Viết mở bài trong Văn miêu tả­

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Vạn sự khởi đầu nan, cái làm khó học sinh bắt đầu từ phần mở bài, đa số các em viết một cách máy móc theo công thức cho sẵn.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tập làm văn là phân môn khó nhất trong môn Tiếng Việt, vì tính tổng hợp và sáng tạo cao từ các phân môn: Tập đọc, Kể chuyện, Chính tả, Luyện từ và câu...

Để viết được một bài văn hoàn chỉnh, đòi hỏi học sinh phải có một tổ hợp kĩ năng như: Xác định đúng yêu cầu của đề bài, khả năng quan sát có chủ đích, lựa chọn chi tiết đưa vào bài viết, lập dàn ý, sử dụng từ ngữ, viết thành câu, thành đoạn và hoàn thiện… Vì thế mà đa số học sinh sợ học, ngại học, không biết đặt bút viết như thế nào.

Vạn sự khởi đầu nan, cái làm khó học sinh bắt đầu từ phần mở bài. Đa số các em viết một cách máy móc theo công thức cho sẵn, khi đọc lên gây cảm giác hụt hẫng, nhàm chán, đơn điệu…

Ví dụ: Nhà em trồng rất nhiều cây ăn quả, nhưng em thích nhất là cây nhãn. (Tả cây ăn quả); Gia đình em có bốn người, nhưng người yêu thương em nhất là mẹ. (Tả người thân trong gia đình).

Trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, em thích nhất là mùa thu. (Tả một mùa trong năm)… Trong bài viết này, tôi xin hướng dẫn học sinh lớp 5 viết đúng, viết hay phần mở bài cho bài văn miêu tả.

Tùy thuộc vào trình độ nhận thức của học sinh, để giáo viên có cách hướng dẫn cụ thể theo từng yêu cầu riêng. Mở bài gián tiếp có yêu cầu khó hơn, nâng cao hơn so với mở bài trực tiếp. Vì vậy, đối với học sinh có mức độ tiếp nhận trung bình thì giáo viên hướng dẫn các em viết mở bài trực tiếp với các câu văn ngắn gọn, đơn giản.

Đối với những học sinh có năng khiếu và đam mê văn học, yêu thích sự sáng tạo, thích tìm cái mới mẻ, cái độc đáo thì giáo viên hướng dẫn các em viết mở bài gián tiếp với những câu văn giàu hình ảnh và cảm xúc, thể hiện được nét riêng của cá nhân.

Bước 1: Xác định và so sánh các kiểu mở bài trong bài văn miêu tả

Phần mở bài có nhiệm vụ giới thiệu đối tượng sẽ nói đến theo yêu cầu của đề bài, hướng vào đề bài, cần giới thiệu ngắn ngọn, cụ thể về đối tượng được miêu tả là người, loài vật, cây cối hay cảnh vật (yêu cầu cơ bản). Phần này có thể viết theo 2 kiểu: Mở bài trực tiếp hoặc mở bài gián tiếp. Một mở bài hấp dẫn, thu hút người đọc, tạo thiện cảm ban đầu cần ngắn gọn và thể hiện được ba yêu cầu sau: Phải giới thiệu được đối tượng miêu tả; cần đưa ra nhận định, đánh giá chung nhất, khái quát nhất về đối tượng ấy; bày tỏ được thái độ, tình cảm, cảm xúc đối với đối tượng được miêu tả (yêu cầu nâng cao).

Trong chương trình Tập làm văn lớp 4, các em đã được học 2 kiểu mở bài này, lên lớp 5, giáo viên ôn tập và củng cố lại cho các em qua bài tập sau:

Bài tập 1: Dưới đây là hai cách mở bài của bài văn Tả con đường quen thuộc từ nhà em tới trường. Em hãy cho biết: Đoạn nào mở bài theo kiểu trực tiếp, đoạn nào mở bài theo kiểu gián tiếp? Nêu cách viết mỗi kiểu mở bài đó.

a. Từ nhà em đến trường có thể đi theo nhiều ngả đường. Nhưng con đường mà em thích đi hơn cả là đường Nguyễn Trường Tộ.

b. Tuổi thơ của em có biết bao kỉ niệm gắn với những cảnh vật của quê hương. Đây là dòng sông nhỏ đầy ắp tiếng cười của bọn trẻ chúng em mỗi buổi chiều hè. Kia là triền đê rộn rã tiếng hát của thanh niên nam nữ những đêm trăng sáng. Nhưng gần gũi, thân thiết với em vẫn là con đường từ nhà đến trường - con đường đẹp đẽ suốt những năm tháng học trò của em.

