Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, mặc dù nước ta đang kiểm soát tốt dịch bệnh, nhưng giải pháp hiệu quả nhất để thực sự đẩy lùi dịch bệnh là vắc xin phòng Covid-19.
Bước tiến đột phá
Ngày 20/7, hãng tin Reuters đưa tin, cuộc thử nghiệm vắc xin Covid-19 tại Anh trên hơn 1.000 người trưởng thành đã tạo ra kháng thể và kích thích phản ứng mạnh mẽ của tế bào T miễn dịch.
Trước tình hình này, Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh nhận định, đây là bước đột phá trong nỗ lực đẩy lùi đại dịch Covid-19. Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson bày tỏ sự hoan nghênh đối với "tin tức vô cùng tích cực" này.
Cũng như việc phát triển kháng thể trong máu, các bệnh nhân sử dụng vắcxin đã phát triển phản ứng tế bào T, nhằm giúp cơ thể xác định và tiêu diệt virus SARS-CoV-2.
"Hệ miễn dịch có hai cách để tìm và tấn công mầm bệnh, gồm kháng thể và các phản ứng tế bào T", ông Andrew Pollard - thành viên từ nhóm nghiên cứu của Đại học Oxford, cho biết.
Trong một cuộc thử nghiệm vắc xin chống Covid-19 khác tại Trung Quốc, phần lớn hơn 500 người tham gia đều xuất hiện phản ứng của hệ miễn dịch. Đây là vắc xin Ad5-nCOV, do hãng dược CanSino Biologics hợp tác phát triển với đơn vị nghiên cứu quân sự của Trung Quốc.
Cả hai nghiên cứu vắc xin chống Covid-19 tại Anh và Trung Quốc đều được đăng tải trên tạp chí y khoa The Lancet. Động thái này được cho là cột mốc đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực tìm kiếm vắc xin phòng Covid-19. Tuy nhiên, các nhà khoa học Anh và Trung Quốc cho rằng, sẽ cần thêm thời gian để nghiên cứu vắc xin, sau khi ghi nhận một số tác dụng phụ trên ứng viên.
Lường trước tình huống hết dịch khi có vắc xin
Ngày 15/5 và 29/5, 2 lô mẫu huyết thanh của 50 con chuột đã tiêm dự tuyển vắc xin Covid-19 lần lượt được gửi sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để đánh giá. Giữa tháng 6, TS Đỗ Tuấn Đạt - Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 Vabiotech, cho hay, dự án nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng Covid-19 đã có kết quả. Vắc xin dự tuyển có tính sinh miễn dịch khá cao. Với kết quả này, Vabiotech đã vượt tiến độ 2 tháng của giai đoạn 1 dự án, cũng là giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình nghiên cứu sản xuất vắc xin Covid-19.
ThS.BS Nguyễn Hiền Minh - Phó Giám đốc Y khoa thuộc Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, giải thích: "Tiêm vắc xin là hình thức đưa miễn dịch đặc hiệu chủ động vào cơ thể. Vắc xin không phải là virus, vi khuẩn thật sự tồn tại ở ngoài đời. Vắc xin là dạng virus, vi khuẩn đã bị biến đổi, nghĩa là bị làm yếu đi hoặc chết. Có một số loại vắc xin sử dụng công nghệ mới, chỉ lấy những đoạn DNA hoặc gen để bào chế. Đó là lý do vắc xin rất an toàn".
Chuyên gia nói thêm, khi đưa vào cơ thể, hệ miễn dịch của con người sẽ nhận diện được yếu tố lạ của vắc xin. Khi đó, cơ thể sẽ kích hoạt hệ miễn dịch để sản sinh ra kháng thể. Việc sản sinh này có tính trí nhớ, tức là lần sau nếu gặp virus, vi khuẩn thật ở ngoài đời, cơ thể sẽ bảo vệ và chống lại được.
Chia sẻ về việc một số quốc gia ghi nhận tỷ lệ người mắc Covid-19 thấp do có vắc xin lao (BCG) trong tiêm chủng mở rộng, ThS.BS Minh cho biết: "Khi tiêm vắc xin BCG phòng bệnh lao vào cơ thể sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch bẩm sinh, đặc biệt là tế bào NK để tiêu diệt virus, vi khuẩn. Khi hệ thống miễn dịch được kích hoạt, miễn dịch này có tương tác chéo với yếu tố tiền viêm".
Do đó, cơ thể sẽ được bảo vệ khỏi vi khuẩn lao và kích hoạt tế bào Lympho T, NK… làm tăng khả năng bảo vệ chéo với một số tác nhân khác như tụ cầu vàng hay Candida albicans.
"Người ta cũng ghi nhận có bảo vệ chéo khi tiêm vắc xin lao với những chủng virus gây sốt. Tuy nhiên, với SARS-CoV-2 thì tất cả chỉ đang nằm trong giả thuyết", Ths.BS Minh nhấn mạnh.
BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) chia sẻ, có khả năng một số quốc gia sẽ ra mắt vắc xin phòng Covid-19 sớm hơn tháng 9. Nguyên tắc vắc xin phải bảo đảm an toàn, hiệu quả, đòi hỏi thời gian sản xuất từ 1 - 1,5 năm.
"Tuy nhiên, cũng phải lường trước được tình huống là khi sản xuất ra vắc xin Covid-19, dịch bệnh đã biến mất. Lúc đó, người ta sẽ không sản xuất vắc xin nữa vì sản xuất ra cũng không bán được", BS Khanh cho biết.
Việt Nam trên đường đua vắc xin chống Covid-19
Ngày 22/7, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo "Triển khai nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng ký, sử dụng vắc xin Covid-19 tại Việt Nam".
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc nghiên cứu sản xuất và làm chủ nguồn cung cấp vắc xin phòng Covid-19 trong nước là hết sức quan trọng. Mặc dù nước ta đang kiểm soát tốt dịch bệnh, nhưng giải pháp hiệu quả nhất để thực sự đẩy lùi dịch bệnh là vắc xin phòng Covid-19.
Ông Vũ Hương - Cố vấn kỹ thuật Khu vực, Trung tâm Sáng kiến và Tiếp cận Vaccine cho biết, đến ngày 15/7, trên toàn cầu có 163 ứng viên vắc xin Covid-19 đang được nghiên cứu phát triển, 23 vắc xin đang ở giai đoạn thử nghiệm trên người. 140 ứng viên hiện ở giai đoạn tiền lâm sàng (trong đó có các vắc xin của Việt Nam). Việt Nam là 1 trong 42 quốc gia có thể sản xuất vắc xin.
GS. TS Nguyễn Thanh Long chỉ đạo các nhà sản xuất, đơn vị nghiên cứu tiếp tục chủ động, tích cực nghiên cứu sản xuất vắc xin Covid-19, nhằm tạo điều kiện thúc đẩy công tác nghiên cứu sản xuất vắc xin tại Việt Nam trong thời gian ngắn nhất, nhưng bảo đảm nguyên tắc an toàn và hiệu quả cho người sử dụng.