Nhận diện điểm yếu của các trường ĐH Việt Nam
- Mới đây, Đại học Quốc gia Hà Nội đã vào top 1.000 Bảng xếp hạng ĐH thế giới của Times Higher Education (Thời báo Giáo dục đại học). Ông có thể cho biết, hiện nay trên thế giới có những bảng xếp hạng nào và tiêu chí ra sao?
- Hiện nay, trên thế giới có nhiều bảng xếp hạng ĐH, mỗi bảng có tiêu chí xếp hạng khác nhau, trong đó các bảng xếp hạng được biết đến nhiều nhất là: THE University Rankings (thuộc Times Higher Education, Vương quốc Anh), QS University Rankings (thuộc Quacquarelli Symonds, Vương quốc Anh), Academic Ranking of World Universities (ARWU, ShanghaiRanking Consultancy, Trung Quốc), Webometrics (Cybermetrics Lab, Tây Ban Nha), US News (Mỹ)… Các bảng xếp hạng này có thể được chia làm 2 nhóm phụ thuộc vào cách lấy dữ liệu để xếp hạng.
Nhóm thứ nhất là, các bảng thực hiện xếp hạng tự động thông qua việc thu thập các dữ liệu có sẵn trên Internet và các cơ sở dữ liệu học thuật như: Nature & Science, Web of Science, Scopus, ISI... Các bảng xếp hạng như: ARWU, US News, Webometrics… dựa trên dữ liệu về công bố quốc tế hoặc tài nguyên online của trường đại học (trên website của trường đại học, trong các cơ sở dữ liệu trực tuyến như: ISI, Scopus, Google Scholars…) để đánh giá các trường ĐH.
Với các quốc gia phát triển, hội nhập quốc tế rộng rãi, có hạ tầng công nghệ thông tin tốt thì hoạt động đào tạo, nghiên cứu, đóng góp cho doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội của các ĐH được phản ánh trên Internet đầy đủ thì các trường đại học có lợi thế trong các bảng xếp hạng này.
Nhóm thứ hai là các bảng xếp hạng sử dụng nhiều nguồn dữ liệu khác nhau, không chỉ bao gồm các loại dữ liệu có sẵn trên mạng mà còn dựa vào các dữ liệu do các trường đại học cung cấp và các nguồn dữ liệu do chính các tổ chức xếp hạng trực tiếp khảo sát, thu thập được. Các bảng xếp hạng như: THE, QS, U-Multirank… đánh giá các ĐH theo cách như vậy.
Các bảng xếp hạng thuộc nhóm thứ hai chỉ xếp hạng khi trường ĐH đăng kí xếp hạng và gửi dữ liệu. Không phải trường ĐH nào đăng kí cũng được xếp hạng mà chỉ các trường ĐH có các tiêu chí xếp hạng đạt tiêu chuẩn mới được xếp hạng. Thông qua hệ thống khảo sát, các bảng xếp hạng đánh giá uy tín của trường ĐH theo sự thừa nhận rộng rãi của cộng đồng như: Doanh nghiệp, nhà khoa học, các trường ĐH đối tác….
Với các trường ĐH ở Việt Nam, trong bối cảnh tính quốc tế hoá chưa cao thì việc tham gia các bảng xếp hạng không chỉ sử dụng các dữ liệu trên mạng mà sử dụng nhiều nguồn dữ liệu như: THE, QS sẽ phù hợp hơn, phản ánh đúng hơn trình độ và chất lượng của một trường ĐH.
Ảnh minh họa/ INT |
- Theo ông, so với khu vực Đông Nam Á, điểm yếu lớn nhất của các trường ĐH Việt Nam là gì?