(Sách Tiếng Việt 5 - Tập 1 - Trang 83)

- Giáo viên cho đọc yêu cầu, nội dung bài tập.

- Giáo viên tổ chức cho học sinh hồi tưởng, trao đổi, thảo luận, chia sẻ về hai kiểu mở bài đã học (mở bài trực tiếp, mở bài gián tiếp).

- Học sinh đọc thầm 2 đoạn văn và nêu nhận xét.

Đoạn a là cách Mở bài trực tiếp vì kể ngay (nói ngay) đến đối tượng được tả.

Đoạn b là cách Mở bài gián tiếp vì nói chuyện khác để dẫn vào chuyện hoặc đối tượng định tả.

Cách viết:

a. Mở bài trực tiếp: Là kể ngay vào việc hoặc giới thiệu ngay đối tượng được tả.

b. Mở bài gián tiếp: Là nói chuyện khác để dẫn vào chuyện định kể hoặc tả.

Giáo viên có thể tổng hợp lại kiến thức các em vừa trao đổi, chia sẻ từ 2 kiểu mở bài trên, qua sơ đồ hình 1:

Bước 2: Giáo viên gợi ý cách viết mở bài thông qua một số ví dụ

Viết văn là sự sáng tạo, không theo một khuôn mẫu hay một công thức có sẵn. Tuy nhiên để học sinh dễ hình dung và nắm bắt, viết được mở bài đúng, trúng với yêu cầu của đề bài, tôi xin đưa ra một số gợi ý hình 2.

2. 1: Mở bài trực tiếp bằng một hay một số câu văn ngắn gọn, súc tích

- Mùa đông, giữa ngày mùa, làng quê toàn màu vàng – những màu vàng rất khác nhau.

(Tả quang cảnh làng mạc ngày mùa – Sách Tiếng Việt lớp 5, Tập 1, trang 10)

- Vịnh Hạ Long là một thắng cảnh có một không hai của đất nước Việt Nam.

(Tả Vịnh Hạ Long - Sách Tiếng Việt lớp 5, Tập 1, trang 70)

- Thảo quả trên rừng Đản Khao đã vào mùa.

(Tả Mùa thảo quả - Sách Tiếng Việt lớp 5, Tập 1, trang 113)

- Một ngày mới bắt đầu.

(Tả buổi sáng ở Thành phố Hồ Chí Minh - Sách Tiếng Việt lớp 5, Tập 2, trang 132)

- Chiều nào cũng vậy, con chim họa mi ấy không biết từ phương trời nào bay đến đậu trong bụi tầm xuân ở vuờn nhà tôi mà hót.

(Tả chim họa mi hót - Sách Tiếng Việt lớp 5, Tập 2, trang 123)

- Chấm không phải là cô con gái đẹp, nhưng là người mà ai đã gặp thì không thể lẫn lộn với bất kì người nào khác.

(Tả cô Chấm - Sách Tiếng Việt lớp 5, Tập 1, trang 156)

- Mỗi sáng đến lớp, em đều được gặp cô Huyền – người mẹ thứ hai của chúng em.

(Tả cô giáo - Văn tuổi thơ Số tháng 11/2021)

2.2: Mở bài bằng cách bộc lộ cảm xúc mãnh liệt, tha thiết qua cách sử dụng các từ ngữ bộc lộ cảm xúc hoặc câu cảm thán.

