Theo PGS.TS Hoa Hữu Lân, giảng viên Trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng), nguyên cán bộ Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội Hà Nội, bức tranh kinh tế thế giới năm 2021 không tránh khỏi ảm đạm. Song chúng ta vẫn có thể “đón lõng” các luồng dịch chuyển đầu tư, nắm bắt cơ hội trong khó khăn để phát triển.
Chống dịch tốt là nền tảng để tăng trưởng
- Chính phủ vừa công bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 là 6,5%. Trong diễn biến dịch Covid-19 phức tạp như hiện nay, ông đánh giá thế nào về mục tiêu này?
- Năm 2020, Việt Nam là nước có tốc độ phát triển kinh tế cao trên thế giới. Nguyên nhân chính là do công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 được làm rất tốt. Việc đặt ra mục tiêu phát triển 6,5% vào năm 2021 là rất khả quan, khoa học và có tính thực tế. Điều này nghe có vẻ vô lý bởi dịch bệnh trên thế giới còn rất phức tạp, tình hình chính trị thế giới có nhiều biến động. Song xét trên tổng thể riêng của nền kinh tế Việt Nam thì thấy có cơ sở khoa học.
- Ông có thể nói rõ hơn về “cơ sở khoa học” mà ông đề cập ở trên?
- Chắc chắn khi đưa ra chỉ tiêu phát triển như vậy, Chính phủ đã nghiên cứu nhiều chỉ số. Trong đó có bối cảnh trong nước và quốc tế, chỉ số phát triển của năm trước cũng như các yếu tố khác ảnh hưởng. Trên thế giới, chắc chắn năm 2021 nền kinh tế vẫn trong tình trạng ảm đạm.
Khả năng phục hồi sẽ chậm do diễn biến phức tạp của dịch cũng như việc nghiên cứu và triển khai tiêm đại trà vắc-xin Covid-19 chưa được hoàn thiện. Do dịch bệnh mà du lịch đóng băng, đường bay bị phong tỏa, quan hệ kinh tế giữa các quốc gia bị gián đoạn, sự trồi sụt của giá cả, dòng trung chuyển thương mại bất ổn.
Nhưng ở Việt Nam, công tác chống dịch được thực hiện rất tốt. Đặc biệt hiện nay việc phòng dịch ở người nhập cảnh được thực hiện nghiêm. Chính phủ thực hiện mục tiêu kép, vừa kiểm soát dịch vừa phát triển kinh tế. Nhiều giải pháp được triển khai, lạm phát được giữ ở mức vừa phải khiến giá tiêu dùng ổn định. Chính sách kích cầu kinh tế nội địa phát huy tác dụng… Rất nhiều yếu tố khiến chúng ta lạc quan về bức tranh kinh tế của Việt Nam.
- Với những phân tích và nhận định đó, ông cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,5% là khả thi?
- Đúng vậy. Tuy nhiên mục tiêu còn phụ thuộc vào những diễn biến khó lường khác như dịch bệnh, thiên tai, ổn định chính trị thế giới nữa. Theo tôi thì nên đưa ra nhiều kịch bản tăng trưởng ứng với diễn biến thực tế khác nhau. Ví dụ kịch bản tốt thì như thế này, trung bình thì thế kia, kịch bản xấu thì sẽ thế này….
Trở thành “điểm sinh trưởng của chim đại bàng”
- Trong điều kiện kinh tế thế giới còn khó khăn như vậy thì Việt Nam phải làm gì để thu hút các dòng đầu tư?
- Có một số tín hiệu vui. Đó là diễn biến dịch ở một số nước rất phức tạp cũng như tình hình chính trị thế giới biến động và bất ổn, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn đang có sự chuyển dịch đầu tư. Việt Nam có thể được chọn là một điểm đến an toàn. Chúng ta phải tận dụng thời cơ, đóng lõng cơ hội, “lót ổ đón chim đại bàng” để tăng trưởng.
Xưa nay chúng ta vẫn thu hút đầu tư nhưng mới gọi được các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mới có sự gia tăng về số lượng mà ít có biến chuyển về chất lượng. Các dự án đầu tư này chủ yếu chất lượng thấp do tận dụng nhân công giá rẻ, tiêu hao nhiều nhiên liệu, tác động xấu đến môi trường, sử dụng kỹ thuật lạc hậu…
Đã đến lúc chúng ta phải nâng cao chất lượng đầu tư, tập trung vào các doanh nghiệp tập đoàn về đổi mới sáng tạo, công nghệ, tiêu hao ít năng lượng, phát triển bền vững, đưa các công nghệ tiên tiến vào Việt Nam… Đó là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, có tầm cỡ, có sức ảnh hưởng lớn và đem lại giá trị cao.
- Thuận lợi - khó khăn ông vừa nêu đã phải là điều kiện cần và đủ để thu hút được những doanh nghiệp này?
- Chưa. Trước hết phải giữ vững những thành tựu đã có. Giữ vững an ninh chính trị. Việt Nam phải là điểm đến an toàn trong điều kiện thế giới có nhiều biến động. Có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tập đoàn kinh tế lớn. Thu hút các dự án đầu tư tiêu tốn ít năng lượng, có kỹ thuật công nghệ cao. Có chính sách ưu đãi doanh nghiệp tốt.
