Gỡ khó cho ngành Dân số về việc cung ứng các biện pháp tránh thai, KHHGĐ

GD&TĐ - Số liệu của ngành Dân số cho thấy, số lượng phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ của Việt Nam tiếp tục gia tăng (theo lũy kế đã tăng dân số), đạt cực đại vào khoảng năm 2015 – 2017. Do đó, nhu cầu về phương tiện tránh thai, kế hoạch hóa gia đình vẫn rất lớn.

Gỡ khó cho ngành Dân số về việc cung ứng các biện pháp tránh thai, KHHGĐ

Thu hẹp đối tượng được bao cấp, miễn phí

Theo thống kê của ngành DS - KHHGĐ, hiện nay, tỷ lệ dân cư có nhu cầu về phương tiện tránh thai chưa được đáp ứng còn khá cao với 11,2% trong nhóm phụ nữ đã kết hôn, 22,7% trong nhóm phụ nữ chưa kết hôn và khoảng 34,3% trong nhóm vị thành niên, thanh niên.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tân – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), việc cắt giảm ngân sách đã gây khó khăn cho việc cung ứng các biện pháp tránh thai, đảm bảo dịch vụ KHHGĐ cho người dân.

Ông Tân cho biết: Theo định hướng chính sách của Việt Nam hiện nay, đối tượng được Nhà nước bao cấp, miễn phí các phương tiện tránh thai ngày càng thu hẹp.

Hiện chỉ còn khoảng 30% số cặp vợ chồng được hưởng miễn phí các dịch vụ KHHGĐ, chủ yếu là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, số còn lại phải mua qua kênh tiếp thị xã hội, thị trường…

Trong khi đó, quá trình làm cho người dân quen với cơ chế chi trả, công tác tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai còn gặp vô số khó khăn, do nhiều rào cản như tâm lý người dân quen được miễn phí, bao cấp; địa bàn dân cư rộng, đi lại khó khăn khiến công tác tiếp thị, mức độ tiếp cận của người dân còn hạn chế.

Thiếu hụt các phương tiện tránh thai

 Ông Nguyễn Văn Tân – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình

Trên thực tế, trước năm 2011, 80% tổng nhu cầu phương tiện tránh thai tại Việt Nam được hỗ trợ từ nguồn vốn ODA và của các nhà tài trợ Quốc tế. 

Từ sau năm 2011, khi Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, các nhà tài trợ quốc tế chuyển trọng tâm hỗ trợ sang lĩnh vực khác hoặc quốc gia khác, đến nay chưa có nhà tài trợ quốc tế nào cam kết nguồn vốn ODA để hỗ trợ phương tiện tránh thai, cấp miễn phí cho người dân như trước đây.

Theo ước tính về nhu cầu ngân sách giai đoạn 2011 – 2020, Việt Nam cần khoảng 3,132 tỷ đồng (khoảng 150 triệu USD) để mua phương tiện tránh thai phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân, có nghĩa là mỗi năm cần hơn 300 tỷ đồng.

Thực tế thì, trong 3 năm 2012 – 2014, tổng ngân sách phân bổ cho việc mua sắm phương tiện tránh thai lại chỉ có 254 tỷ đồng, chưa đáp ứng được 1/10 nhu cầu. Năm 2015, ngân sách chung cho chương trình DS-KHHGĐ có tăng lên nhưng không đáng kể.

Việc thiếu hụt các phương tiện tránh thai trong chương trình DS-KHHGĐ, theo các chuyên gia, có thể dẫn tới việc gia tăng số phụ nữ mang thai, sinh con ngoài ý muốn, tăng số ca phá thai, hoặc tăng dân số, đặc biệt ở vùng có mức sinh cao, chưa ổn định.

Từ đó sẽ gây ra gánh nặng về kinh tế cho cá nhân, gia đình, xã hội. Trên thực tế, biểu đồ biến động mức sinh của Việt Nam trong những năm gần đây có xu hướng “nhích” lên.

Đẩy mạnh xã hội hóa

Theo ông Nguyễn Văn Tân, năm 2015, trong điều kiện ngân sách cấp giảm, nhu cầu tránh thai của người dân vẫn tăng, xã hội hóa được xác định là xu thế tất yếu của nền kinh tế thị trường.

Đây là mục tiêu, là động lực, chính sách lâu dài cho sự phát triển bền vững của chương trình DS-KHHGĐ. Xã hội hóa cũng là biện pháp tăng đầu tư của xã hội trên cơ sở nâng cao chất lượng dịch vụ và trực tiếp tới đối tượng thụ hưởng.

"Đầu tháng 3/2015 vừa qua, lãnh đạo Bộ Y tế đã phê duyệt đề án “Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015 – 2020” - ông Tân thông tin thêm.

Ông Tân nhấn mạnh: Mục tiêu tổng quát của Đề án này là đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS có chất lượng cho người dân nhằm đảm báo sự công bằng xã hội, sự bền vững của chương trình DS-KHHGĐ.

Ngoài ra, chương trình còn huy động và nâng cao hiệu quả của các nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho chương trình DS-KHHGĐ phù hợp với xu hướng phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện trường vụ tổ hợp Litening rơi tại East Yorkshire, miền đông nước Anh.

Tiêm kích Typhoon bị 'mù' sau sự cố

GD&TĐ - Theo The Aviationist, chiến đấu cơ Typhoon của Không quân Anh đã gặp sự cố bất ngờ trong diễn tập khi để rơi tổ hợp chỉ thị mục tiêu Litening.