Kĩ năng viết mở bài trong văn nghị luận

GD&TĐ - Nhiều học sinh khi làm văn nghị luận thường lúng túng và mất nhiều thời gian cho phần mở bài, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ làm bài kiểm tra, bài thi.

Kĩ năng viết mở bài trong văn nghị luận

Để giúp học sinh làm tốt phần mở bài, trước tiên giáo viên cần cho học sinh hiểu chức năng của phần này trong bài văn nghị luận; sau đó cung cấp các phương hướng mở bài phù hợp với từng khả năng và đối tượng học sinh.

Học sinh chỉ cần nắm hai yêu cầu cơ bản của phần mở bài là: Nêu được vấn đề sẽ giải quyết ở thân bài và phải thu hút được chú ý của người đọc.

Có 2 cách mở bài chính là mở bài trực tiếp và gián tiếp.

Mở bài trực tiếp

Là cách mở bài đi thẳng vào vấn đề. Cách mở bài này thường đột ngột, làm cho người đọc có nhiều hứng thú. Nhưng nếu chọn cách này, học sinh phải có một vốn từ nhất định, một lượng kiến thức rất chuẩn …Nói chung phải là một tay lành nghề văn mới sử dụng hiệu quả.

Ví dụ 1: Bài văn “nói về khí phách” thì chúng ta trực tiếp đưa ra luận điểm chính “Người Việt Nam chúng tôi rất có khí phách”. Như vậy, luận điểm vừa đã được đúc kết rõ ràng lại làm nổi bật được trọng tâm. Cách mở bài như vậy vừa đưa ra được vấn đề lại vừa thể hiện được luận điểm chính vô cùng trực tiếp.

Ví dụ 2: Trong thư gửi thiếu nhi và nhi đồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh rằng: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ, tuổi trẻ là mùa xuân của đất nước”. Anh (chị) hãy viết một bài văn ngắn trình bày quan điểm của mình, làm thế nào để phát huy tốt nhất thời vàng son của đời mình?

Học sinh có thể mở bài như sau: Mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm, tuổi trẻ cũng như mùa xuân vậy. Đó là lứa tuổi đẹp nhất trong mỗi cuộc đời. Thanh niên là lứa tuổi với nhiều ước mơ, dự định và hoài bão. Để có thể làm tốt những hoài bão đó thì thanh niên cần phải có một mục đích sống, một lí tưởng sống. Vậy lí tưởng sống của thanh niên ngày mai là gì?

Mở bài gián tiếp

Là kiểu mở bài nêu vấn đề sẽ bàn sau khi dẫn ra một ý kiến khác có liên quan gần gũi với vấn đề (với nhiều hình thức). Để bài làm có không khí tự nhiên và có chất văn, người ta thường mở bài theo hướng gián tiếp.

Sau đây là một số cách mở bài theo hướng gián tiếp:

Theo kiểu diễn dịch: Nêu lên những ý khái quát hơn vấn đề đặt ra trong đề bài rồi mới bắt đầu vào vấn đề ấy.

Ví dụ 1: Đề: Phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân.

Mở bài: Nguyễn Tuân là một nhà văn tài hoa, đã xây dựng được những hình tượng đẹp về con người tài hoa, có nhân cach cao thượng. Một trong nhân vật để lại ấn tượng sâu sắc cho bạn đọc là nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm “Chữ người tử tù”.

Ví dụ 2: Anh(chị ) hãy viết một bài văn ngắn về bàn về “nhân nghĩa”.

Học sinh mở bài như sau: Nếu nói một người bất nhân bất nghĩa, nhất định đó là cụm từ để hạ thấp nhân phẩm đạo đức của người đó. Từ xưa đến nay, thánh nhân hiền sĩ đều lấy nhân nghĩa để tự răng mình, Mạnh Tử nói “chết để giữ chữ nghĩa”, Nguyễn Thái Học nói “không thành danh cũng thành nhân”, họ dùng cả tính mạng, sự sống của mình để diễn giải hai chữ “nhân” và “nghĩa”, từ đó chúng ta thấy rằng, nhân và nghĩa là hai tảng đá lát nền cho đời người, muốn làm người ắt phải là người nhân nghĩa.

Theo kiểu qui nạp: Nêu lên những ý nhỏ hơn vấn đề đặt ra trong đề bài rồi tổng hợp lại thành vấn đề nghị luận.

Ví dụ 1: Để suy nghĩ về câu nói: “Học vấn là quả ngọt sinh ra từ cây đắng”, có thể đưa ra luận điểm như sau: Mỗi lần nhìn thấy những chùm quả sai trĩu là trong lòng chúng ta lại có một niềm vui khôn tả, nhưng chúng ta đừng quên có câu ngạn ngữ nói rằng “mùa xuân không trồng, mùa hạ không lớn, mùa thu không thu, mùa đông sẽ không được nếm”. Như vậy có nghĩa là nói những chùm quả sai trĩu kia chính là dựa vào sự lao động cần cù mới có được. Người học phải chăng cũng vậy, chỉ có thông qua sự nỗ lực lao động cần cù mới có thể nắm được những kiến thức phong phú.

Theo kiểu đối lập: Nêu lên một ý trái ngược với ý trong đề bài rồi lấy đó làm cớ để chuyển sang vấn đề cần nghị luận.

Ví dụ: Đối với giai cấp thống trị, Cao Bá Quát là quân phản nghịch, quân giặc cỏ, nhưng đối với nhân dân, ông là một con người khí phách, tài hoa. Từ nguyên mẫu ấy, nhà văn Nguyễn Tuân đã xây dựng nhân vật Huấn Cao, một hình tượng đẹp trong tác phẩm “Chữ người tử tù”.

Theo kiểu tương liên: Nêu lên một ý giống như ý trong đề bài rồi bắt sang vấn đề cần nghị luận. Ý được nêu ra trước thường là tục ngữ, ca dao, danh ngôn hoặc những chân lí phổ biến, những sự kiện nổi tiếng.

Ví dụ: Trong văn học Cách mạng Tháng Tám, đã có không ít tác phẩm viết về những con người không may rơi vào tay giặc, trong nhà lao, trước cái chết vẫn hiên ngang, bất khuất. Thật thú vị là trước Cách mạng Tháng Tám, nhà văn Nguyễn Tuân cũng đã xây dựng thành công một hình tượng tuyệt vời về con người khí phách, tài hoa, trong nhà tù chờ ngày lĩnh án chém – Ông Huấn Cao, một hình tượng đẹp trong tác phẩm “Chữ người tử tù”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.