Việt Nam đã đạt miễn dịch cộng đồng với Covid-19

GD&TĐ - Từ đầu năm 2023 tới nay, số ca mắc mới Covid-19 giảm mạnh so với thời gian trước và không ghi nhận bệnh nhân tử vong.

Vắc-xin Covid-19 vẫn vô cùng cần thiết trong chống dịch. Ảnh minh họa.
Vắc-xin Covid-19 vẫn vô cùng cần thiết trong chống dịch. Ảnh minh họa.

Nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh và không có tình trạng quá tải hệ thống y tế.

PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - đánh giá: “Số ca mắc mới không tăng trong thời gian dài, số ca tử vong trong nhiều ngày gần đây đều ở mức 0. Những số liệu này cho thấy người dân đã có miễn dịch cộng đồng và miễn dịch do mắc Covid-19”.

Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - cũng nhận định, 90% người dân Việt Nam đã có miễn dịch với SARS-CoV-2 nhờ tiêm vắc-xin hoặc do từng mắc Covid-19.

Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, Bộ Quốc Phòng, lý giải: “Miễn dịch cộng đồng được hiểu đơn giản là một trạng thái cho từng bệnh truyền nhiễm cụ thể. Khi đạt được, dịch bệnh truyền nhiễm đó không có khả năng phát triển thành dịch”.

Theo chuyên gia này, để đánh giá về việc nước ta đã đạt được miễn dịch cộng đồng với Covid-19 hay chưa, cần phải có nhiều kết quả nghiên cứu và số liệu thống kê chuyên sâu, đầy đủ.

Tuy nhiên, với những số liệu bước đầu, có thể lạc quan cho rằng, khả năng cao là Việt Nam đã có miễn dịch cộng đồng. Bằng chứng là số ca mắc mới đã ở mức rất thấp và ổn định trong suốt thời gian qua.

Tuy nhiên, virus SARS-CoV-2 có đặc tính biến đổi liên tục. Trong khi đó, miễn dịch sẽ giảm dần theo thời gian. Các chuyên gia khuyến cáo vẫn phải cảnh giác trước dịch bệnh này. Đặc biệt, vắc-xin Covid-19 vẫn đóng vai trò quan trọng.

PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh: “Tiêm vắc-xin Covid-19 vẫn là biện pháp hữu hiệu trong phòng chống dịch hiện nay. Việc tiêm vắc-xin đã giúp chúng ta kiểm soát dịch bệnh hiệu quả và mở cửa cho các hoạt động kinh tế xã hội”.

Theo PGS Phu, đã có ý kiến về việc tiêm vắc-xin mũi nhắc lại thứ 5. Mũi tiêm nhắc lại này có thể sau 4 tháng, 6 tháng, 1 năm hoặc thực hiện tiêm hằng năm theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Dù vậy, việc này cần dựa trên các nghiên cứu về virus SARS-CoV-2 có biến chủng và làm vô hiệu hóa vắc-xin hay không.

Đồng tình với ý kiến trên, BS Nguyễn Huy Hoàng cho rằng: “Việc tiêm vắc-xin nhắc lại - mũi thứ 5 là cần thiết. Tuy nhiên, cần sử dụng một loại vắc-xin mới, được nghiên cứu và phát triển từ những biến thể mới nhất, ví dụ như XBB thì mới có tác dụng bảo vệ bền vững và lâu dài”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