Vĩnh biệt GS.TSKH.NGND Nguyễn Cảnh Toàn

GD&TĐ - Vào hồi 20 giờ 2 phút ngày 8/2/2017 (tức ngày 12 tháng Giêng năm Đinh Dậu), GS.TSKH.NGND Nguyễn Cảnh Toàn, một nhà giáo mẫu mực, một nhà toán học tài năng, một nhà quản lý tâm huyết với nền giáo dục đất nước đã về với cõi vĩnh hằng.

Vĩnh biệt GS.TSKH.NGND Nguyễn Cảnh Toàn
 GS Nguyễn Cảnh Toàn

Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn sinh ngày 28/9/1925 tại xã Đông Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An - vùng đất “địa linh nhân kiệt”.

Năm 1944, ông thi đỗ tú tài toàn phần và thi đỗ vào trường Đại học khoa học ở Hà Nội để học chứng chỉ toán học đại cương.

Năm 1946, Chính phủ mở lại các trường Đại học, ông ra Hà Nội, thi lấy chứng chỉ toán học đại cương, đỗ đầu và tiếp tục học, nhưng chưa được bao lâu thì toàn quốc kháng chiến, ông trở lại quê nhà tham gia kháng chiến.

Năm 1947, ông được bố trí dạy toán ở trường Trung học chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng và đến năm 1951, ông được Bộ Giáo dục điều động lên dạy đại học về lĩnh vực khoa học cơ bản và sư phạm cao cấp tại khu học xá Trung ương ở Nam Ninh, Trung Quốc.

Năm 1956, trường ĐHSP Khoa học và trường ĐHSP Văn khoa được tổ chức lại thành trường Đại học Tổng hợp, trường ĐHSP và ông được bố trí dạy chung cho cả hai trường. Ngày 29/1/1956, ông được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam.

Năm 1958, GS Nguyễn Cảnh Toàn được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm khoa Toán trường ĐHSP Hà Nội và đến tháng 9/1966 ông được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng trường ĐHSP Hà Nội.

Từ năm 1967 ông được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường ĐHSP Hà Nội II và đến năm 1975 được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường ĐHSP Hà Nội I mới (nay là trường ĐHSP Hà Nội).

Trong thời gian này, GS Nguyễn Cảnh Toàn đã có nhiều đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển của nền toán học Việt Nam và thế giới.

Sau giải phóng Thủ đô năm 1954, khi các trường Đại học của Việt Nam mới được thành lập, rất nhiều người cho rằng chưa thể tiến hành nghiên cứu khoa học được vì thiếu đủ mọi thứ: người hướng dẫn có trình độ, thông tin, thiết bị... GS Nguyễn Cảnh Toàn không nghĩ như vậy.

Với phương pháp học tập thông minh, sáng tạo ngay từ lúc còn học phổ thông và khi làm công tác giảng dạy, ông đã tự đề xuất, lặng lẽ nghiên cứu đề tài “Về các đường và mặt bậc hai trong hình học elliptic”.

Ông đã chủ động nghiên cứu một mình, không cho ai biết về công trình này ngoài Giáo sư Lê Văn Thiêm lúc đó là Chủ nhiệm Khoa Toán-Lý, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội.

Vào cuối năm 1956, GS Nguyễn Cảnh Toàn đã hoàn thành nghiên cứu và báo cáo về công trình này trước tập thể Khoa. Lúc đó chưa ai đánh giá được hết giá trị quan trọng của công trình, kể cả bản thân GS vì thiếu thông tin.

Năm 1957, GS Nguyễn Cảnh Toàn được cử sang Liên Xô làm thực tập sinh và giáo sư hướng dẫn sau 2 tháng xem xét đã khẳng định công trình nghiên cứu của ông xứng đáng là một luận án phó tiến sĩ (nay gọi là Tiến sĩ).

Vào ngày 24/6/1958, ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ của mình tại trường ĐH Tổng hợp Maxcova và đây là luận án tiến sĩ đầu tiên của người Việt Nam được nghiên cứu ở trong nước, bảo vệ ở Liên Xô.

Những khám phá của ông trong công trình đầu tay này về sau đã mở đường cho sự ra đời của một phương pháp rất độc đáo trong nghiên cứu các phép đối hợp toàn phương.

Những năm sau đó, GS Nguyễn Cảnh Toàn còn phát hiện ra Lý thuyết đối hợp bộ n, và luận án tiến sĩ khoa học “Lý thuyết đối hợp bộ n” của Ông cũng đã được hoàn thành ở trong nước và bảo vệ thành công ở Liên Xô vào ngày 28/6/1963.

Nhận thấy không gian do mình xây dựng nên trong luận án này còn có vẻ đẹp riêng và tin rằng lớp không gian đó chỉ là ví dụ đầu tiên của một lớp không gian rộng lớn với một lý thuyết tổng quát, Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn đã miệt mài đào sâu nghiên cứu và sau 6 năm lao động vất vả, đến năm 1969 ông đã thành công.

Ông gọi hình học của lớp không gian mới đó là Hình học siêu phi Euclide và kết quả này đã được ông báo cáo với các nhà toán học trên thế giới tại Hội nghị Toán học quốc tế được tổ chức tại Nice (Pháp) năm 1970.

Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn là một trong số những nhà toán học đầu tiên của nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa và là một trong số ít các nhà toán học Việt Nam nghiên cứu toán học thuần túy trước năm 1960.

Ông là một trong những người sáng lập ra Hội Toán học Việt Nam và giữ cương vị Phó chủ tịch kiêm Tổng thư kí của Hội trong ba nhiệm kỳ. Năm 1964, ông sáng lập ra Tạp chí Toán học và Tuổi trẻ và là Tổng biên tập từ ngày thành lập (1964) đến tháng 8 năm 2005.

