Viết đơn xin thoát nghèo để tạo động lực vươn lên trong cuộc sống

GD&TĐ - Nhiều hộ dân ở huyện Đăk Tô (Kon Tum) khi cuộc sống ổn định đã tình nguyện viết đơn xin thoát nghèo để nhường sự hỗ trợ cho những gia đình khó khăn hơn.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng gia đình chị Lê Thị Bính vẫn quyết tâm xin thoát nghèo.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng gia đình chị Lê Thị Bính vẫn quyết tâm xin thoát nghèo.

Nhường sự hỗ trợ cho gia đình khó khăn hơn

Ở một số nơi vẫn còn trường hợp có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước để thoát nghèo. Thế nhưng, ở huyện Đăk Tô (Kon Tum) lại có những hộ dân luôn có ý thức tự giác, tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo để chia sẻ sự giúp đỡ của Nhà nước cho những hộ còn khó khăn hơn. Việc làm này tạo ra làn gió mới trong công cuộc giảm nghèo của địa phương.

Chị Lê Thị Bính (38 tuổi, thôn Đăk No, xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô) có 2 người con, trong đó có một cháu bị tim bẩm sinh. Hàng tháng, chi phí thăm khám và thuốc men tốn không ít kinh tế của gia đình.

Để trang trải cuộc sống gia đình, vợ chồng chị Bính cố gắng canh tác 1ha cao su và 5 con bò. Cùng với đó chồng chị Bính cũng đi làm thuê cho một trang trại nuôi heo để tăng thu nhập. Dù vậy, chi phí kiếm được cũng vừa đủ để lo cho gia đình 4 miệng ăn.

Chị Bính bảo rằng, gia đình có dự định viết đơn xin thoát nghèo từ lâu. Thế nhưng thấy cuộc sống gia đình chị còn khó khăn nên nhiều người khuyên ngăn. Nghĩ đến người con thường xuyên đau ốm, sợ không đủ chi phí chạy chữa nên chị lại gạt đi dự định ban đầu.

“Sau nhiều lần suy nghĩ, tháng 9/2023, gia đình tôi quyết tâm viết đơn xin thoát khỏi hộ nghèo để nhường sự hỗ trợ của Nhà nước cho những gia đình khó khăn hơn. Tôi nghĩ rằng nếu mãi nhận sự hỗ trợ thì gia đình chẳng còn động lực để thoát nghèo nữa. Hai vợ chồng còn trẻ, có sức khỏe và đất canh tác thì lo gì túng thiếu. Giờ đây khi đã thoát nghèo chúng tôi sẽ nỗ lực, cố gắng hơn nhiều để phát triển kinh tế, có cuộc sống tốt đẹp hơn. Đối với vợ chồng tôi, việc làm đó rất ý nghĩa, bởi những năm qua, chúng tôi đã nhận được nhiều sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và bà con lối xóm”, chị Bính tâm sự.

Viết đơn xin thoát nghèo dù chưa hết nghèo

Chị Lê Thị Kim xin thoát nghèo để nhường sự hỗ trợ của Nhà nước cho những hộ gia đình khó khăn hơn.

Chị Lê Thị Kim xin thoát nghèo để nhường sự hỗ trợ của Nhà nước cho những hộ gia đình khó khăn hơn.

Cũng trong lá đơn gửi UBND xã Ngọc Tụ, chị Lê Thị Kim (27 tuổi, xã Ngọc Tụ) bày tỏ tinh thần sẻ chia với người cùng hoàn cảnh.

Gia đình chị Lê Thị Kim có 4 người, sống trong căn nhà nhỏ rộng chừng 40m2. Trong nhà chỉ có một số vật dụng thiết yếu, đồ dùng giá trị dường như chẳng có.

Nhà chị Kim có 7 sào đất trồng cà phê được bố mẹ chia cho. Thế nhưng năng suất thấp, giá cả bấp bênh nên thu nhập chẳng được bao nhiêu. Để có tiền trang trải cuộc sống chồng chị Kim phải làm đủ nghề. Cuộc sống với cái nghèo đeo bám, năm 2021 chính quyền địa phương đưa gia đình chị Kim vào diện hộ nghèo và được hưởng tất cả chế độ, chính sách của Nhà nước.

Được sự trợ giúp của Nhà nước và với bản tính chịu khó làm ăn, cuộc sống gia đình chị Kim dần ổn định. Cuối năm 2023, dù còn khó khăn nhưng với suy nghĩ muốn thoát nghèo để bản thân cố gắng, nỗ lực hơn nữa, gia đình tình nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.

“Thoát nghèo đồng nghĩa với việc nhiều khoản hỗ trợ, chi phí bảo hiểm y tế, học phí… của các con không được miễn giảm. Thế nhưng gia đình mình vẫn rất vui vì tự tạo động lực để các thành viên cố gắng. Đất đai, sức khỏe 2 vợ chồng đều có thì không lo các con đói, khát. Nếu cứ thuộc diện hộ nghèo mãi gia đình cũng xấu hổ vì có nhiều hoàn cảnh còn cơ cực hơn. Tôi viết đơn xin thoát nghèo không chỉ giúp gia đình khác tốt lên mà là giúp cho chính mình. Tôi thấy hạnh phúc vì điều đó”, chị Kim chia sẻ.

Ông Nguyễn Thành Luân - Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Tụ cho biết, từ năm 2022 đến nay địa phương có 8 hộ dân tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo. Trong đó có nhiều trường hợp là hộ nghèo người DTTS. Việc người dân xin thoát nghèo có ý nghĩa rất lớn, tiếp thêm động lực, khích lệ các hộ nghèo khác vươn lên phát triển kinh tế.

Theo ông Luân, không chỉ cuộc sống hết khó khăn người dân mới viết đơn xin thoát nghèo mà có những trường hợp mong được tự mình vươn lên, nhường sự hỗ trợ cho những hộ có hoàn cảnh bất hạnh hơn. Đó chính là sự thay đổi lớn từ tư duy đến nhận thức một cách đúng đắn, toàn diện, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.

Đây là những tấm gương tốt, thể hiện sự quyết tâm trong vươn lên thoát nghèo. Hy vọng những lá đơn xin thoát nghèo ở Ngọc Tụ sẽ là làn gió đổi thay, sẽ ngày một nhiều lên, nhân rộng ra nhiều xã trong huyện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