Viết tiếp ước mơ cùng cô học trò nghèo

GD&TĐ - Nhọc nhằn 12 năm đến trường, con đường học cứ dài ra đối với cô học trò Nguyễn Thị Lụa (lớp 12 C5, THPT Sông Lô, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang), bởi nhiều năm liền, em vừa phải đi học, vừa bán trái cây kiếm tiền nuôi mẹ bị bệnh.

Viết tiếp ước mơ cùng cô học trò nghèo

Trước kì thi THPT Quốc gia quan trọng, ước mơ vào Đại học sẽ khó thực hiện vì gánh nặng dồn lên đôi vai em khiến đôi chân không thể bước tiếp. Hãy cùng đồng hành để viết tiếp ước mơ của cô học trò nhỏ đầy nghị lực.

Từ tháng 3/2017, Ban tổ chức chương trình “Tiếp sức mùa thi” tại các địa phương đã kết hợp chặt chẽ các trường nắm bắt được thông tin các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, điều kiện đi lại và thí sinh khuyết tật. Tùy vào các điều kiện cụ thể, tổ chức Đoàn, hội tại địa phương sẽ lên phương án để hỗ trợ thí sinh như đến tận nhà thăm hỏi động viên, hướng dẫn ôn tập, tư vấn tâm lý, hỗ trợ đi lại…để các thí sinh yên tâm đi thi. Đồng thời, với những thí sinh đặc biệt khó khăn, Ban Tổ chức chương trình “Tiếp sức mùa thi” sẽ trực tiếp hỗ trợ hoặc vận động các nguồn lực xã hội khác để giúp đỡ cho thí sinh.

Nguyễn Thị Lụa là một trong số nhiều học sinh lớp 12 nằm trong danh sách các thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được chương trình “Tiếp sức mùa thi” 2017 tại các địa phương hỗ trợ . Theo đó, Đoàn trường THPT Sông Lô đã giúp đỡ Lụa bằng cách hướng dẫn em ôn thi THPT Quốc gia để em yên tâm bước vào kỳ thi.

Nhọc nhằn 12 năm đến trường

Năm cô gái nhỏ này mới chào đời được 3 tháng tuổi, người bố của em bị bệnh tâm thần đã bỏ nhà đi mất tích. Em sống với ông bà và người mẹ bị bệnh Parkinson. Căn nhà lụp xụp xây tạm bợ cách đây cũng 40 năm khiến ai nấy đều thương cảm khi nhìn bốn con người cùng sinh hoạt hàng ngày. Thế nhưng, khó khăn chồng chất khi Lụa 13 tuổi, ông bà đều mất và cô đã phải gồng mình gánh chuyện cơm áo gạo tiền của gia đình và trách nhiệm chăm sóc mẹ bị bệnh.

Khó có thể nói cho hết những vất vả mà Nguyễn Thị Lụa đã trải qua, ở trong tâm hồn em có những thiệt thòi, mất mát, có sự tủi hờn mà không biết sẻ chia cùng ai.

Để nuôi mẹ bệnh nặng và mất sức lao động, một buổi Lụa đến trường, một buổi Lụa đi bán trái cây ngoài chợ. Những ngày như thế, không quản nắng mưa, Lụa thu được khoảng 70 ngàn/ngày trang trải chi phí trong gia đình. Hai mẹ con chỉ có thể trông chờ vào nguồn thu nhập từ số tiền ít ỏi ấy và ba sào ruộng. Việc đồng áng cũng do một tay Lụa gánh vác.

Sang năm học lớp 12, vì bận đi học và tập trung cho kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới, cô gái nhỏ nhắn này chỉ có thể tranh thủ bán hoa quả ngoài chợ nên đồng lãi ít ỏi khiến em không khỏi lo lắng từng bữa, từng ngày.

