Giải pháp then chốt trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình

GD&TĐ - Một trong những giải pháp quan trọng, then chốt và chủ đạo để thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) là đẩy mạnh tuyên truyền vận động và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ cho người dân.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động thực hiện KHDGĐ cho người dân
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động thực hiện KHDGĐ cho người dân

Tuy nhiên thực tế cho thấy, công tác này vẫn đang gặp nhiều khó khăn và thách thức. Xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến đã có những chia sẻ với báo Giáo dục & Thời đại.

Mặc dù công tác DS – KHHGĐ đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, công tác này vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Vậy Thứ trưởng có thể cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay mà chúng ta đang phải đối diện là gì?

Bình quân hằng năm có khoảng 1,2 – 1,4 triệu trẻ sơ sinh ra đời, gần bằng dân số một tỉnh. Chính vì lẽ đó, quản lý mức sinh thay thế là hết sức cần thiết, không thể buông lỏng, nhất là ở những vùng khó khăn, mức sinh vẫn còn cao

Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến

- Đúng là thực tế hiện nay công tác dân số của nước ta vẫn đang gặp phải những khó khăn, thách thức không nhỏ.

Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, Việt Nam vẫn là nước đất chật, người đông, quy mô dân số lớn (đứng thứ 13 trên thế giới và thứ 3 khu vực Đông Nam Á). 

Chất lượng dân số mặc dù được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế, chỉ số phát triển con người vẫn ở mức thấp, các tố chất về tầm vóc, thể lực, đặc biệt là chiều cao, cân nặng và sức bền còn thấp xa so với nhiều nước trong khu vực.

Ngoài ra, dân số đang trong quá trình già hóa, số lượng người cao tuổi ngày càng tăng. Mặt khác, hằng năm số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vẫn tiếp tục tăng. 

Nhu cầu về phương tiện tránh thai chưa được đáp ứng khá cao trong đó có các nhóm dân cư dễ bị tổn thương, đặc biệt là tổn thương trng thiên tai. 

Tỷ lệ này là 11,2% trong nhóm phụ nữ đã kết hôn; 22,7% trong nhóm phụ nữ chưa kết hôn và khoảng 34,3% trong nhóm vị thành niên/thanh niên.

Quan hệ tình dục, nhất là tình dục trước hôn nhân, tình trạng mang thai ngoài ý muốn và phá thai ở vị thành niên và thành niên vẫn là những thách thức lớn trong thời gian tới.

Vậy ngành Y tế triển khai những giải pháp như thế nào để khắc phục những khó khăn, thách thức nêu trên – thưa Thứ trưởng?

 Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến

- Để từng bước giải quyết những thách thức trong công tác DS – KHHGĐ, thiết nghĩ chúng ta cần thực hiện ba giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, cần tranh thủ tối đa sự lãnh đạo,chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể trong việc nâng cao trách nhiệm quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ y tế nói chung và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình và cơ quan y tế các cấp nói riêng.

Thứ hai, các đơn vị Y tế, DS - KHHGĐ các cấp cũng cần chủ động và chuẩn bị tốt, đầy đủ trang thiết bị, thuốc thiết yếu, đặc biệt là không để thiếu các phương tiện tránh thai cung cấp cho người dân. 

Tập trung ưu tiên cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho các đối tượng dễ bị tổn thương trong thiên tai như vị thành niên, thanh niên, phụ nữ v.v…

Thứ ba, cần triển khai mạnh, có hiệu quả các hoạt động truyền thông, giáo dục nói chung và truyền thông chuyển đổi hành vi về DS – KHHGĐ nói riêng với nội dung, hình thức và cách tiếp cận phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, đối tượng khó tiếp cận ở khu vực thiên tai, lũ lụt, hạn hán, khu vực khó khăn, nhằm nâng cao nhận thức, thái độ, thực hành về dân số - sức khỏe sinh sản/KHHGĐ cho các nhóm dân số.

Song song với các giải pháp trên thì các chính sách cũng cần phải được thực hiện một cách linh hoạt. Với các tỉnh có mức sinh cao, chưa đạt mức sinh thay thế cần hạ mức sinh và phấn đấu đạt mức sinh thay thế. 

Những tỉnh, thành phố mức sinh đã xuống thấp như TPHCM cần duy trì để mức sinh không bị xuống thấp hơn nữa rồi từng bước nâng dần lên.

Mặt khác cần thiết thay đổi thông điệp từ "Mỗi cặp vợ chồng nên có 1 đến 2 con" chuyển thành "Mỗi cặp vợ chồng nên sinh 2 con" và vận động người dân sinh con có trách nhiệm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