Viện Dược liệu: Tự hào 40 năm đào tạo tiến sĩ cho ngành

GD&TĐ - Viện Dược liệu được thành lập ngày 13/4/1961. Sau 18 năm, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 93/TTg ngày 27/3/1979 giao trách nhiệm cho Viện Đào tạo sau đại học với 2 chuyên ngành: Đông dược – Thuốc nam và Dược lý. 

PGS.TSKH Viện trưởng Nguyễn Minh Khởi trao bằng cho các Tiến sĩ Dược học.
PGS.TSKH Viện trưởng Nguyễn Minh Khởi trao bằng cho các Tiến sĩ Dược học.

Sau 40 năm vận hành, Viện tự hào về công tác đào tạo tiến sĩ với những thành quả lớn đóng góp cho nền y học nước nhà.

Xác định, đây là vinh dự, đồng thời là trách nhiệm lớn lao mà Chính phủ giao phó, Viện Dược liệu luôn nỗ lực cho mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ đáp ứng yêu cầu đặc biệt của ngành y tế nói chung và ngành dược nói riêng, hội nhập quốc tế.

40 năm qua, công tác đào tạo sau đại học của Viện đã khẳng định được vị thế và vai trò không thể thiếu trong việc bổ sung nguồn lực đi kèm với các sản phẩm hữu ích cho xã hội.

Tính đến thời điểm này, Viện đã đào tạo được 37 tiến sĩ, trong đó chuyên ngành: Dược liệu - Dược học cổ truyền (30) và Dược lý - Dược lâm sàng (7). Đối tượng nghiên cứu của các luận án chủ yếu là các dược liệu được sử dụng theo kinh nghiệm dân gian và YHCT được nghiên cứu, chứng minh tác dụng theo khoa học hiện đại, từ đó làm cơ sở phát triển thành thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có ý nghĩa thiết thực.

Nói về đóng góp xã hội từ các sản phẩm từ các luận án tiến sĩ, PGS.TSKH Nguyễn Minh Khởi – Viện trưởng Viện Dược liệu cho biết: “Từ kết quả các đề tài luận án đã có rất nhiều sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng do Viện Dược liệu và một số công ty sản xuất được thị trường đón nhận, góp phần quan trọng vào công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trong đó, có một số đề tài luận án đã được phát triển và ứng dụng rất thành công trong thực tế”.

Từ kết quả nghiên cứu của các luận án đã có hàng trăm bài báo được công bố trên các tạp chí chuyên ngành uy tín. Trong 5 năm gần đây, các đề tài NCS của Viện đã công bố khoảng 20 bài báo quốc tế (trên các tạp chí ISI) và khoảng 60 công bố trên các tạp chí chuyên ngành trong nước. Điều này cho thấy chất lượng nghiên cứu của các luận án NCS thực hiện tại Viện ngày càng được nâng cao và hội nhập trình độ quốc tế.

Thông qua hoạt động đào tạo NCS, Viện Dược liệu cũng tăng cường hợp tác đào tạo với rất nhiều đơn vị trường, viện nghiên cứu uy tín khác trong và ngoài nước.

Nhìn lại chặng đường 40 năm đào tạo sau đại học của Viện Dược liệu, cán bộ, nhân viên có thể tự hào với những kết quả đã đạt được. Ngoài 37 NCS tốt nghiệp, hiện đang có 22 NCS theo học 2 chuyên ngành Dược liệu - Dược học cổ truyền và Dược lý - Dược lâm sàng.

Đội ngũ cán bộ khoa học kiêm giảng viên cơ hữu (5 PGS, 1 TSKH, 25 TS) được đào tạo bài bản từ nhiều nền khoa học tiên tiến (Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Úc…) cùng với các trang thiết bị, điều kiện giảng dạy và học tập lý tưởng Viện có đầy đủ điều kiện để phát huy truyền thống và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo sau đại học được giao.

Các tiến sĩ tốt nghiệp từ Viện Dược liệu đã và đang phát huy tốt vai trò trong các cơ quan Trung ương, địa phương; nhiều tiến sĩ đã trở thành những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nghiên cứu dược liệu, tiếp tục thực hiện công tác đào tạo các thế hệ NCS.

Những tín hiệu đáng mừng này chính là kết quả của định hướng đúng đắn và quyết tâm nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ của Viện Dược liệu. Chia sