Việt Bắc - Sự lắng kết của hồn thơ Tố Hữu

GD&TĐ - Thi ca bắt rễ từ cuộc đời, ẩn khuất trong trang thơ là ân tình người cầm bút.

Giờ giảng văn bài thơ “Việt Bắc”.	Ảnh minh họa:IT
Giờ giảng văn bài thơ “Việt Bắc”. Ảnh minh họa:IT

Với Tố Hữu, ân tình nặng sâu ông dành trọn cho lí tưởng cộng sản, cho đất nước, nhân dân thương mến của mình. Bài thơ “Việt Bắc” trở thành đỉnh cao trong sự nghiệp thi ca lẫy lừng của Tố Hữu, thi phẩm cũng là sự lắng kết của một hồn thơ độc đáo, tài ba, đắm say lòng người.

Phải lòng đất nước, nhân dân

“Tôi yêu đất nước và nhân dân tôi, tôi viết về đất nước và nhân dân tôi như viết về người đàn bà tôi yêu”. Đấy là lời tâm sự chí tình, chí nghĩa của một trái tim tự nguyện gắn bó trọn đời với đất nước, nhân dân bằng tình yêu say đắm, thiết tha. Và khi khúc hát trái tim vang ngân, tình yêu đơm hoa kết thành nghệ thuật, Tố Hữu sáng tạo nên những khúc ca vang vọng mãi muôn đời. Tháng 10/1954, sau trận Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, hòa bình lập lại ở miền Bắc, Trung ương Đảng, Chính phủ dời chiến khu cách mạng trở về Thủ đô Hà Nội. Sự kiện trọng đại ấy khơi nguồn cho tứ thơ “Việt Bắc” vút lên ca ngợi đất nước, nhân dân, Đảng, Bác kính yêu trong cuộc kháng chiến chống Pháp trường kì.

Nếu được chọn âm điệu chủ đạo trong khúc ca đi cùng năm tháng “Việt Bắc”, xin được mến yêu giai điệu trữ tình, cảm xúc lắng sâu. Giai điệu ngọt ngào ấy dệt nên tình nghĩa con người bền chặt, sắt son. Gần nhau chia ngọt sẻ bùi, cộng khổ, đồng cam; chia biệt, cách xa ân nghĩa dạt dào:

- Mình về mình có nhớ ta?

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

Mình về mình có nhớ không?

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn.

Câu thơ mở đầu gợi mở không gian chia biệt, vời vợi cách xa. Mới đây, ta bên mình, mình quấn quýt bên ta. Thế mà giờ đây đã hai đầu nỗi nhớ, xa cách ngàn trùng, “Mình về mình có nhớ ta?”. Bốn câu thơ, hai câu hỏi mang đầy tâm trạng. Hỏi để gợi nhắc kỉ niệm gắn bó mặn nồng một thuở đã qua “mười lăm năm ấy”. Hỏi cũng là cách giải bày trăn trở, băn khoăn về ân nghĩa con người. Mai đây về với phố phường hoa lệ, còn nhớ chăng “cây, núi, sông, nguồn” cội rễ nặng sâu? Đáp lại nỗi niềm người đi là ân tình người ở lại. “Bâng khuâng, tha thiết, bồn chồn” đâu nỡ chia xa, muốn nói bao điều sao rưng rưng cảm xúc. Đọng lại trong cái “cầm tay” không lời mà chất chứa cả bể sâu cảm xúc, ân tình. Sắc áo “chàm” đâu dễ nhạt phai, nghĩa tình sâu nặng sao quên cho được. Khoảnh khắc chia tay chan chứa nỗi niềm, luyến lưu, không thể rời xa. Tình nghĩa con người nặng sâu, bền chặt, ngược xuôi chung một tấm lòng, không bao giờ thay đổi. Viết về giây phút chia biệt thiêng liêng ấy, hồn thơ Tố Hữu chạm vào mạch nguồn dân tộc, ngợi ca tình nghĩa thủy chung với tất cả yêu mến, tự hào.

