Vinh danh học sinh đoạt giải kỳ thi quốc tế 2022: Những điều muốn nói

GD&TĐ - Kỳ thi Olympic năm nay, các đội tuyển học sinh Việt Nam, trong đó có đội tuyển Vật lý mang về thành tích rực rỡ.

TS Lê Mỹ Phong (bên phải), Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) chúc mừng thành tích đội tuyển Olympic Vật lý châu Á.
TS Lê Mỹ Phong (bên phải), Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) chúc mừng thành tích đội tuyển Olympic Vật lý châu Á.

Cùng với niềm vui, tự hào là những mong muốn gửi gắm để chúng ta làm tốt hơn nữa việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi.

Căng thẳng và nhiều cảm xúc

Từ năm 2010 tới nay, tôi có cơ duyên được thường xuyên làm việc với đội tuyển Olympic Vật lý châu Á (8 thành viên) và đội tuyển Olympic Vật lý quốc tế (5 thành viên được chọn từ top 8 thành viên thi Olympic Vật lý châu Á). Đội tuyển tham dự Olympic Vật lý châu Á (APhO) năm nay gồm học sinh đến từ trường: THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, THPT chuyên Bắc Ninh, THPT chuyên Vĩnh Phúc, THPT chuyên Lương Văn Chánh - tỉnh Phú Yên, và THPT chuyên ĐHSP Hà Nội.

Trong số đó, có đơn vị đóng góp tới 4 thành viên, đó là chuyên Khoa học Tự nhiên; còn lại mỗi đơn vị đóng góp 1 em. Ba thành viên nhỏ tuổi nhất của đội tuyển đến từ THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (1 học sinh lớp 10 và 2 em lớp 11); 5 học sinh còn lại là lớp 12. Trong đó, em Võ Hoàng Hải là học sinh lớp 10 đầu tiên được Bộ GD&ĐT chọn cử đi tham dự thi môn Vật lý.

Mỗi lần tham dự Olympic là một lần hy vọng, hồi hộp chờ đợi. Thầy và trò cũng đều cố gắng hết mình vì danh dự quốc gia. Cảm xúc rất tuyệt vời mỗi khi lá cờ Việt Nam tung bay và học sinh Việt Nam được xướng tên.

Lần thi này cũng vậy. Sau quá trình tập huấn tập trung, thầy trò chia tay nhau để đi làm nhiệm vụ của mình. Trò được quản lý ở một khu vực riêng, bị cách ly với các công cụ liên lạc và mạng Internet. Thầy đến khu vực làm chuyên môn của kỳ thi. Các thầy sẽ nhận đề thi trước để thảo luận với hội đồng quốc tế. Thảo luận xong thì dịch đề.

Khi chờ đợi để nhận đề thi, các thầy cũng hồi hộp như chính mình đi thi, xem đề dễ hay khó, liệu rằng học sinh có làm được hay không. Hai ngày thi, quy trình làm việc như nhau. Sau mỗi ngày thi, các thầy nhận được bản copy bài làm của học trò, tự chấm để đối chiếu với kết quả chấm của ban tổ chức và khiếu nại điểm sau này nếu có sự chênh lệch.

Thầy trò đội tuyển Olympic Vật lý và Hóa học quốc tế.

Thầy trò đội tuyển Olympic Vật lý và Hóa học quốc tế.

Trong đợt thi APhO, hầu như các em trong đội tuyển đều làm khá tốt bài thi của ngày thứ nhất - bài thi lý thuyết. Có em cũng mắc phải một số sơ sót mà nếu kinh nghiệm xử lý tốt hơn thì có thể điểm cao hơn. Nhưng lúc đó, thầy trò cách ly nên không thể nhắc cho các em để khắc phục kịp thời.

Buổi thứ hai là thi thực nghiệm. Đề thi năm nay khá khó. Đúng như lo lắng, các em không kịp làm hết đề thi này. Tuy vậy, tổng điểm của cả hai ngày thi đạt mức khá cao so với nhiều năm. Sau khi nhận điểm của học sinh, các thầy so sánh với năm trước và hy vọng sẽ có nhiều huy chương màu sắc rực rỡ. Nhưng điều bất ngờ đầy khắc nghiệt ở APhO một lần nữa làm cho thầy và trò trở về mà vẫn không mang được niềm vui trọn vẹn.

Cách tính giải ở kỳ thi APhO (Olympic Vật lý châu Á) không giống của kỳ thi IPhO (Olympic Vật lý quốc tế) và nhiều kỳ thi khác. Số lượng huy chương không được ấn định theo số lượng thí sinh thi và cũng không theo tỷ lệ nhất định, mà lấy theo mốc điểm được quyết định bởi kết quả thi của các thí sinh năm đó.

Người đoạt Huy chương Vàng sẽ phải có điểm vượt qua 90% điểm quy chuẩn (điểm quy chuẩn lấy bằng hai lần điểm của thí sinh có điểm xếp thứ tự chính giữa hoặc lấy bằng trung bình cộng của ba thí sinh có điểm cao nhất). Tương tự cho Huy chương Bạc, Huy chương Đồng và Bằng khen.

