Biến chứng mắt do đái tháo đường – nguy cơ gây mù lòa

GD&TĐ - Biến chứng mắt do đái tháo đường (ĐTĐ) là một trong những nguyên nhân gây mù lòa hàng đầu trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Những biến chứng về mắt phổ biến nhất ở người bệnh ĐTĐ là tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể và bệnh võng mạc. Những biến chứng này sẽ gây giảm thị lực, thậm chí mù lòa nếu không được điều trị đúng.

Bác sĩ đang thăm khám cho người bệnh.
Bác sĩ đang thăm khám cho người bệnh.

Biến chứng gây tổn thương về mắt

Thông thường, biến chứng về mắt ở người ĐTĐ hầu hết đều được phát hiện ở giai đoạn muộn khi đã có tổn thương thị lực. Nguyên nhân là do các biến chứng diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng khiến người bệnh khó nhận biết và chủ quan. Do đó người bệnh ĐTĐ cần được tư vấn và theo dõi định kỳ bởi bác sĩ chuyên khoa Mắt.

Biến chứng mắt do đái tháo đường.
Biến chứng mắt do đái tháo đường. 

ThS BS. Nguyễn Thành Luân – Khoa Mắt Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM ( BV ĐHYD) cho biết: “Ở người bệnh ĐTĐ, khả năng đục thủy tinh thể cao gấp 2-5 lần người bình thường.  Khi bị đục thủy tinh thể, mắt sẽ mờ như có màn sương mù phía trước khiến người bệnh nhìn không rõ.

Nguy cơ bị tăng nhãn áp ở người bệnh ĐTĐ cao hơn người bình thường khoảng 40%. Người bệnh càng lâu năm thì khả năng biến chứng xảy ra càng cao. Nguyên nhân là do thủy dịch trong mắt dẫn lưu kém làm tăng áp lực lên mắt. Áp lực này làm tổn thương các tế bào võng mạc và thần kinh thị giác khiến tầm nhìn của người bệnh ĐTĐ giảm dần.

Các triệu chứng của tăng nhãn áp bao gồm: nhức đầu, đau mắt, chảy nước mắt, mờ mắt, nhìn thấy quầng sáng trước mắt… Đáng lưu ý hơn là bệnh võng mạc do ĐTĐ. Hầu như người bệnh không có triệu chứng gì trước đó, đến khi thị lực giảm (mắt mờ) thì võng mạc mắt đã bị tổn thương”.

Điển hình như trường hợp của ông P.T.M., 52 tuổi, sống tại TPHCM, được phát hiện ĐTĐ và đang điều trị 3 tháng nay. Ông M. có thói quen ăn uống ngọt, lười vận động, lơ là trong việc kiểm soát đường huyết cũng như không quan tâm đến các triệu chứng bệnh. Nhưng với kinh nghiệm chuyên môn, các bác sĩ chuyên khoa Nội tiết BV ĐHYD đã khuyên nhủ và đề nghị ông M khám mắt tầm soát biến chứng dù ông M cho biết mắt không có dấu hiệu giảm thị lực.

Qua thăm khám cho thấy võng mạc của ông M có dấu hiệu xuất huyết, xuất tiết, ở giai đoạn trung bình của bệnh võng mạc do ĐTĐ. Nếu phát hiện trễ hơn nguy cơ mù lòa của ông M là không tránh khỏi. May mắn, trường hợp này được phát hiện sớm, các thương tổn chưa sâu nên chưa cần can thiệp điều trị biến chứng mắt, chỉ cần điều chỉnh đường huyết và được kiểm tra định kỳ mỗi 3 tháng kết hợp với chế độ luyện tập, tuân thủ phác đồ điều trị để kịp thời phát hiện khi bệnh tiến triển.

