Việt Nam không phải là ‘hoang mạc’ về liêm chính khoa học

GD&TĐ - Việt Nam không phải là “hoang mạc” về liêm chính khoa học và chúng ta có nhiều quy định liên quan đến vấn đề này.

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Đó là khẳng định của chuyên gia tại Hội thảo khoa học về liêm chính nghiên cứu (sáng 19/12). Hội thảo do Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái đồng chủ trì hội thảo.

Cần có bộ quy tắc chung

Tham luận tại hội thảo, PGS.TS Trương Việt Anh – Trưởng Ban Khoa học, công nghệ (ĐH Bách khoa Hà Nội) trao đổi, liêm chính học thuật có thể hiểu và tiếp cận như là nguyên tắc/chuẩn mực đạo đức, cam kết cá nhân, yêu cầu tuân thủ hay sự công bằng, minh bạch trong học thuật. Điều này có tác động tích cực cho xã hội.

Đạo văn, gian lận, bịa đặt, hỗ trợ hành vi không trung thực… trong nghiên cứu, sáng tạo và học tập là vi phạm liêm chính học thuật. Vi phạm liêm chính trong học thuật gắn liền với những biểu hiện, hành vi không trung thực, trái với những chuẩn mực đạo đức, không tôn trọng quyền tác giả, sở hữu trí tuệ, không tuân thủ các quy tắc, sự công bằng, minh bạch trong hoạt động học thuật.

Nhấn mạnh 4 nguyên tắc trong liêm chính học thuật, PGS.TS Trương Việt Anh viện dẫn: Trung thực trong mọi khía cạnh của nghiên cứu; có trách nhiệm khi tiến hành nghiên cứu; công bằng và chuyên nghiệp khi nghiên cứu với người khác; quản lý/bảo vệ tốt việc nghiên cứu khi nhân danh người khác.

Đông đảo nhà khoa học tham dự hội thảo.

Đông đảo nhà khoa học tham dự hội thảo.

Từng làm tiến sĩ ở phương Tây, TS Nguyễn Xuân Hùng – giảng viên Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh nhìn nhận, làm nghiên cứu thực sự là việc khó. Các trường đại học nên đẩy mạnh đào tạo cho người học về phương pháp nghiên cứu khoa học.

“Làm sao để có tình yêu thực sự trong nghiên cứu, từ đó chia sẻ, đóng góp cho cộng đồng” - PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng đặt vấn đề và cho biết, Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh đã ban hành quy chế về liêm chính nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai.

Từ thực tế, PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng đề xuất, Bộ GD&ĐT, Bộ Khoa học và Công nghệ cần có bộ quy tắc chung. Trên cơ sở đó, các cơ sở đào tạo sẽ xây dựng quy tắc riêng trong vấn đề liêm chính nghiên cứu khoa học.

Bảo vệ chân lý

PGS.TS Nguyễn Tài Đông chia sẻ tại hội thảo,

PGS.TS Nguyễn Tài Đông chia sẻ tại hội thảo,

Thứ chúng ta theo đuổi là tri thức, trí tuệ và chân lý - PGS.TS Nguyễn Tài Đông, Viện trưởng Viện triết học nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, nếu chúng ta không bảo vệ những thứ này thì sẽ không còn khoa học và không có đào tạo.

Khẳng định, Việt Nam không phải là “hoang mạc” về liêm chính khoa học, PGS.TS Nguyễn Tài Đông viện dẫn, chúng ta có nhiều quy định thể hiện trong luật, nghị định, các quy định của Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ GD&ĐT, cùng nhiều quy định khác trong các cơ sở giáo dục đại học.

Tuy nhiên, chúng ta chưa có quy định tổng thể nên cần có “mũ chung” để thống nhất các nguyên tắc về liêm chính trong nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, nên xây dựng một số đơn vị tiên phong, đầu ngành để dẫn dắt về liêm chính khoa học và liêm chính trong nghiên cứu.

Quan tâm tới việc phát triển hệ thống các tạp chí khoa học trong nước và hình thành cơ sở dữ liệu về nghiên cứu khoa học, GS.TS Lê Quốc Hội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, Việt Nam cần phát triển mạnh các tạp chí trong nước đạt chuẩn quốc tế. Đồng thời, cần tạo ra cơ sở dữ liệu là tiền đề cho hệ thống trích dẫn dữ liệu quốc gia Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc (ở giữa) trao đổi tại hội thảo.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc (ở giữa) trao đổi tại hội thảo.

Trao đổi tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho hay, tới đây sẽ có chỉ đạo, hỗ trợ các trường đại học xung quanh chủ đề này. Tuy nhiên, các trường cần nâng cao chất lượng tạp chí của mình, từng bước phấn đấu trở thành tạp chí quốc tế.

Đối với các trường đại học Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Phúc khuyến nghị, cần dựa trên năng lực, kết quả trung thực để khi các tổ chức xếp hạng sẽ cho kết quả thật.

Các trường cần nghiên cứu Nghị định số 109/2022/NĐ-CP quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học. Nghị định này có giao cho các cơ sở giáo dục đại học chủ động ban hành quy định và tự chịu trách nhiệm về liêm chính học thuật đối với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của đơn vị mình.

Khẳng định, liêm chính trong nghiên cứu khoa học là vấn đề quan trọng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái nhìn nhận, những phản ánh của các nhà khoa học, truyền thông về vấn đề liêm chính khoa học cho thấy, đã đến lúc phải quan tâm lắng nghe.

Theo Thứ trưởng Trần Hồng Thái, liêm chính động chạm đến đội ngũ tri thức, nhà giáo; do đó khi chưa có điều tra, minh chứng thì chưa được nêu tên, làm ảnh hưởng đến từng nhà khoa học, tập thể khoa học.

Thứ trưởng Trần Hồng Thái ghi nhận và tiếp thu các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học.

Thứ trưởng Trần Hồng Thái ghi nhận và tiếp thu các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học.

Đề xuất một số việc cần làm trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Hồng Thái nhấn mạnh, trước mắt, các đơn vị quản lý nhà nước khẩn trương nghiên cứu đề xuất thể thức văn bản hướng dẫn, đôn đốc để các trường đại học, viện nghiên cứu thực hiện các quy chế, quy định về liêm chính.

Tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học tại hội thảo về việc xây dựng cơ sở dữ liệu, nghiên cứu tiêu chí giám sát các tạp chí, Thứ trưởng Trần Hồng Thái cho biết: Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu để sớm có cơ sở dữ liệu về khoa học công nghệ, tạo tài nguyên cho quản lý nhà nước. Đồng thời sẽ nghiên cứu xem xét tiêu chí giám sát các tạp chí và định hướng phát triển hệ thống tạp chí khoa học trong nước.

Các ý kiến tại hội thảo sẽ được xem xét để lồng ghép vào các điều khoản khi thay đổi Luật Khoa học và Công nghệ, Thứ trưởng Trần Hồng Thái ghi nhận.

“Đã đến lúc cơ quan quản lý Nhà nước phải vào cuộc về liêm chính và công bố. Cố gắng tạo ra môi trường khoa học, công nghệ lành mạnh. Hội thảo hôm nay là khởi đầu để hai Bộ cam kết đồng hành với các nhà khoa học và các cơ quan truyền thông hướng tới nền giáo dục, khoa học tốt hơn, mang lại hạnh phúc nhiều hơn”, Thứ trưởng Trần Hồng Thái nói, đồng thời trao đổi, cần ứng xử với liêm chính có văn hoá, văn minh, bởi chúng ta đang ứng xử với các nhà khoa học, nhà giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.