Việt Nam tiếp tục tiêm vắc xin của AstraZeneca theo kế hoạch

GD&TĐ - Bà Nguyễn Minh Hằng, Phó cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nhấn mạnh tại Việt Nam, tất cả hoạt động tiêm chủng được thực hiện theo thông lệ quốc tế và quy trình được xây dựng chặt chẽ ngay từ đầu.

Ảnh: Dân trí
Ảnh: Dân trí

Giáo sư Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết vừa qua, một lô vắc xin của AstraZeneca đã gây ra một số phản ứng nghiêm trọng, khiến 9/13 quốc gia được cung cấp loại vắc xin này phải tạm dừng tiêm chủng để tiếp tục điều tra.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA), chưa có bằng chứng về mối liên quan giữa vắc xin này và các phản ứng nghiêm trọng gặp phải sau tiêm.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra khuyến cáo các quốc gia có trường hợp phản ứng nặng sau tiêm nên tiếp tục theo dõi để đánh giá căn nguyên. Trong khi đó, những quốc gia còn lại vẫn được khuyên tiếp tục sử dụng.

Vào ngày 14/3, sau khi giới chức y tế của nhiều nước châu Âu như Hà Lan, Ireland, Đan Mạch, Na Uy, Iceland, Áo, Thái Lan... tạm ngưng sử dụng vắc xin, đại diện hãng dược AstraZeneca tuyên bố không tìm được bằng chứng cho thấy vắc xin Covid-19 của hãng gây đông máu, sau khi xem xét dữ liệu an toàn của hơn 17 triệu người dùng.

Theo thống kê của chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia (TCMR), đến ngày 15/3, Việt Nam đã triển khai tiêm vắc xin Covid-19 trên 11.000 đối tượng ưu tiên theo quy định của Bộ Y tế, khoảng 1/10 số lượng vắc xin chúng ta nhập về (117.600 liều).

Thông tin từ Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, khi trong nước ghi nhận trường hợp tai biến liên quan vắc xin, có vấn đề cần thiết phải dừng, các cơ quan y tế mới xem xét dừng tiêm, không phải cứ xảy ra phản ứng, tai biến là lập tức dừng.

Sở y tế các địa phương sẽ đánh giá phản ứng, tai biến nặng hay nhẹ, liên quan vắc xin hay không và xử lý theo quy định. Với trường hợp có vấn đề liên quan vắc xin ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng, Bộ Y tế sẽ quyết định tùy trường hợp.

Bà Nguyễn Minh Hằng, Phó cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế trả lời trên Zing khẳng định: "Chúng tôi đã có kế hoạch phân bố lượng vắc xin này tới các địa phương có dịch. Trong thời gian tới, việc triển khai tiêm chủng vắc xin Covid-19 sẽ được thực hiện theo đúng kế hoạch. Hy vọng lộ trình này sẽ được hoàn thành vào khoảng cuối tháng 3".

Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai tiêm vắc xin AstraZeneca thế nào để bảo đảm an toàn?

Theo GS, TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết trên báo Nhân dân, chúng ta luôn có kế hoạch tiêm chủng đủ vắc xin cho toàn dân để phòng bệnh.

Tất nhiên, khi tiêm vắc xin sẽ có trường hợp phản ứng sau tiêm ở một tỷ lệ nhất định. Về vắc xin phòng Covid-19, Tổ chức Y tế thế giới và các đơn vị khác có những khuyến cáo chúng ta nên cân nhắc lợi ích của tiêm vắc xin và nguy cơ dịch bệnh.

Chúng ta nên đánh giá, đề xuất phương án tốt nhất để phòng dịch cho người dân trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh.

Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai tiêm vắc xin AstraZeneca, tiếp tục theo dõi chặt chẽ phản ứng sau tiêm để đánh giá tính an toàn của vắc xin và bảo đảm an toàn cho người tiêm vắc xin. 

Đánh giá về hiệu quả vắc xin COVIVAC, GS, TS Đặng Đức Anh cho biết, vắc xin COVIVAC đã được thử nghiệm tiền lâm sàng trên động vật như chuột, khỉ và số liệu cho thấy đáp ứng miễn dịch tốt ở các liều vắc xin khác nhau.

Qua số liệu thử nghiệm tại Việt Nam, Ấn Độ và Hoa Kỳ, các kết quả thử nghiệm tiền lâm sàng đều rất tốt. Vì vậy, sau khi trình Hội đồng Đạo đức, Bộ Y tế cho phép thử nghiệm lâm sàng.

Vắc xin này được đánh giá ở những chủng virus SARS-CoV-2 khác nhau. Với chủng của Anh và Nam Phi, vắc xin COVIVAC cho kết quả bảo vệ tốt.

GS, TS Đặng Đức Anh cho hay, ngành y tế hy vọng vắc xin này đạt hiệu quả bảo vệ tốt với các chủng virus lưu hành tại Việt Nam và nhiều chủng lưu hành trên thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