- Làng quê tôi đã khuất hẳn, nhưng tôi vẫn đăm đắm nhìn theo. Tôi đã đi nhiều nơi, đóng quân nhiều chỗ phong cảnh đẹp hơn đây nhiều, nhân dân coi tôi như người làng và yêu tôi tha thiết, nhưng sao sức quyến rũ nhớ thương vẫn không mãnh liệt, day dứt bằng mảnh đất cọc cằn này.

(Tả quê hương – Sách Tiếng Việt 5, tập 2, trang 101)

- Nhìn thân hình cân đối của Hạng A Cháng, tất cả các cụ già trong làng đều tấm tắc:

- A Cháng như một con ngựa tơ hai tuổi, chân chạy qua chín núi mười khe không biết mệt, khỏe quá! Đẹp quá!

(Tả anh thanh niên dân tộc vùng núi phía Bắc – Hạng A Cháng

– Sách Tiếng Việt 5, tập 1, trang 119)

- Vào mùa, cánh đồng lúa chín quê em đẹp tươi hơn bao giờ hết, càng ngắm càng mê say.

(Tả cánh đồng lúa chín)

Tiếng chim hót véo von trong trẻo làm em bừng tỉnh giấc. Em bước ra vườn, khoan khoái hít thở không khí trong lành buổi sớm mai. Em bỗng nhận ra khu vườn nhỏ nhà mình mới đẹp làm sao!

(Tả khu vườn vào buổi sớm - Văn tuổi thơ Số tháng 5/2022)

Ai đi ngang qua nhà em cũng không khỏi trầm trồ: “Chà cây lộc vừng đẹp quá!”. Nó đứng ngay bên trái trước cửa nhà em.

(Tả cây lộc vừng - Văn tuổi thơ Số tháng 4/2022)

2.3: Mở bài bằng việc trích dẫn câu thơ, câu hát, câu danh ngôn, nhận định hoặc cũng có thể là câu chuyện nhỏ, một sự việc liên quan đến đối tượng miêu tả

“Vũ trụ có nhiều kì quan, nhưng tuyệt phẩm nhất là trái tim người mẹ”. Với tôi cũng vậy, mẹ là người tuyệt vời nhất, người đã hi sinh mọi thứ, đã dành cả cuộc đời để nuôi nấng, dạy dỗ và yêu thương tôi.

(Tả người mà em yêu quý nhất)

Lưu ý học sinh tránh viết mở bài theo khuôn mẫu: Gia đình em có bốn người, nhưng em yêu quý nhất là mẹ.

- Đầu năm học, bố chở em đi mua đồ dùng học tập. Em vui vẻ chọn cho mình một chiếc cặp sách mới tinh.

(Tả chiếc cặp - Văn tuổi thơ Số tháng 1/2022)

Người xưa có câu “Công cha như núi Thái Sơn…” - một câu ca dao đã phần nào gợi lên được công lao trời bể của người bố. Người đàn ông luôn hi sinh thầm lặng, hết mình vì hạnh phúc của mái ấm gia đình. Thế nên, thật dễ hiểu khi bố chính là người mà em luôn yêu mến và kính trọng.

(Tả người mà em yêu quý nhất)

2.4: Mở bài bằng sử dụng dấu hiệu đặc trưng, nổi bật, điển hình của đối tượng được miêu tả

- Nếu như nhắc đến mùa đông, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến những hàng cây khẳng khiu trụi lá chạy dài tít tắp thì khi chị mùa xuân xinh đẹp ghé thăm là lúc những tia nắng ấm áp nhảy nhót trên vạn vật, trăm hoa đua nhau khoe sắc. Mùa xuân trên quê hương em thật đẹp.

- Mỗi năm có bốn mùa, mỗi mùa có một vẻ đẹp riêng. Mùa hè với những chùm hoa phượng đỏ nở đỏ rực một góc trời, với những chú ve râm ran trong vòm lá. Mùa thu với những cơn gió heo may thơm mùi hương cốm mới. Những bông hoa cúc vàng tươi. Mùa đông lạnh giá khiến ai cũng phải xuýt xoa. Nhưng em thích nhất là mùa xuân. Mùa của sự sống, mùa của những ước mơ. Mùa đẹp nhất trong năm lại đến với xóm làng em.

