Việt Nam đối mặt với 'gánh nặng' mù lòa: Làm gì để tránh kịch bản xấu?

GD&TĐ - Theo PGS.TS Cung Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương, Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu người mù và thị lực kém.

Gánh nặng mù lòa ngày càng gia tăng đã trở thành vấn đề xã hội. Ảnh: Bệnh viện Mắt Trung ương
Gánh nặng mù lòa ngày càng gia tăng đã trở thành vấn đề xã hội. Ảnh: Bệnh viện Mắt Trung ương

Với khoảng 2 triệu người mù và thị lực kém, gánh nặng mù lòa ngày càng gia tăng ở nước ta đã trở thành vấn đề xã hội, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân, dẫn tới nghèo đói… Song, thực tế có tới 80% tỷ lệ người mù ở Việt Nam có thể phòng, chữa được.

Báo động “đỏ” thiếu niên mắc tật khúc xạ

Theo PGS.TS Cung Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương, Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu người mù và thị lực kém. Gần 30% trong số đó là những người nghèo không có tiền điều trị mang lại ánh sáng. Kết quả điều tra đánh giá nhanh phòng, chống mù lòa có thể phòng tránh được mới nhất cho thấy, hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 300.000 người mù.

Việc can thiệp phẫu thuật với chi phí không lớn có thể nhanh chóng mang lại ánh sáng cho người mù. Tuy nhiên, do nhiều bệnh nhân nghèo, không có điều kiện tiếp cận các cơ sở khám chữa bệnh nên vẫn phải chịu cảnh mù lòa.

Thực tế cho thấy, gánh nặng mù lòa ngày càng gia tăng đã trở thành vấn đề xã hội. Tình trạng này sẽ gây trở ngại cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, mù lòa ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, dẫn tới nghèo đói, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế… Theo những nghiên cứu được Bộ Y tế công bố, có trên 80% tỷ lệ người mù ở Việt Nam có thể phòng, chữa được.

PGS.TS Cung Hồng Sơn lý giải, các lý do gây mù chính hiện nay qua điều tra cho thấy, đục thủy tinh thể vẫn là nguyên nhân chủ yếu với tỷ lệ 66,1%, tiếp đó là các bệnh lý đáy mắt, bệnh glôcôm, tật khúc xạ... Với sự phát triển công nghệ nhãn khoa hiện đại thì những bệnh lý nói trên đều có thể phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị hiệu quả.

Mặc dù vậy, số liệu thống kê từ Bệnh viện Mắt Trung ương cũng cho thấy những diễn biến phức tạp, đáng báo động của các tật khúc xạ ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Cụ thể, tỷ lệ mắc tật khúc xạ hiện nay vào khoảng 15 - 20% ở học sinh nông thôn, 30 - 40% ở thành phố.

Nếu tính riêng nhóm trẻ từ 6 - 15 tuổi, cả nước có khoảng gần 15 triệu em, với tỷ lệ mắc các tật khúc xạ khoảng 20%, thì Việt Nam ước tính 3 triệu em mắc tật khúc xạ cần chỉnh kính, trong đó có tới 2/3 bị cận thị.

PGS.TS Phạm Ngọc Đông, Phó Giám đốc phụ trách, quản lý, điều hành Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, theo các nghiên cứu gần nhất, tỷ lệ cận thị ở trẻ ngày càng tăng, đặc biệt là ở các thành phố, thậm chí có lớp học trên 50% học sinh bị cận thị.

Khảo sát về tình trạng mắc tật khúc xạ ở trẻ em trên một số trường tiểu học và trung học cơ sở cho thấy, tại Hà Nội có 51% trẻ mắc tật khúc xạ, trong đó cận thị chiếm 37,5%, viễn thị chiếm khoảng 8% và loạn thị là 5%; tại TPHCM, tỷ lệ trẻ mắc tật khúc xạ lên tới hơn 75%, trong đó, số trẻ bị cận thị chiếm gần 53%.