Sau giai điệu mở đầu, bản tình ca vẫn tiếp tục réo rắt tâm hồn. Tố Hữu viết nên những câu thơ tuyệt đẹp, tuyệt hay về thiên nhiên, con người Việt Bắc trong hoài niệm, thăm thẳm nhớ thương. Thiên nhiên khốc liệt “mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù”; thiên nhiên thơ mộng, hiền hòa với “nắng chiều lưng nương, ánh trăng đầu núi”, bản làng bồng bềnh trong sương khói chập chờn. Con người Việt Bắc trong gian khổ “người mẹ nắng cháy lưng” mà lạc quan, sâu nặng nghĩa tình, đoàn kết, sẻ chia. Vẻ đẹp của cảnh, của người Việt Bắc hiện lên đủ đầy nhất trong mười dòng thơ đặc sắc:

Ta về, mình có nhớ ta

Ta về ta nhớ những hoa cùng người

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Rừng thu trăng rọi hoà bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.

Mười câu thơ, dường như ngắt đôi làm hai đoạn. Hai dòng đầu là cảm xúc chung, âm chủ trong bản hòa ca về nỗi nhớ cảnh, nhớ người Việt Bắc. Nỗi nhớ gửi về hai miền đối tượng “hoa cùng người”, hoa tượng trưng cho cảnh, cảnh đẹp hơn bởi in bóng của người. Điệp khúc “nhớ” luyến lưu, ám ảnh, lay động tâm hồn. Người đi ướm hỏi mà để khẳng định lòng mình, nhớ lắm, yêu lắm thiên nhiên con người Việt Bắc một thời gắn bó nặng sâu ân nghĩa.

Tám dòng thơ còn lại, cảnh và người Việt Bắc hiện lên trong vẻ đẹp quấn quýt, giao hòa. Người đẹp trong cảnh, cảnh đẹp có hồn hơn bởi in bóng của người. Câu lục tả cảnh, câu bát tả người. Cảnh bốn mùa Đông - Xuân - Hạ - Thu mỗi mùa một vẻ đẹp, một sắc màu, thanh âm riêng biệt chẳng thể nào trộn lẫn. Giữa màu xanh đại ngàn, sắc đỏ hoa chuối làm cho mùa đông vơi nhiều sự ảm đạm. Xuân đẹp sáng bừng bởi sắc trắng của hoa mơ tinh khiết. Hè sôi động khi cầm ve rộn rã, rừng phách ngập phủ một sắc vàng. Thu đẹp hiền hòa trong ánh trăng huyền ảo, mộng mơ. Cảnh đẹp, người càng đẹp hơn trong công việc lao động, cần mẫn, kiên trì, mà tình nghĩa thủy chung. Kẻ lên nương, người đan nón, cô gái hái măng một mình... Nhỏ bé, khiêm nhường, âm thầm lao động góp sức mình cho kháng chiến thành công. Vậy đấy, cảnh và người Việt Bắc gợi lên trong nỗi nhớ, trong tình yêu tha thiết của người cách mạng về xuôi nên càng đẹp, càng yêu hơn gấp bội phần.

Khúc tình ca sâu lắng, trữ tình là kết quả của tình yêu đất nước, nhân dân. Tình yêu đó dội vang thành điệp khúc tự hào ngợi ca cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc. Những ngày đầu khó khăn, gian khó bộn bề nhanh chóng đi qua. Kết cục là khí thế hào hùng và chiến công vang dội:

Những đường Việt Bắc của ta

Ðêm đêm rầm rập như là đất rung

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan

Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.

Nghìn đêm thăm thẳm sương dày

Ðèn pha bật sáng như ngày mai lên.

Tin vui chiến thắng trăm miềm

Hoà Bình, Tây Bắc, Ðiện Biên vui về

Vui từ Ðồng Tháp, An Khê

Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.

