổi, tăng cường dạy học theo hướng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Đa dạng hình thức tư vấn, giải quyết thấu đáo thắc mắc của học sinh, cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin tuyển sinh, liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực phù hợp, theo nhu cầu của xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.