Diễn đàn thảo luận đa chiều về liêm chính trong nghiên cứu khoa học

GD&TĐ - Hội thảo khoa học về liêm chính nghiên cứu được khai mạc sáng 19/12, tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu khai mạc hội thảo.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu khai mạc hội thảo.

Hội thảo do Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái đồng chủ trì hội thảo.

Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu đến từ Bộ Khoa học công nghệ, Bộ GD&ĐT, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, các Viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học, chuyên gia, nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khoa học và công nghệ trên cả nước.

Vấn đề quan trọng trong tiến trình đổi mới

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, chủ đề liêm chính nghiên cứu vừa mới, vừa không mới. Đây là vấn đề quan trọng trong tiến trình đổi mới về khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo.

Ngay cả những trường đại học hàng đầu trên thế giới cũng trao đổi về liêm chính trong nghiên cứu khoa học và liêm chính nghiên cứu đã được quy định tại các cơ sở giáo dục đại học trên thế giới từ lâu.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho hay, tại Việt Nam, trong 10 năm trở lại đây, đặc biệt là thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng, một trong những kết quả nổi bật của hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là số lượng công bố khoa học trên các tạp chí uy tín quốc tế đã gia tăng mạnh mẽ.

Qua đó, thể hiện sự đóng góp của các nhà khoa học Việt Nam trong việc phát triển nền tri thức của nhân loại, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao vị thế và tiềm lực khoa học công nghệ của quốc gia.

Cụ thể, theo cơ sở dữ liệu của Elsevier, tổng số công bố khoa học của Việt Nam trong danh mục Scopus năm 2013 là khoảng 3.800 bài và năm 2022 là gần 18.500 bài, tăng khoảng 5 lần, đưa xếp hạng của Việt Nam lên đứng thứ 5 trong khu vực ASEAN, đứng thứ 12 Châu Á và thứ 45 trên thế giới về số lượng công bố quốc tế trên Scopus.

Số lượng công bố quốc tế này góp phần đưa chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2022 lên xếp thứ 48/132 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng; xếp thứ 4 trong Đông Nam Á và xếp thứ 2 trong các quốc gia có mức thu nhập bình quân thấp (sau Ấn Độ).

Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Các cơ sở giáo dục đại học tự chịu trách nhiệm về liêm chính học thuật

Bên cạnh những đóng góp tích cực như đã nêu, cũng đặt ra một số vấn đề cần quan tâm, giải quyết đối với các nhà quản lý, các tổ chức khoa học và công nghệ cũng như cộng đồng, cá nhân các nhà khoa học; trong đó nổi lên các tranh luận về liêm chính trong nghiên cứu khoa học.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, mục đích của Hội thảo là tạo diễn đàn thảo luận đa chiều từ các nhà khoa học, chuyên gia, tổ chức khoa học và công nghệ, các nhà quản lý.

Từ đó, cùng nhau chia sẻ các góc nhìn, nhận định, đánh giá về vị trí, vai trò của liêm chính trong nghiên cứu, vấn đề thực tiễn đặt ra hiện nay và các công việc cần triển khai thực hiện.

Qua đây, giúp cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam tiếp tục có những bước phát triển về chất lượng, đóng góp thiết thực cho công cuộc đổi mới đất nước, hội nhập sâu rộng với cộng đồng khoa học thế giới trong thời gian tới.

Liên quan đến chủ đề về liêm chính nghiên cứu khoa học, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho hay, năm 2022 Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2022/NĐ-CP quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học (Nghị định số 109); trong đó giao cho các cơ sở giáo dục đại học chủ động ban hành quy định và tự chịu trách nhiệm về liêm chính học thuật đối với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của đơn vị mình theo 2 nội dung:

Thứ nhất, ban hành bộ quy tắc về liêm chính học thuật trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, bảo đảm nguyên tắc trung thực, trách nhiệm, công bằng, minh bạch, phù hợp với thực tiễn và theo thông lệ quốc tế.

Thứ hai, ban hành các quy định nội bộ, công cụ để kiểm soát, ngăn chặn và xử lý các hành vi đạo văn, gian lận và bịa đặt trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc bày tỏ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ GD&ĐT mong nhận được các ý kiến tham luận, thảo luận thẳng thắn, khách quan, đa chiều từ các đại biểu tham dự về các nội dung có liên quan đến liêm chính trong nghiên cứu khoa học ở nước ta hiện nay.

Thứ trưởng cũng mong muốn các đại biểu chia sẻ bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế, các khó khăn, hạn chế còn tồn tại và giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả nhằm tăng cường tính liêm chính trong nghiên cứu khoa học nói chung và công bố khoa học nói riêng. Qua đó nâng cao chất lượng thực chất của hoạt động khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo.

Riêng đối với các trường đại học, Bộ GD&ĐT mong muốn lắng nghe về kết quả triển khai tại đơn vị về nội dung liêm chính học thuật theo quy định tại Nghị định số 109, các kinh nghiệm tốt, cách làm hay, các vấn đề cần quan tâm tháo gỡ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