Tật khúc xạ gây khó khăn cho việc học tập và sinh hoạt. Do không nhìn thấy rõ nên các em khó hiểu bài, kết quả học tập giảm sút. Nếu để lâu không chữa trị có thể gây bệnh “mắt lười” gây suy giảm thị lực, khó điều trị.

Nguyên nhân phức tạp, điều trị đa dạng. Vì thế, khám và cấp kính cho trẻ em mắc tật khúc xạ là một trong những biện pháp can thiệp với chi phí thấp nhất nhưng mang lại hiệu quả cao để giảm tỷ lệ mù lòa gặp nhiều rào cản từ nhận thức, cơ sở vật chất và kinh phí...

Để phòng các tật khúc xạ ở trẻ em, cha mẹ cần lưu ý tăng cường cho trẻ chơi ngoài trời, cho trẻ không gian mở, hạn chế sử dụng các thiết bị có màn hình. Đồng thời, các phụ huynh cần nhắc nhở trẻ tuân thủ nguyên tắc 20 - 20 - 20, nghĩa là cứ sau 20 phút nhìn màn hình thiết bị điện tử, trẻ nghỉ ít nhất 20 giây và tập trung mắt vào một vật cách xa hơn 20 bộ (khoảng 6m).

Tăng cơ hội tiếp cận khám và điều trị

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống mù lòa giai đoạn 2020 và tầm nhìn 2030, với mục tiêu chung tăng cường cơ hội tiếp cận của người dân với dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, điều trị và phục hồi chức năng mắt, giảm tỷ lệ các bệnh mù lòa có thể phòng chống được.

Đồng thời, phấn đấu nhằm loại trừ các nguyên nhân chính gây mù lòa cho mọi người dân, đặc biệt hàng triệu người mù có quyền được nhìn thấy như khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Theo đó, mục tiêu 2030 Việt Nam phấn đấu giảm tỷ lệ mù lòa xuống dưới 4 người/1.000 dân, trong đó giảm tỷ lệ mù lòa ở người trên 50 tuổi xuống dưới 12 người/1.000 dân; Tăng tỷ lệ tật khúc xạ học đường được khám, phát hiện sớm, cung cấp dịch vụ khúc xạ và chỉnh kính tật khúc xạ đạt trên 75%.

Vừa qua, nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận của người dân với dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, điều trị và phục hồi chức năng mắt, giảm tỷ lệ các bệnh gây mù lòa, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành Kế hoạch về việc phòng, chống mù lòa trên địa bàn thành phố năm 2024.

Kế hoạch xác định thực hiện 4 mục tiêu: Giảm tỷ lệ mù lòa xuống dưới 4,3 người/1.000 dân, trong đó giảm tỷ lệ mù lòa ở người từ 50 tuổi trở lên xuống dưới 14 người/1.000 dân; tăng tỷ lệ phẫu thuật đục thủy tinh thể lên trên 2,9 người/1.000 dân.

Trong đó, tăng tỷ lệ phẫu thuật thay thủy tinh thể ở người mù do đục thủy tinh thể lên trên 90%. Tăng tỷ lệ người bệnh đái tháo đường được khám và theo dõi bệnh lý về mắt đạt trên 60%. Tăng tỷ lệ tật khúc xạ học đường được khám, phát hiện sớm, cung cấp dịch vụ khúc xạ và chỉnh kính tật khúc xạ đạt trên 80%.

Để hoàn thành các mục tiêu này, ngành Y tế Hà Nội tăng cường quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các chính sách liên ngành. Truyền thông, giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức phòng, chống mù lòa. Hoàn thiện, nâng cao năng lực hệ thống cung cấp dịch vụ phòng chống mù lòa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo phi hạt nhân mới “Oreshnik” của Nga

'Mục tiêu nóng' đang chờ Oreshnik?

GD&TĐ -Nga được cho là đã biên soạn một danh sách các địa điểm quân sự quan trọng của Kiev sẽ bị nhắm mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.