(GD&TĐ)-Hôm nay (23/4), cuộc họp lần hai của nhóm công tác chung về giáo dục đào tạo Việt Nam – Australia đã được tổ chức tại Hà Nội sau phiên họp đầu tiên tổ chức tại Canberra – Australia vào tháng 3/2011.
Cuộc họp lần hai của nhóm công tác chung về giáo dục đào tạo Việt Nam – Australia. Ảnh: gdtd.vn |
Thực hiện Chương trình hành động Việt Nam – Australia giai đoạn 2010 – 2013 ký tại Hà Nội ngày 31/10/2010, được sự nhất trí của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, Nhóm công tác chung Việt Nam - Australia về giáo dục và đào tạo đã được thành lập với mục tiêu thúc đẩy hợp tác giáo dục giữa hai nước, tập trung vào lĩnh vực là giáo dục đại học, kiểm định chất lượng giáo dục, đào tạo nghề và giáo dục mầm non. Theo thỏa thuận các cuộc họp của nhóm công tác này sẽ luân phiên tổ chức tại Australia và Việt Nam.
Tại cuộc họp lần thứ hai, hai bên đã nhất trí đề ra các lĩnh vực chính sẽ trao đổi kinh nghiệm hợp tác trong năm tới gồm: Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH và dạy nghề; hợp tác nghiên cứu giữa các trường ĐH hai nước; phát triển kỹ năng nghề cho phù hợp với nhu cầu của nhà tuyển dụng; trao đổi sinh viên...
Các lĩnh vực này sẽ được thực hiện qua những hoạt động cụ thể như hội thảo có sự tham gia của chuyên gia Australia hoặc các chuyến thăm từ Việt Nam sang Austraila để học hỏi kinh nghiệm... Nhóm công tác chung cũng sẽ làm nhiệm vụ là cầu nối giữa các trường ĐH của hai nước...
Đặc biệt, tại buổi làm việc, hai bên cũng đã thống nhất sẽ ký kết biên bản ghi nhớ về giáo dục đào tạo Việt Nam – Australia vào năm 2013 – năm kỷ niệm 40 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Tại cuộc họp lần thứ nhất của nhóm công tác tại Australia đã đề cập các lĩnh vực hợp tác ưu tiên là giáo dục dạy nghề, giáo dục đại học, giáo dục mầm non và công nhận bằng cấp. Tại cuộc họp này Bộ Giáo dục, Nhân dụng và Quan hệ Nghề nghiệp Australia (nay đổi tên là Bộ Giáo dục Khoa học và Nghiên cứu Australia) đã có sáng kiến đưa ra Chương trình trao đổi chính sách quốc tế (International Policy Exchange Program) nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ hoạch định chính sách thuộc các lĩnh vực ưu tiên như giáo dục mầm non, kiểm định chất lượng giáo dục, quản lý giáo dục.
Ảnh: gdtd.vn |
Được biết, trong các đối tác tài trợ học bổng cho Việt Nam, Australia luôn là nước tài trợ học bổng nhiều nhất (khoảng gần 400 suất/năm). Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã ký thỏa tuận với 19 trường đại học của Australia hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí cho các nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên đại học. Ngoài học bổng của Chính phủ Australia, kể từ năm 2000 đến nay số lưu học sinh được cử đi học theo nguồn kinh phí ngân sách nhà nước Việt Nam gồm (Đề án 322, Đề án xử lý nợ Nga, Chương trình Công nghệ sinh học của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) là 929 người.
Hiếu Nguyễn