Chính vì vậy, số Huy chương Vàng, Bạc, Đồng của mỗi năm một khác. Có thể có năm nhiều em đạt Huy chương Vàng, nhưng cũng có năm cộng cả số Huy chương Vàng và Bạc chưa bằng số Huy chương Vàng của năm trước. Nếu năm đó có 3 học sinh điểm cao vượt trội so với nhóm còn lại thì mặc dù một em có điểm khá tốt nhưng vẫn không được huy chương cao.

Kết quả của kỳ thi năm nay là một ví dụ. Mặc dù, chất lượng của đội tuyển tương đối đồng đều và tốt, các em có điểm ở mức khá tốt so với mốc giải của năm trước và đều hy vọng tất cả đều đoạt huy chương, trong đó có nhiều Huy chương Vàng và Bạc. Nhưng thực tế trở về, đội tuyển chỉ nhận được 3 huy chương (1 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng), đều thuộc về học sinh Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên. 5 em còn lại chỉ vượt được mốc giải thưởng là Bằng khen.

Sự khắc nghiệt về cách tính huy chương ở kỳ thi Olympic Vật lý châu Á làm cho các em khá thiệt thòi, nhất là những tỉnh mà bao nhiêu năm mới có một học sinh xuất sắc lọt vào đội tuyển đi thi APhO. APhO thực sự là kỳ thi căng thẳng và mang lại nhiều cảm xúc.

Đến kỳ thi IPhO thì nhẹ nhàng hơn. Các em đã có kinh nghiệm thi, lại được thời gian luyện tập nhiều hơn nên kết quả của đoàn khá ổn. Cả đội tuyển đạt được 3 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc và 1 tấm Huy chương Đồng.

Công tác dịch đề thi APhO chuẩn bị cho các học sinh buổi thi hôm sau (ảnh chụp lúc 2 giờ sáng).

Công tác dịch đề thi APhO chuẩn bị cho các học sinh buổi thi hôm sau (ảnh chụp lúc 2 giờ sáng).

5 yếu tố làm nên thành công

Có nhiều yếu tố làm nên thành tích xuất sắc của đội tuyển Olympic Vật lý Việt Nam năm nay. Tôi muốn nói đến 5 yếu tố chính:

Điều đầu tiên, năm nay Bộ GD&ĐT đã mạnh mẽ trong công tác chỉ đạo tổ chức thi để việc thi chọn đội tuyển được khách quan nhất. Do đó đã chọn được những học sinh xuất sắc nhất, xứng đáng tham dự thi.

Tiếp đó là sự quan tâm của nhà trường có học sinh dự thi. Các trường đều tạo điều kiện tốt nhất cho các em tập trung học tập, phát triển đam mê khám phá kiến thức, khoa học. Đội ngũ thầy cô là những người nhiệt huyết với nghề, tích cực cập nhật kiến thức mới và luôn gợi mở để các em tự phát huy khả năng khám phá một cách không giới hạn.

Đối với học sinh của THPT chuyên Khoa học Tự nhiên thì sẵn có nguồn thầy cô tại trường, cũng như từ Trường ĐH Khoa học Tự nhiên hỗ trợ, cả thầy cô của Viện Vật lý và từ các trường đại học khác. Còn với các tỉnh thì luôn có sự tầm sư học đạo. Do đó, học sinh được trang bị nền tảng kiến thức tốt.

Bên cạnh đó, đội tuyển hội tụ những học sinh xuất sắc, có động lực phấn đấu. Đồng thời, đại dịch Covid-19 vừa là khó khăn thách thức, nhưng cũng là thuận lợi cho những học sinh tự giác, sẵn có tố chất, đam mê Vật lý và khát khao chinh phục đỉnh cao, tập trung phát triển đam mê.

Khi tập trung đội tuyển, thầy cô tham gia tập huấn đã không quản ngày đêm, dốc mình dạy phủ các kiến thức cho các em. Thời gian tập trung đội tuyển ngắn nên Ban tổ chức của Khoa Vật lý, Trường ĐHSP Hà Nội đã bố trí một ngày 3 ca học cho đội tuyển, cả sáng, chiều và tối. Lịch học căng như dây đàn.

Điểm khá đổi mới của việc sắp xếp dạy đội tuyển năm nay là, Ban tổ chức tập huấn đã huy động sự tham gia đa dạng hơn của các thầy cô. Trong đó kế thừa những nhân lực cũ và có sự góp sức của nhiều nhân sự mới, gồm những thầy cô trẻ và nhiệt huyết được giới thiệu từ nhiều đơn vị khác nhau, như Viện Vật lý và các trường đại học khác.

Cuối cùng là chính sách tuyển thẳng đại học và các ưu đãi dành cho học sinh giỏi được duy trì giúp các em và thầy cô yên tâm hơn trong học tập, rèn luyện và phấn đấu đạt đỉnh cao. Tôn trọng và đề cao sự học vẫn là nét đáng quý được giữ gìn của người Việt, cũng là điều góp phần khích lệ thầy trò phấn đấu.