“Mỗi buổi sáng em đi học xong trưa tranh thủ về nhà trông mẹ và nấu cơm cho mẹ rồi lại quay về trường học. Để mẹ ở nhà một mình lâu em cũng không yên tâm” – Lụa kể. Có thời gian, Lụa còn tranh thủ đi làm công việc nặng nhọc tưởng chỉ dành cho đàn ông như vác những bình nước uống cho những cửa hàng để kiếm thêm thu nhập. 12 năm đến trường là 12 năm những nhọc nhằn cứ dồn lên vai em, thế nhưng chưa bao giờ có ý định bỏ học giữa chừng, Lụa vẫn quyết tâm học hết lớp 12 , còn có học tiếp được hay không thì phải tính vì em còn chăm sóc mẹ.

Sợ đi thi không ai lo cho mẹ

Dù vừa chăm mẹ, vừa bán trái cây kiếm tiền, Lụa vẫn cố gắng chu toàn việc học. Lụa cho biết em thích học tất cả các môn và thường đạt danh hiệu học sinh khá trong nhiều năm. Với cô học trò nghèo, có thể hoàn thành chặng đường 12 năm đèn sách là một điều quá sức tưởng tượng vì những gánh nặng, lo toan luôn bủa vây mỗi ngày. “Em sợ nhất là những lần mẹ run lẩy bẩy toàn thân do ảnh hưởng của bệnh. Em đi học nhưng vẫn luôn nhờ hàng xóm canh mẹ giúp vì chỉ có mỗi mẹ ở nhà. Chắc mẹ em cũng khổ tâm lắm” – Lụa chia sẻ.

Lo nhất trong kỳ thi với em không phải là những bài toán còn dang dở chưa nghiên cứu hết, không phải là những đoạn văn bỏ ngỏ,…mà bởi vì em lo quãng đường đi thi cách nhà xa hơn mọi ngày, nếu đi cả ngày sẽ không ai chăm mẹ buổi trưa. Nghĩ đến, hai hàng nước mắt lại chảy dài vì thương mẹ bị bệnh mà không làm gì được.

Nghĩ đến con đường dài phía trước, Lụa chia sẻ: “Chắc đây là lần cuối cùng em được đi thi vì em định sẽ không học cao đẳng hay đại học mà sẽ kiếm một công việc gần nhà để tiện chăm sóc mẹ. Em sẽ nhớ trường, lớp nhưng mẹ em bệnh như vậy, em không có cách nào đi học tiếp được. Ai sẽ chăm lo cho mẹ, và em cũng không có tiền để học tiếp”.

Cô học trò nhỏ đó chỉ tính, thi tốt nghiệp xong sẽ đi làm thêm gần nhà, kiếm đủ tiền để trang trải cuộc sống, để nuôi mẹ và hơn cả là có tiền sửa lại căn nhà đã sập sệ có thể bị lũ cuốn trôi bất cứ lúc nào.

“Mùa mưa đến, nhà em chỗ nào cũng dột, trời nắng thì không khác gì đứng ngoài sân. Em mong lắm mình được đi làm, được kiếm tiền lợp lại mái nhà để mẹ con em có thể che mưa tránh nắng, chỉ thế thôi nhưng đó là ước mơ lớn nhất đối với em bây giờ” – Lụa cười.

Chương trình “Tiếp sức mùa thi” do Trung ương Hội sinh viên Việt Nam phối hợp Bộ Giáo dục & Đào tạo, Báo Thanh Niên và Tập đoàn Thiên Long tổ chức. Năm 2017, chương trình “Tiếp sức mùa thi” được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố với mục tiêu thành lập đội hình thanh niên tình nguyện tại toàn bộ các điểm thi để hỗ trợ ổn định trật tự tại các điểm thi, hướng dẫn phương thức thi, tư vấn tâm sinh lý, hướng dẫn đi lại, hỗ trợ các vật phẩm đi thi; đảm bảo các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu sẽ được tư vấn, hỗ trợ.…. Năm 2017 là năm thứ 16 Tập đoàn Thiên Long đồng hành cùng chương trình “Tiếp sức mùa thi”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.