Việt Nam cần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp để hướng tới công nghiệp hiện đại

GD&TĐ - Đó là khẳng định của Th.s Bùi Văn Hải - Khoa Quản lý đất đai và Bất động sản, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM khi trao đổi về nguy cơ mà ngành Nông nghiệp Việt Nam phải đối mặt khi quỹ đất ngày càng hạn hẹp

Những hình ảnh nông sản Việt Nam sau khi trồng phải cho trâu, bò ăn vì thiếu đầu ra thị trường đặt ra cho ngành nông nghiệp nhiều trăn trở
Những hình ảnh nông sản Việt Nam sau khi trồng phải cho trâu, bò ăn vì thiếu đầu ra thị trường đặt ra cho ngành nông nghiệp nhiều trăn trở

Thực tế, sự bền vững trong nông nghiệp và môi trường là một trong những mối quan tâm lớn trong xã hội hiện nay.

Trong ít nhất hai thập kỷ qua, bằng mọi cách để thoát khỏi nghèo đói và lạc hậu, nhiều nước đã đi theo con đường công nghiệp hóa để phát triển kinh tế một cách nhanh chóng, chấp nhận hy sinh nông nghiệp, nông thôn và môi trường thiên nhiên.

Tuy nhiên, nghiêm túc để nhìn lại, sự đánh đổi đó phải trả giá rất đắt cho việc môi trường sống bị huỷ hoại, xã hội khủng hoảng do chênh lệch giàu nghèo giữa các nhóm người trong xã hội.

Theo Th.s Hải với tốc đô thị mạnh mẽ như hiện nay, trước mắt thời gian tới là con người không có đủ lương thực và thực phẩm để nuôi sống mình do không còn nhiều đất đai để canh tác và môi trường sinh thái bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Con người có thể chế tác ra nhiều loại thiết bị máy móc hiện đại, có thể đi đến các hành tinh khác…nhưng thực tế hàng ngày, hàng tỉ dân trên trái đất này không thể không dùng lương thực và thực phẩm để duy trì sự sống.

Theo ông Jesper Morch - Điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam thì con người đang đứng trước nguy cơ thiếu lương thực, thực phẩm trầm trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng, điều này một phần do con người gây ra.

Đối với các nước công nghiệp hiện đại, trong một chừng mực nào đó họ vẫn phải duy trì một diện tích nhất định và cần một sự hỗ trợ của chính phủ để phát triển nông nghiệp, nhằm ổn định lương thực cho chính quốc gia của họ, thậm chí còn đóng vai trò chủ lực trong xuất khẩu những sản phẩm đặc trưng từ nông nghiệp.

Việt Nam đi lên từ nông nghiệp, trải qua bao thăng trầm của lịch sử và sự đổi mới để đất nước phát triển, nhưng đến hôm nay sau hơn 20 năm đổi mới có thể nói nông nghiệp vẫn là nền tảng, và là thế mạnh của chúng ta.

Nhìn nhận sự đầu tư và sự đóng góp của các ngành trong những năm qua thì dễ dàng nhận thấy, ngành nông nghiệp luôn luôn tăng trưởng và đóng góp rất lớn vào sự ổn định và phát triển của đất nước về nhiều mặt.

Th.s Bùi Văn Hải-Khoa Quản lý đất đai và Bất động sản, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM
 Th.s Bùi Văn Hải-Khoa Quản lý đất đai và Bất động sản, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM

“ Trong định hướng của Đảng, đến năm 2020 về cơ bản chúng ta sẽ là một nước công nghiệp. Tuy nhiên sự phát triển công nghiệp về những lĩnh vực nào, ngành công nghiệp nào là thế mạnh thì chưa cụ thể, và chưa xác định con đường đi theo sự phát triển công nghiệp bền vững.

Vì vậy trong Văn kiện cho Đại hội Đảng lần thứ XII, Đảng ta đã nhìn nhận một cách rất thực tế rằng, đến năm 2020 thì chưa thể cơ bản trở thành một nước công nghiệp, mà phải xây dựng lại định hướng cho phù hợp là trong tương lai gần nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Điều đó chứng tỏ rằng trong thời gian qua chúng ta hơi nóng vội và có sự chuyển đổi cơ cấu ngành nghề chỉ là cơ học. Cụ thể là nhiều địa phương đã mở ra rất nhiều các khu, cụm công nghiệp và xóa bỏ đi nhiều diện tích đất đang làm nông nghiệp một cách hiệu quả. Dẫn đến một hậu quả là người dân nông thôn không có đất để sản xuất và thiếu việc làm, vẫn nghèo trong khi ruộng đất thì bỏ hoang.

Với một nền nông nghiệp luôn là nền tảng của sự phát triển, tại sao chúng ta không chọn công nghiệp chế biến làm mũi nhọn trong định hướng phát triển công nghiệp thời gian tới, và như vậy rất cần có sự đầu tư đúng hướng và đồng bộ cho lĩnh vực này”- Th.s Bùi Văn Hải nhấn mạnh.

Hiện các sản phẩm trong nông nghiệp của khoảng 70% dân số làm ra, thì trong đó không có nhiều nhà máy chế biến các loại nông sản, để các sản phẩm này để trở thành nông sản hàng hoá có giá trị xuất khẩu cao. Nhiều mặt hàng chủ yếu là xuất khẩu thô tới gần 90% sản lượng, trong khi chúng ta lại phải đi nhập khẩu những sản phẩm tinh chế về để làm nguyên liệu đầu vào cho công nghệ chế biến thực phẩm.

Từ những bất cập trên Th.s Bùi Văn Hải cho rằng ngành nông nghiệp Việt Nam hơn lúc nào hết cần nhiều hơn những chủ trương, chính sách và sự định hướng chiến lược dài hạn cho sự phát triển bền vững nhằm hỗ trợ tốt hơn cho người nông dân. Trong đó, vấn đề tài cơ cấu trong nông nghiệp được xem là nhiệm vụ bức thiết.

“Nhìn cảnh nông dân phải đổ bỏ cà chua, dưa hấu, thanh long cho trâu bò ăn, đốt bỏ những ruộng mía thời gian qua thì thấy rằng khâu định hướng cho nông dân còn rất nhiều hạn chế.

Chúng ta cần ngay các giải pháp vĩ mô, trong đó mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải được xem là giải pháp sống còn, tránh hô hào kiểu phong trào, thực hiện các giải pháp một cách manh mún. Bởi nếu không làm tới nơi tới chốn, sự thiệt thòi vẫn thuộc về người nông dân”-Th.s Hải nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sắc xanh xe buýt điện VinBus không ngừng nỗ lực “phủ xanh” thành phố (Ảnh: VinBus)

80 tuần Vingroup 'phủ xanh' Việt Nam

GD&TĐ -Quỹ Vì tương lai xanh và các công ty thành viên thuộc hệ sinh thái Vingroup đã triển khai những hành động “phủ xanh” trên khắp dải đất hình chữ S.