Cơ cấu dân số vàng đơn thuần chỉ là cơ hội
Vụ trưởng Nguyễn Đình Bách nhận định: "Bản thân giai đoạn cơ cấu dân số vàng không mang lại của cải vật chất cho xã hội mà chỉ là cơ hội"
Giai đoạn cơ cấu dân số vàng là một giai đoạn của quá trình chuyển đổi nhân khẩu học. Giai đoạn này còn gọi là giai đoạn “dư lợi dân số”, hay “cửa sổ cơ hội dân số” (Population window).
Đây là giai đoạn có tỷ số phụ thuộc chung ≤ 50% hay nói một cách khác, cứ có 2 người trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) chỉ phải “gánh” ≤ 1 người ngoài độ tuổi lao động.
Ở nước ta, năm 2007, tỷ số này khoảng 50%, tức là cứ 2 người trong độ tuổi lao động mới phải “gánh” một người ngoài độ tuổi lao động. Điều đó có nghĩa là khi đó dân số Việt Nam đã bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”. Thời kỳ này chỉ xuất hiện duy nhất 1 lần đối với mỗi quốc gia.
Lợi thế của cơ cấu dân số vàng là chúng ta có nguồn lao động dồi dào, đặc biệt là lao động trẻ có khả năng sáng tạo lao động làm ra của cải vật chất.
Thực tế chứng minh nhiều nước trong khu vực và thế giới đã phát triển rất mạnh ở giai đoạn cơ cấu dân số vàng. Tuy nhiên bản thân giai đoạn cơ cấu dân số vàng không mang lại của cải vật chất cho xã hội mà chỉ là cơ hội. Nó có mang lại sự phát triển kinh tế xã hội hay không là do chúng ta có nắm bắt được lợi thế của thời kỳ này hay không.
Để phát huy được lợi thế của cơ cấu dân số vàng, chúng ta phải sử dụng được tối đa nguồn nhân lực, thể hiện bằng năng suất lao động và của cải xã hội do nguồn nhân lực của thời kỳ này tạo ra như: phát triển khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cải tiến tăng năng suất lao động, tạo các ngành nghề để sử dụng nguồn lao động hiện có để tạo ra của cải vật chất cho đất nước.
Trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” đất nước sẽ có một lực lượng lao động trẻ hùng hậu. Nếu lực lượng này được tận dụng tối đa trí tuệ, sức lao động thì sẽ tạo ra khối lượng của cải vật chất khổng lồ, tạo ra giá trị tích lũy lớn cho tương lai, đảm bảo an sinh xã hội khi đất nước bước vào giai đoạn “dân số già”.
Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đã tận dụng tốt cơ hội nhân khẩu học, làm nền tảng cho những bước phát triển thần kỳ và trở thành những “con rồng châu Á”. Kinh nghiệm cũng cho thấy, mấu chốt để phát huy được giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” là nguồn nhân lực có chất lượng cao.
Những thách thức mà cơ cấu dân số vàng mang lại
Theo Vụ trưởng Nguyễn Đình Bách, cơ cấu “dân số vàng” tạo ra nhiều thuận lợi nhưng cùng với nó là không ít những khó khăn thách thức cần phải giải quyết.
Tốc độ tăng nhanh của dân số trong độ tuổi lao động sẽ là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế nhưng sẽ trở thành gánh nặng nếu quốc gia đó có tỷ lệ thất nghiệp cao và năng suất lao động thấp.
Tại Việt Nam hiện nay, lực lượng lao động đông về số lượng nhưng chất lượng chưa cao do thiếu lao động có tay nghề cao, sức bền còn hạn chế, kỹ năng quản lý còn nhiều bất cập.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê năm 2009, chỉ có 13,4% dân số 15 tuổi trở lên được đào tạo chuyên môn kỹ thuật (con số này ở thành thị là 25,4% và nông thôn là 8%).