Xin trân trọng cảm ơn lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo Bộ GD&ĐT, các trường đại học, trường phổ thông đã vì sự hiếu học và tiến bộ của xã hội mà luôn động viên, khích lệ, khen thưởng kịp thời cho các học sinh giỏi; tạo động lực cho thầy cô, học sinh phấn đấu, học tập và nghiên cứu đạt thành tích cao.

TS Nguyễn Công Toản.

TS Nguyễn Công Toản.

Động lực thúc đẩy cả hệ thống giáo dục

Phong trào học tập, phấn đấu chinh phục đỉnh cao là công cụ tạo động lực cho nền giáo dục. Việc dạy học chuyên sâu không chỉ giúp đào tạo được người có chuyên môn tốt, phát huy năng lực và phát triển năng khiếu của người học; tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, mà còn thúc đẩy, tạo động lực phấn đấu chung cho xã hội.

Một lớp học mà không khích lệ người học giỏi, lớp học đó thiếu ý chí phấn đấu, thiếu phong trào học tập và sẽ làm bê trễ học tập của học trò, làm trì trệ người thầy. Khi nhìn vào một tấm gương phấn đấu và đạt kết quả tốt, nhận được sự khen thưởng xứng đáng, nhiều học sinh sẽ mong muốn, ước mơ mình cũng làm được điều tương tự. Những em đó lại là đầu tàu trong mỗi lớp học, tạo ra phong trào học tập, phấn đấu của lớp học.

Học sinh, nhà trường cũng sẽ cùng tạo những nhóm học sinh giỏi cầm cờ, đẩy mạnh cho các bạn khác cùng có động lực để phấn đấu theo. Vậy là, khích lệ cho một số em nhưng tác dụng lại lan truyền cho cả hệ thống. Một hệ thống luôn khát khao phấn đấu và vươn lên.

Ngoài ra, việc dạy học sinh giỏi có tác động ngược lại đến sự phát triển của giáo viên, đóng vai trò như một công cụ đào tạo giáo viên giỏi. Khi dạy học trò chuyên, đòi hỏi thầy cô phải tìm hiểu sâu kiến thức mới dạy được. Thầy cô phải luôn cập nhật kiến thức mới và trau dồi chuyên môn. Học sinh giỏi thường có những câu hỏi hóc búa, giáo viên phải liên tục suy nghĩ để trả lời được những câu hỏi như vậy. Do đó, mỗi ngày thầy cô lại được rèn luyện và giỏi về chuyên môn hơn.

Chính vì những điều trên, tôi mong Đảng, Nhà nước, Bộ GD&ĐT tiếp tục và mạnh mẽ hơn nữa công tác khích lệ phong trào học sinh giỏi, động viên kịp thời thầy cô và các học sinh thi đua phấn đấu để làm động lực thúc đẩy cả hệ thống giáo dục. Ngăn chặn sự phát tán những tin đồn không tốt, gây hoang mang cho giáo viên, học sinh giỏi, làm nhụt ý chí và làm ảnh hưởng đến tinh thần phấn đấu của thầy - trò, cũng như phong trào thi đua học tập tốt của toàn hệ thống giáo dục như: Bỏ trường chuyên lớp chọn, bỏ kỳ thi chọn học sinh giỏi, hoặc giảm số lượng dự thi học sinh giỏi, cắt giảm ưu tiên…

Thay vào đó là sự khích lệ tốt hơn cho thầy giỏi, trò giỏi, xây dựng và đổi mới trường chuyên, lớp chuyên cho thật chuyên hơn, phù hợp với xu hướng hiện đại hơn của thế giới. Tổ chức nhiều lớp cầm ngọn cờ đầu trong phong trào học tập và thi đua, đảm bảo tổ chức thi cử chặt chẽ, khách quan…

Ngoài ra, tôi cũng mong các cấp lãnh đạo xây dựng cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng những học sinh giỏi riêng. Những em sau kỳ thi học sinh giỏi có thể học vượt cấp, học đại học từ sớm và được định hướng nghề nghiệp để tạo môi trường phù hợp, phát triển được các năng khiếu của mình. Có chính sách đãi ngộ, giữ chân học sinh giỏi và sử dụng họ làm nguồn nhân lực cao cho sự nghiệp xây dựng, phát triển, bảo vệ Tổ quốc.

Những kết quả đạt được đem lại vinh dự lớn cho học sinh và gia đình, đồng thời khẳng định trí tuệ của con người Việt Nam, nhiệt huyết và công sức lao động của thầy trò nhà trường. Điều này cũng cho thấy hướng đi đúng của Bộ GD&ĐT trong khích lệ phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi. Những kết quả này tác động ngược trở lại đến các em, thầy cô của nhà trường; khích lệ cho thầy trò niềm tin vào kết quả của sự nỗ lực và tạo động lực cho phong trào học tập, phấn đấu trong các trường học.

(Tác giả bài viết - TS Nguyễn Công Toản hiện là Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, thành viên Ban chuyên môn đội tuyển Olympic Vật lý).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.