Một điểm mấu chốt là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Thay vì nhân công giá rẻ là thế mạnh thì phải tập trung vào nhân công trình độ cao. Xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ từ giao thông đến logictic để đón đầu làn sóng dịch chuyển.
Dừng thu hút theo kiểu quảng canh
- Nghĩa là bản thân chúng ta cũng phải có sự thay đổi thì mới thu hút được các doanh nghiệp, tập đoàn lớn?
- Đúng thế. Nếu như trước đây chúng ta thu hút đầu tư theo kiểu quảng canh thì nay mạnh dạn thay đổi. Cắt bỏ hoặc giảm hẳn kiểu chính sách thu hút này mà tập trung đi sâu vào thâm canh. Nghĩa là phải tập trung vào năng suất chất lượng cao đi đôi với bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
Chúng ta phải kiện toàn Chính phủ điện tử. Xây dựng thành phố thông minh, chính quyền sáng tạo. Tiếp cận nhanh với công nghiệp 4.0. Những ngành nào mũi nhọn phát triển có thể nâng lên để tiệm cận 5.0. Ngược lại có những ngành không phải là thế mạnh thì chấp nhận ở 3.0. Tránh kiểu kinh doanh manh mún, chộp giật. Chính giới doanh nhân phải tự đào tạo mình để thích ứng với thời cuộc.
- Xem ra đây là cơ hội nhưng cũng là thử thách rất lớn, thưa ông?
- Nó là vận hội trong khó khăn. Muốn vươn ra biển lớn, chúng ta buộc phải thay đổi. Nhưng thay đổi thế nào cho bền vững, đi tắt đón đầu thế nào cho đúng xu hướng, thì cần đến sự nỗ lực của cả hệ thống.
Chủ động giải “bài toán” nhiều ẩn số
- Ở góc độ cá nhân ông nhận định triển vọng kinh tế thế giới và Việt Nam trong năm 2021 sẽ như thế nào?
- Tôi cho rằng đó là một mệnh đề rất nhiều ẩn số. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã đi đến hồi kết. Nhưng Mỹ chưa bao giờ trải qua một cuộc chuyển giao quyền lực nào phức tạp và hỗn loạn như thế. Chính quyền Tổng thống Biden tới đây sẽ có chính sách đối nội và đối ngoại như thế nào, điều này ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế thế giới.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ diễn biến như thế nào? Chính sách của chính phủ mới của Mỹ có xoa dịu được tình hình hay không? Vắc-xin Covid-19 có được hoàn thiện để tiêm cho người dân ở tất cả các quốc gia hay không? Thiên tai sẽ diễn ra như thế nào, có gì bất thường? Chỉ khi trả lời được những câu hỏi này thì mới biết ẩn số kinh tế là gì. Còn không thì chúng ta phải chờ đợi.
- Vậy thì những mục tiêu hay dự báo như ông vừa phân tích, chỉ là một yếu tố tham khảo?
- Mục tiêu tăng trưởng thì dựa trên nhiều yếu tố khác nhau để đặt ra. Và bao giờ Chính phủ cũng phải để ra một dư địa để phấn đấu. Ví dụ khả năng đạt đến 6,8% nhưng chỉ đặt ra 6,5% để dự phòng những rủi ro bất thường. Tuy nhiên, các yếu tố không thể dự báo trước có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ở Việt Nam, với quyết tâm chống dịch và phục hồi kinh tế, bằng nhiều biện pháp cụ thể, triển vọng kinh tế có thể nói khả quan hơn tình hình chung của thế giới.
- Các lĩnh vực kinh tế nào có thể là điểm sáng của năm 2021 thưa ông?
- Rất nhiều lĩnh vực có thể trỗi dậy và tăng trưởng mạnh. Thị trường chứng khoán đang trên đà lập các đỉnh mới và dự báo còn tăng trưởng nhanh hơn nữa. Bất động sản sôi động ở nhiều phân khúc. Du lịch nội địa vẫn khởi sắc dù dịch bệnh trên thế giới diễn biến rất nghiêm trọng. Lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, chính phủ điện tử, thành phố thông minh… đang được ưu tiên đầu tư phát triển… Tôi tin năm 2021 sẽ là cơ hội để nền kinh tế Việt Nam thể hiện sự vững mạnh, Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư an toàn cho các tập đoàn trên thế giới.
- Trân trọng cảm ơn những chia sẻ và chúc ông năm mới bình an, nhiều may mắn!
Mục tiêu phấn đấu năm 2021 của Chính phủ:
1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP): Khoảng 6,5% (kế hoạch năm 2021 Quốc hội giao là khoảng 6%).
2. GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD
3. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%
4. Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45 - 47%
5. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%
6. Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%. Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%.
7. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế khoảng 91%
8. Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều: 1 - 1,5 điểm %
9. Tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung: Trên 90%
10. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị trên 87%
11. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường khoảng 91%
12. Tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%.