Trong nhóm dân số từ 25 tuổi trở lên thì chỉ 18,9% đạt được trình độ học vấn bậc trung và chưa đầy 5,5% dân số trong độ tuổi trên đạt trình độ học vấn bậc cao.
Tình trạng thiếu việc làm của thanh niên gia tăng trong điều kiện thị tường lao động ngày càng cạnh tranh. Mặt khác, lao động di cư thanh niên tăng nhanh song các chính sách lao động, việc làm và các dịch vụ xã hội liên quan còn nhiều bất cập.
Cần tranh thủ lợi thế của cơ cấu dân số vàng
Với những thuận lợi và khó khăn trên, theo ông Nguyễn Đình Bách, để phát huy lợi thế của cơ cấu “dân số vàng” cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: Duy trì mức sinh hợp lý nhằm kéo dài thời gian cơ cấu “dân số vàng”, làm chậm quá trình “già hóa dân số”;
Tăng cơ hội việc làm, hướng đến những việc làm tạo giá trị gia tăng cao dựa trên năng suất lao động, đa dạng hóa ngành nghề ở nông thôn, các ngành sử dụng nhiều lao động; mở rộng nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường lao động… Đặc biệt, tận dụng và phát huy lợi thế cơ cấu “dân số vàng” thông qua các chương trình phối hợp liên ngành.
Việt Nam là quốc gia đông dân (gần 90 triệu dân), đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á và thứ 13 thế giới nhưng nước ta đang vướng phải một bài toán khó: Tận dụng cơ hội khi bước vào kỷ nguyên “cơ cấu dân số vàng”, đồng thời cần có ngay những kế hoạch khẩn cấp ứng phó với tình trạng già hóa dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục tăng cao; chăm sóc sức khỏe sinh sản ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế…
Vụ trưởng Nguyễn Đình Bách cũng cho biết: "Năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Theo điều tra dân số, năm 2011, tỷ lệ người cao tuổi trên 60 tuổi của Việt Nam đã hơn 8,6 triệu người, chiếm gần 10% dân số, tỷ lệ người cao tuổi trên 65 tuổi chiếm 7% dân số.
Trong khi đó, mức sinh thấp và tiếp tục giảm trong bối cảnh ưa thích con trai làm trầm trọng thêm mất cân bằng giới tính khi sinh. Tổng cục DS-KHHGĐ cũng đã đưa ra 3 phương án dân số:
Thứ nhất, nếu để tốc độ sinh tăng cao thì dân số đạt cực đại vào năm 2060 với khoảng 120 triệu dân. Thứ hai, để mức sinh thấp thì dân số Việt Nam đạt 100 triệu dân năm 2040. Thứ ba, để mức sinh trung bình, mức sinh thấp hợp lý thì quy mô dân số cực đại năm 2050 là 110 triệu dân.
Việt Nam là một trong những nước đông dân. Nếu dân số tăng cao, mật độ tiếp tục tăng, quy mô dân số lớn sẽ cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng không thể lựa chọn phương án duy trì mức sinh thấp hợp lý , vì theo quy luật, sau khi đạt đến cực đại dân số sẽ quay đầu giảm. Điều này sẽ dẫn đến rút ngắn quá trình già hóa dân số, tạo sức ép cho việc chăm sóc người cao tuổi.
Vì vậy, đối với Việt Nam, phương án để mức sinh “thấp hợp lý” là phương án tối ưu nhất được Tổng cục Dân số Việt Nam đề xuất thực hiện.
Chúng ta chấp nhận quy mô dân số gia tăng đạt cực đại đến năm 2050 để có cơ cấu dân số hợp lý giữa trẻ em với người lao động và người già. Mức sinh hiện nay của Việt Nam trung bình mỗi phụ nữ có hai con. Mức sinh thấp hợp lý từ nay đến 2020 cố gắng duy trì ở mức 1,8 đến 2 con."