Nếu “Việt Bắc” là bản hùng ca thì mười mấy dòng thơ trên là điệp khúc sôi nổi nhất trong khúc sử thi về một thời oanh liệt. Nỗi nhớ hòa cùng niềm tự hào, kiêu hãnh về cuộc sống sôi động, hào hùng nơi chiến khu cách mạng. Tình yêu với Đảng, cách mạng, kháng chiến tiếp sức cho ngòi bút sử thi của Tố Hữu khắc họa thành công vẻ đẹp kì vĩ của quân dân ta trên đường ra trận. Hào khí lay trời chuyển đất, tầm vóc sánh ngang tầm vũ trụ của người dân đất Việt được chạm khắc đủ đầy. “Quân đi điệp điệp trùng trùng. Dân công đỏ đuốc từng đoàn, Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay”. Đẹp lồng lộng giữa bom rơi đạt nổ. Một chuỗi từ láy “rầm rập, điệp điệp, trùng trùng”; lối viết cường điệu “bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay” được nhà thơ sử dụng đắc địa nhằm ngợi ca khí thế hào hùng, oanh liệt một thời chiến chinh. Khí thế ấy sẽ làm nên chiến thắng dội vang khắp nẻo núi sông. Sau mỗi chiến công, người ta thêm yêu mến, tự hào dân tộc, tự hào về đất nước anh hùng.

Cảnh và người Việt Bắc hiện lên trong vẻ đẹp quấn quýt, giao hòa. Ảnh minh họa: IT
Cảnh và người Việt Bắc hiện lên trong vẻ đẹp quấn quýt, giao hòa. Ảnh minh họa: IT

Đậm đà màu sắc dân tộc

“Một nghệ sĩ chỉ có thể coi là nhà văn mẫu mực của dân tộc nếu tác phẩm của anh ta thấm nhuần tính dân tộc” (Gớt). Ngẫm lại toàn bộ sự nghiệp thi ca của Tố Hữu, hình như sức sáng tạo của ông không phải ở sự tìm kiếm cái mới mà đi tìm trầm tích trong bề sâu cội nguồn dân tộc. Thế nên, mỗi trang thơ ông viết mang điệu hồn, hơi thở của đồng đất quê hương thân thuộc bao đời. “Việt Bắc” là bài thơ mang sắc màu dân tộc đậm đà xét ở cả hai phương diện nội dung cũng như hình thức nghệ thuật.

Khơi nguồn từ một sự kiện chính trị của đất nước, bài thơ phản ánh những vấn đề trọng đại của cộng đồng. Đó là đời sống, tình cảm cách mạng, tái hiện chân thực chặng đường lịch sử vẻ vang thời đánh Pháp gian khổ hào hùng. Đặc biệt, với khúc tình ca “Việt Bắc”, Tố Hữu đã khơi sâu mạch nguồn truyền thống dân tộc đó là đạo lí thủy chung, ân nghĩa “uống nước nhớ nguồn” vốn có từ ngàn xưa trong nếp sống ông cha. Bản hùng ca hòa cùng giai điệu tình ca quyến rũ say mê. Chính trị mà sâu thẳm trữ tình, chan chứa yêu thương.

Màu sắc dân tộc đậm đà trong “Việt Bắc” được biểu hiện qua hình thức kết cấu độc đáo, quen thuộc trong ca dao trữ tình. Lối kết cấu đối đáp người xưa hay sử dụng để thổ lộ tình cảm lứa đôi được Tố Hữu vận dụng truyền tải nghĩa tình cách mạng. Vấn đề chính trị trong thơ bỗng nhiên mang âm hưởng trữ tình, sâu lắng ngọt ngào như lời lẽ giữa hai người yêu nhau nay chia biệt cách xa. Cặp đại từ mình - ta phổ biến trong ca dao được sử dụng nhuần nhuyễn, tinh tế, chuyển hóa cho nhau một cách tài hoa. “Ta với mình, mình với ta. Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh. Mình đi, mình lại nhớ mình. Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu...”. Mình ta, ta mình xoắn xuýt, khó lòng tách bạch.