Các phương pháp điều trị

Trong 3 bệnh lý kể trên, tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể ngày nay có thể điều trị mang lại kết quả khả quan với tiên lượng phục hồi thị lực tốt. Nếu tăng nhãn áp có thể kiểm soát bằng thuốc nhỏ mắt tại chỗ giúp bảo vệ thần kinh thị giác khỏi tác động của việc dao động nhãn áp, thì phẫu thuật phaco có thể giải quyết triệt để biến chứng đục thủy tinh thể với độ an toàn cao, chi phí vừa phải, không đau, không cần nằm viện.

Biến chứng mắt do đái tháo đường.
Biến chứng mắt do đái tháo đường.  

Trái lại, bệnh võng mạc do ĐTĐ đến nay vẫn còn là một thách thức bởi tính chất phức tạp cũng như mức độ đáp ứng điều trị kém nếu phát hiện ở giai đoạn muộn. Các phương pháp điều trị hiện nay bao gồm laser quang đông võng mạc, tiêm nội nhãn thuốc ức chế tân mạch hoặc chống phù hoàng điểm, phẫu thuật cắt dịch kính và bong võng mạc.

Theo thống kê ở Mỹ, biến chứng võng mạc do ĐTĐ là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa trong độ tuổi từ 20-74 tại nước này. Biến chứng này xảy ra đối với 90% các trường hợp ĐTĐ tiến triển sau 10-15 năm, bất kể người bệnh có phụ thuộcInsulin hay không.

Tuy nhiên, ThS BS. Nguyễn Thành Luân cho biết, một điều hết sức may mắn là đa số các biến chứng mắt do ĐTĐ ngày nay đều có thể phòng ngừa và điều trị đạt kết quả tốt, tránh nguy cơ mù lòa nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Để phòng ngừa biến chứng mắt, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt chế độ điều trị, kiểm soát tốt đường huyết, huyết áp, mỡ máu và có cuộc sống lành mạnh, hạn chế thức uống có cồn hoặc hút thuốc. Đồng thời, mỗi người bệnh ĐTĐ cần có một lịch trình theo dõi và điều trị chuyên biệt quyết định bởi bác sĩ chuyên khoa Mắt để được chăm sóc tốt nhất.

Như trường hợp của người bệnh N.T.T., 49 tuổi, sống tại Tiền Giang, điều trị bệnh ĐTĐ 10 năm nay. Bà T. là người rất quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe nên luôn tuân thủ phác đồ điều trị, lại có lối sống lành mạnh. Vì vậy, ngay khi cảm thấy mắt phải mờ dù không đau nhức, bà đã đến khám ngay tại BV ĐHYD.

Quá trình thăm khám cho thấy mắt phải của người bệnh có hiện tượng phù hoàng điểm trên nền bệnh võng mạc do ĐTĐ giai đoạn nặng. Sau khi được điều trị bằng laser quang đông toàn võng mạc và tiêm nội nhãn, thị lực của người bệnh dần được cải thiện và được sắp xếp lịch theo dõi định kỳ nhằm ngăn ngừa tái phát.

 Nhằm cung cấp cho cộng đồng các kiến thức y khoa về biến chứng mắt do ĐTĐ, cách phòng ngừa cũng như liệu trình theo dõi - điều trị cần thiết, phân khoa Nội tiết - Khoa Nội tổng hợp cùng với khoa Mắt BV ĐHYD tổ chức “Chương trình sinh hoạt CLB người ĐTĐ lần III năm 2018”. Tại chương trình, người tham dự sẽ được các chuyên gia của Bệnh viện giải đáp thắc mắc, kiểm tra đường huyết miễn phí, hướng dẫn tập yoga và thể lực dành cho người bệnh ĐTĐ. Người bệnh ĐTĐ và người dân quan tâm đến bệnh ĐTĐ.Thời gian tổ chức: 08h00 – 11h00, Chủ nhật ngày 4/11/2018. Tại địa điểm: Tầng trệt khu A, Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM – 215 Hồng Bàng, phường 11, quận 5, TPHCM.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.