(Tả một mùa mà em yêu thích)

Cô Dương Thị Soa và học trò Trường Tiểu học Tùng Ảnh.

Cô Dương Thị Soa và học trò Trường Tiểu học Tùng Ảnh.

Cách mở bài này thay thế với kiểu mở bài theo công thức có sẵn: Trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thì em thích nhất là mùa xuân.

- Đến với đất nước mặt trời mọc là đến với những con đường hồng rực hoa anh đào, còn niềm tự hào của dân tộc Việt Nam là hoa sen, tượng trưng cho sự thanh cao và bất khuất của con người nơi đây.

(Tả hoa sen)

- Một buổi sáng tới trường, bỗng em nghe tiếng ve râm ran trong vòm lá, và kia trên cây phượng đã có chùm hoa đỏ rực. Thế là em sắp phải xa mái trường tiểu học mến yêu, nơi đã gắn bó với em thật nhiều kỉ niệm… Buổi sáng mùa hè trên sân trường em với biết bao xao xuyến, bâng khuâng.

(Tả quang cảnh trường em vào một buổi sáng mùa hè)

- Cùng với những cơn gió bấc tràn về khắp phố, mùa đông vươn đôi tay lạnh lẽo gõ của từng căn nhà. Gió lạnh thổi từng cơn khiến em rùng mình vì cái rét cắt da cắt thịt. Bầu trời không còn trong xanh, nắng cũng đã tắt hẳn. Nền trời chỉ còn mảng mây màu xám xịt, u ám.

(Tả mùa đông - Văn tuổi thơ Số tháng 12/2021)

2.5: Mở bài bằng sử dụng cấu trúc câu lặp lại

- Mẹ là người đã sinh ra tôi. Mẹ là người luôn bên cạnh khi tôi vấp ngã. Mẹ là mùa xuân, là ánh sáng của cuộc đời tôi.

(Tả mẹ)

- Dòng sông La quê em thật đẹp! Sông làm cho phong cảnh hữu tình. Sông ôm ấp làng quê. Sông làm xanh bãi mía, nương dâu. Sông gắn bó với cả thời thơ ấu.

(Tả dòng sông quê hương)

Bước 3: Luyện tập viết các kiểu mở bài

Sau khi được giáo viên giới thiệu, phân tích, hướng dẫn các cách mở bài, giáo viên khuyến khích sự sáng tạo không giới hạn của các em để viết mở bài cho các đề văn sau:

Đề 1: Thế rồi, cơn mưa cũng đến. Cây cối hả hê, cảnh vật như thêm sức sống mới. Không gì đẹp bằng cây lá vừa tắm mưa xong…

Em hãy miêu tả cảnh vật sau cơn mưa theo quan sát và tưởng tượng của em.

Đề 2: Tuổi thơ của em được lớn lên trong sự quan tâm, chăm sóc của người thân. Hãy miêu tả và nói lên cảm xúc về một trong những người thân đó.

Đề 3: Mùa đông đến, cảnh vật như co mình trong giá lạnh, con người càng khát khao hơi ấm. Từ gợi ý trên, em hãy viết một bài văn miêu tả vẻ đẹp của mùa đông.

Đề 4: Cỏ cây xung quanh ta thay đổi theo mùa, mỗi mùa cây cỏ có một vẻ đẹp riêng. Hãy miêu tả vẻ đẹp trong mùa xuân của một loài cây mà em yêu thích.

Mở bài rất quan trọng và cũng thật khó, bởi vì đó là sự khởi động của tư duy và cảm xúc, thể hiện sự nhận thức của học sinh với đề bài. Mở bài sẽ tạo ấn tượng đầu tiên với người đọc, người nghe.

Bài viết này là một gợi ý cho các em phần mở bài của dạng văn miêu tả - thể loại làm văn chính ở bậc tiểu học, hi vọng sẽ giúp các em giải thoát cảm giác “sợ” mở bài; có một bắt đầu thuận lợi và khơi thông cho chuỗi cảm xúc tích cực khi học văn và làm văn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