- Khu vực Đông Nam Á có 43 trường ĐH nằm trong Bảng xếp hạng của THE. Trong bảng này, Thái Lan có 16 trường ĐH với 2 trường nằm trong top 601 - 800, cao hơn các trường ĐH của Việt Nam. Malaysia có 13 trường, với 1 trường trong top 301 - 350, 1 trường top 501 - 600 và 6 trường top 601 - 800. Tức là khoảng 8 trường có thứ hạng cao hơn các trường ĐH của Việt Nam.
Indonesia có 1 trường xếp hạng cao hơn các trường ĐH Việt Nam (601 - 800) trong tổng số 6 trường vào bảng xếp hạng. Philippines có 2 trường lọt vào Bảng xếp hạng, trong đó, 1 trường thuộc top 401 - 500. Brunei có duy nhất 1 trường nhưng nằm ở top 401 - 500. Đặc biệt, Singapore dù chỉ có 2 trường trong Bảng xếp hạng THE, nhưng đều ở thứ hạng cao hơn rất nhiều các trường trong khu vực, đứng ở thứ 25 và 48 thế giới.
Như vậy, xét về thứ hạng và số trường có mặt trong bảng xếp hạng, Việt Nam chưa phải là quốc gia có ưu thế về xếp hạng quốc tế trong khu vực Đông Nam Á. Điểm yếu lớn nhất của các trường ĐH ở Việt Nam có lẽ nằm ở vấn đề thu nhập từ đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao tri thức. Điều này cũng có thể giải thích được khi mà trong một thời gian dài các trường ĐH công lập của Việt Nam chủ yếu hoạt động bằng nguồn ngân sách Nhà nước. Điều này có tác động không nhỏ tới vị trí xếp hạng khi mà các tiêu chí liên quan đến thu nhập của trường ĐH chiếm 10,75% tổng trọng số xếp hạng.
Thực tế này đã ảnh hưởng lớn tới tiêu chí về nghiên cứu khoa học của các trường ĐH trong nước. Cần nói thêm là, các trường trong khu vực như: ĐH Mahidol, Chulalongkorn, Malaya có điểm cho nghiên cứu cao gấp 2 - 3 lần các trường ĐH của Việt Nam. Hy vọng, trong thời gian tới, khi vấn đề tự chủ ĐH được nhận thức đúng, đầy đủ và triển khai rộng rãi, các trường ĐH sẽ chủ động hơn trong việc thu hút nguồn lực phát triển, từ đó chỉ số này sẽ từng bước được cải thiện.
Không lấy việc xếp hạng làm mục đích cuối cùng
- PGS có nói, xếp hạng quốc tế không phải là mục đích cuối cùng của ĐH. Vậy ông có thể chia sẻ rõ hơn về nhận định này?
- Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực; góp phần xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước; làm nòng cốt và đầu tàu trong hệ thống GDĐH Việt Nam. Trong quá trình hoạt động, ĐHQGHN sử dụng các chỉ số để đánh giá hiệu quả hoạt động. Xếp hạng đại học là một trong những cách để ĐHQGHN đối sánh các chỉ số quan trọng về đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức, quốc tế hoá; để từ đó điều chỉnh hoạt động cho hiệu quả.
Ảnh minh họa/ INT |
Các chỉ số được sử dụng trong các bảng xếp hạng, dù rất quan trọng, thiết yếu nhưng chưa bao quát đầy đủ hoạt động của một trường ĐH, đặc biệt là các đóng góp mang tính quốc gia khó có thể định lượng hoá hoặc nhạy cảm. Ngay cả với các chỉ số lượng hoá được sử dụng để đánh giá các trường đại học thì cũng phải hiểu ý nghĩa đằng sau các chỉ số đó. Số lượng bài báo khoa học trên một giảng viên thể hiện mức độ tích cực hoạt động và hiệu quả nghiên cứu.
Chỉ số đó cao thể hiện trường ĐH có hiệu quả nghiên cứu cao và giảng viên của trường đó có năng lực nghiên cứu tốt. Nếu trường ĐH chỉ lấy các tiêu chí xếp hạng ra làm chỉ tiêu phát triển thì sẽ rất nguy hiểm vì một trường ĐH nghiên cứu và đào tạo thực chất chắc chắn sẽ có chỉ số về nghiên cứu cao nhưng chưa chắc một chỉ số cao thể hiện nghiên cứu thực chất.