Đầu năm 1976, GS Nguyễn Cảnh Toàn được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục, nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo, tham gia Đảng đoàn của Bộ.

Năm 1989, GS Nguyễn Cảnh Toàn được Đảng và Nhà nước cho nghỉ quản lý để chuyên làm công tác nghiên cứu khoa học với chức danh chuyên gia cao cấp của Bộ Giáo dục, nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Năm 2001, ở tuổi 76, ông được nghỉ hưu, nhưng trên thực tế vẫn làm việc với tư cách là một nhà khoa học, như: làm chủ nhiệm đề tài, giảng chuyên đề, chấm luận án, viết báo, viết sách. Ông là người đề xướng việc bồi dưỡng cán bộ giảng dạy theo hai cấp: cấp I và cấp II (tiền thân của Thạc sĩ và Tiến sĩ ngày nay).

Ông còn làm chủ nhiệm các đề tài lớn như: Vừa học vừa làm giáo viên, đưa tin học vào nhà trường phổ thông, nghiên cứu và phát triển tự học. Tham gia giảng dạy và viết sách như: Phương pháp duy vật biện chứng với việc dạy học và nghiên cứu toán học.

Ông cũng là tác giả, chủ biên, hiệu đính nhiều cuốn từ điển: Danh từ Toán học Nga – Việt, Danh từ Toán học Anh – Việt, từ điển thuật ngữ Toán học, là thành viên Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển bách khoa và là thành viên biên soạn Từ điển này.

Với những cống hiến bền bỉ và to lớn ở nhiều lĩnh vực, GS TSKH NGND Nguyễn Cảnh Toàn đã được Đảng, Nhà nước công nhận và trao tặng các danh hiệu cao quí: Huân chương kháng chiến hạng nhất và hạng nhì; Huân chương Lao động hạng nhất và hạng ba; huân chương Độc lập hạng nhì; Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng; Huy chương Vì thế hệ trẻ.

Say mê và tận tụy với công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, quản lý giáo dục, GS Nguyễn Cảnh Toàn đồng thời là người con hiếu thảo trong gia tộc, là người chồng thủy chung, người cha mẫu mực của các con, người ông đáng kính của các cháu. Với bà con lối xóm, GS Nguyễn Cảnh Toàn luôn là con người chân thành, tình nghĩa.

Cuộc đời của GS Nguyễn Cảnh Toàn là một minh họa sinh động cho chân lý: Dạy học ở đại học phải gắn liền với nghiên cứu khoa học và sự danh giá của một trường đại học không phụ thuộc vào quy mô đào tạo của nhà trường mà trước hết phụ thuộc vào uy tín của đội ngũ giáo sư, của những nhà khoa học đầu đàn trong trường.

Đối với chúng ta, những thế hệ đi sau, tên tuổi của những nhà giáo lão thành đặt nền móng cho nền giáo dục đại học Việt Nam xã hội chủ nghĩa như GS Nguyễn Cảnh Toàn mãi mãi được lưu giữ trong tâm trí với những bài học vô giá.

Đó là lòng say mê nghiên cứu khoa học, là ước mơ, hoài bão vươn lên trong hoàn cảnh khó khăn gian khổ, là khát vọng xây dựng một nền toán học Việt Nam, một nền giáo dục đại học Việt Nam tương xứng với truyền thống ngàn năm văn hiến của dân tộc.

Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn đã vĩnh biệt chúng ta, nhưng hình ảnh của Ông, một nhà toán học tài năng, một người Thầy mẫu mực, một nhà sư phạm lớn, một nhà quản lý tâm huyết với nền giáo dục đất nước đến tận những phút cuối của cuộc đời mình, còn in đậm mãi trong tâm trí bao thế hệ học trò trên mọi miền đất nước.

(Trích Điếu văn GS.TSKH.NGND Nguyễn Cảnh Toàn)

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã có quyết định thành lập Ban tổ chức lễ tang ông Nguyễn Cảnh Toàn, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo), nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1 (nay là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) gồm:

1. Ông Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Trưởng Ban;

2. Ông Phạm Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Phó Trưởng Ban;

3. Ông Trịnh Xuân Hiếu, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo - Ủy viên;

4. Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo - Ủy viên;

5. Ông Vũ Đình Giáp, Phó Chánh Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Ủy viên;

6. Bà Đặng Huỳnh Mai, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo - Ủy viên;

7. Ông Vũ Minh Đức, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam - Ủy viên;

8. Ông Nguyễn Hữu Dư, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam - Ủy viên;

9. Ông Trần Hữu Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Toán học và Tuổi trẻ;

10. Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạmHà Nội - Ủy viên;

11. Ông Nghiêm Đình Vỳ, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - Ủy viên;

12. Ông Đỗ Đức Thái, Trưởng Khoa Toán - Tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - Ủy viên;

13. Ông Nguyễn Nhật Tân, Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - Ủy viên;

14. Ông Phạm Văn Lê, Tổ trưởng Tổ Dân phố số 2, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội - Ủy viên;

15. Ông Nguyễn Cảnh Tài, Trưởng Nam, đại diện gia đình - Ủy viên.

 Lễ viếng GS.TSKH Nguyễn Cảnh Toàn từ 9 giờ 30 đến 11 giờ 00, Thứ Tư, ngàỵ 15/2/2017 (tức ngày 19 tháng Giêng, năm Đinh Dậu) tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Lễ truy điệu vào hồi 11 giờ cùng ngày. Hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, Văn Điển. An táng tại Công viên nghĩa trang Lạc Hồng, Kỳ Sơn, Hòa Bình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