Tấm gương và đóng góp về tự học, tự đào tạo
PGS Trần Xuân Nhĩ chia sẻ: Một trong những đóng góp nổi bật của GS Nguyễn Cảnh Toàn chính là việc nêu cao tinh thần tự học và bản thân GS là một tấm gương sáng về tinh thần tự học, học tập suốt đời.
Năm 1966, GS Nguyễn Cảnh Toàn được đề bạt làm Hiệu phó Trường ĐHSP Hà Nội. Khoa Toán do ông làm chủ nhiệm được công nhận là khoa Lao động xã hội chủ nghĩa với hai nét nổi bật được cả ngành đại học coi là quê hương của phong cách giảng dạy mới và phong cách học tập mới mà cốt lõi là phương châm “Biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo”.
Được đề bạt làm Thứ trưởng Bộ GD&ĐT từ năm 1976, trên cương vị mới, GS Nguyễn Cảnh Toàn đã đề xuất việc đào tạo từ xa giáo viên THPT và trực tiếp làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu về việc đào tạo từ xa.
Tư tưởng của mô hình đào tạo này là mô phạm và mẫu mực trong việc biến quá trình đào tạo giáo sinh thành quá trình tự đào tạo; để đạt đến mô phạm, người giáo viên tương lai phải trải qua tự đào tạo.
Đề xướng đào tạo nghiên cứu sinh trong nước
PGS Trần Xuân Nhĩ cho biết: Vào những năm 60 của thế kỉ trước, lực lượng giáo viên đại học mỏng, ít ai nghĩ đến đào tạo sau đại học trong nước, chỉ chờ vào việc gửi nghiên cứu sinh sang nước ngoài.
Từ thực trạng đó, chính GS Nguyễn Cảnh Toàn đã quyết định tổ chức bồi dưỡng cán bộ giảng dạy ở khoa Toán Trường ĐHSP Hà Nội theo 2 cấp. Cấp 1 (tiền thân của cao học) và cấp 2 (tiền thân của đào tạo nghiên cứu sinh).
Trên cương vị Chủ nhiệm khoa Toán, rồi sau đó là Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, GS Nguyễn Cảnh Toàn đã xây dựng “cấp 1” thành nề nếp. Đặc biệt, năm 1970, ba luận án “cấp 2” (nay gọi là tiến sĩ) đã được bảo vệ thành công tại Trường ĐHSP Hà Nội.
Đây là một bước tiến mới của nền giáo dục nước nhà, cũng là động lực để nhà nước cho phép chính thức mở đào tạo nghiên cứu sinh ở trong nước năm 1976.
Người có công lao trong xây dựng hệ thống trường sư phạm
Khi ở trên cương vị là Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, GS Nguyễn Cảnh Toàn phụ trách hệ thống trường đào tạo giáo viên và là người có công lao lớn trong việc xây dựng hệ thống các trường ĐH, CĐ sư phạm trên cả nước, đặc biệt với hệ thống các trường CĐ sư phạm.
PGS Trần Xuân Nhĩ kể: Miền Nam sau khi giải phóng rất thiếu trường sư phạm, muốn thành lập trường mới phải được Chính phủ cho phép, mất nhiều thời gian. GS Nguyễn Cảnh Toàn khi đó là Thứ trưởng Bộ Giáo dục đã cùng Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đề xuất thành lập hệ thống các cơ sở đào tạo xung quanh một trường đã có, nhưng lại cho phép cơ sở đó độc lập và hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Giáo dục.
Ví dụ, thời điểm đó, khu vực Nam Trung bộ cần có trường đại học sư phạm. Thứ trưởng Nguyễn Cảnh Toàn đã đề xuất thành lập cơ sở ĐHSP Quy Nhơn, trực thuộc Trường ĐHSP Huế. Cơ sở này được sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Giáo dục, Bộ Giáo dục rót kinh phí hoạt động và điều động cán bộ. Chỉ sau 2 - 3 năm, cơ sở này đã trở thành Trường ĐHSP Quy Nhơn mà ngày nay quy mô mấy vạn sinh viên.
Tương tự như vậy, GS Nguyễn Cảnh Toàn cũng chú ý đến hệ thống trường đào tạo giáo viên ngoại ngữ với quan điểm không thể không có những trường này nếu chúng ta muốn hội nhập.
Đó thực sự là một tầm nhìn xa. GS là người ký quyết định thành lập cơ sở ĐH ngoại ngữ Đà Nẵng trực thuộc Trường ĐHSP Quy Nhơn, tiền thân của Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) ngày nay.