Một dấu hiện làm nên màu sắc dân tộc trong bài “Việt Bắc” là cách sử dụng thể thơ lục bát truyền thống. Đọc thơ lục bát của Tố Hữu, người ta như được trở về với điệu hồn dân tộc trong ca dao ngàn xưa, trong kiệt tác “Truyện Kiều” mấy trăm năm về trước. Đâu chỉ vậy, nhà thơ còn vận dụng uyển chuyển, sáng tạo thể thơ truyền thống. Cách ngắt nhịp, gieo vần mang dấu ấn riêng tinh tế tài hoa. Khi nhịp đôi như cách ngàn xưa (Mình về/ mình có/ nhớ ta); khi nhịp lẻ như khoảng không ngập ngừng luyến nhớ khôn nguôi (Cầm tay nhau/ biết nói gì hôm nay). Ngoài ra, vẻ đẹp tính dân tộc trong bài thơ còn được bộc lộ trong cách sử dụng hình ảnh, lối so sánh, ẩn dụ, hoán dụ quen thuộc trong ca dao. Tất cả tạo nên sắc màu riêng trong một thi phẩm độc đáo in đậm phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu, trữ tình chính trị, đậm đà tính dân tộc.

Sáng tạo nghệ thuật đòi hỏi người nghệ sĩ mang cốt cách của con ong biến trăm hoa thành mật ngọt. Với Tố Hữu, mật ngọt ấy được ông tìm kiếm, khai phá trong bề sâu văn hóa dân tộc. Qua bài thơ “Việt Bắc”, người đọc còn nhận thấy một điều thú vị: Tố Hữu đã khéo léo kết hợp được “cái hơi dân tộc” với “màu sắc hiện đại” để tạo nên sự kết tinh mới cho thơ ông. Vậy nên, “Việt Bắc” quen mà lạ, độc đáo đâu dễ gì hòa lẫn với những tứ thơ đương thời.

Vang mãi với thời gian

Chiến tranh đã đi xa, cuộc sống bình yên. Thi ca ngày nay rẽ sang một lối mới, đậm đặc chất thế sự. Cảm hứng về cách mạng, về đất nước, nhân dân vẫn còn đó song ít nhiều phải nhường bớt cho chuyện thế sự, đời tư. Thế nhưng, thơ Tố Hữu vẫn có một vị trí riêng, vững chắc trong lòng bạn đọc bấy lâu. Trọn đời cầm bút, sơn ca nhỏ bé ấy hát vang lí tưởng, ngợi ca đất nước nhân dân với bao nồng nàn, say đắm. Đóng góp quan trọng ấy đưa Tố Hữu trở thành lá cờ đầu của nền thơ ca cách mạng Việt Nam thế kỉ XX. Sẽ là một khoảng trống lớn nếu thi đàn dân tộc thiếu vắng những vần thơ của người con xứ Huế, mang nặng ân tình với đất nước, nhân dân, với Đảng, Bác kính yêu.

“Việt Bắc” là bài thơ trong cả mấy trăm bài thơ Tố Hữu lưu lại cho đời. Song đây là thi phẩm có chỗ đứng đặc biệt trong sự nghiệp thơ ca lừng danh của ông. Khúc ca chứa chan tình yêu quê hương, đất nước, đậm đà màu sắc dân tộc ấy chắc chắn sẽ vang mãi trong trái tim những người yêu thơ, yêu đất mẹ Việt Nam bất khuất, anh hùng mà nhân nghĩa, thủy chung.

“Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu” (L.Ton-xtoi). Bài thơ “Việt Bắc”, đỉnh cao trong sự nghiệp thơ Tố Hữu, thành quả ngọt ngào của thơ ca kháng chiến chống Pháp chính là thành quả của một tình yêu lớn. Tình yêu thi nhân dành trọn cho đất nước, nhân dân, cách mạng. Tình yêu nặng sâu nâng cánh cho hồn thơ, giúp ông viết nên khúc tình ca đắm say và bản hùng ca thiêng liêng về cuộc kháng chiến và con người kháng chiến. Từ đó sáng mãi trong ta niềm yêu mến, tự hào về năm tháng đã qua của lịch sử dân tộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