ĐHQGHN không lấy việc xếp hạng làm mục đích cuối cùng cho các hoạt động của mình, mà xếp hạng ĐH là một góc nhìn đối sánh về kết quả và chất lượng hoạt động của trường ĐH. Thông qua việc tham gia vào các bảng xếp hạng, các trường ĐH nhận diện được điểm mạnh, điểm yếu của mình ở một số khía cạnh quan trọng trong tương quan với các trường ở khu vực và bình diện quốc tế. Trên cơ sở đó, các cơ sở GD sẽ có những điều chỉnh phù hợp để vừa nâng cao chất lượng hoạt động nội tại, vừa từng bước đáp ứng các chuẩn mực quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.
- Từ câu chuyện trên, PGS có cho rằng, chúng ta nên xếp hạng ĐH ở trong nước?
- Tôi cho rằng, nếu việc xếp hạng được thực hiện minh bạch, công khai, khoa học và phù hợp với bối cảnh thì sẽ tạo động lực tốt cho cả hệ thống GDĐH phát triển. Hiện tại, các quốc gia như: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, Mexico… đã phối hợp với một số tổ chức xếp hạng quốc tế để triển khai việc xếp hạng cấp quốc gia. Trong các nguyên lý về đảm bảo chất lượng thì việc đối sánh chất lượng là một nội dung luôn được các chuyên gia quốc tế khuyến cáo các trường ĐH triển khai.
Các bảng xếp hạng quốc tế như: QS, THE… chỉ xếp hạng một số ĐH, trường ĐH hàng đầu của Việt Nam nhưng các trường ĐH khác thì không được xếp hạng. Hệ thống thông tin khoa học mà các bảng xếp hạng này dựa vào là Scopus. Để có thể phát huy tính tích cực của xếp hạng ĐH, Việt Nam cũng nên xếp hạng các trường ĐH ở trong nước.
Tuy nhiên, số lượng các trường có bài trong hệ thống Scopus không nhiều nên việc xếp hạng không thể thực hiện được. Một số ngành thuộc lĩnh vực nhân văn, quản lí, văn hoá, nghệ thuật càng khó khăn trong việc công bố trên hệ thống Scopus. Trong khi đó phần lớn các trường ĐH trong nước công bố trên các tạp chí trong nước, tạp chí quốc tế chưa được liệt kê trong hệ thống Scopus. Đây là điểm yếu nếu chỉ đánh giá năng lực nghiên cứu của một trường ĐH dựa trên hệ thống Scopus.
Để có cơ sở khách quan cho việc tính toán các chỉ số học thuật (số bài báo, số trích dẫn) phục vụ hoạt động đánh giá, xếp hạng, ĐHQGHN đã phát triển hệ thống Vietnam Citation Gateway, gọi tắt là V-CitationGate tại địa chỉ https://vcgate.vnu.edu.vn/. V-CitationGate là một cơ sở dữ liệu các ấn phẩm khoa học đương đại (bài báo tạp chí, sách), các phát minh, sáng chế được kết nối và tích hợp từ các nguồn lưu trữ ở Việt Nam và nước ngoài.
V-CitationGate có thể là hệ thống thông tin khoa học để từ đó xây dựng bảng xếp hạng ĐH Việt Nam.
Như vậy, nếu có một hệ thống xếp hạng với các tiêu chí phù hợp, được hỗ trợ bởi hệ thống công nghệ thông tin mạnh mẽ để đảm bảo tính khách quan, minh bạch, thì việc tổ chức xếp hạng trong nước sẽ đem đến những tác động tích cực cho hệ thống GDĐH Việt Nam.
- Xin cảm ơn PGS!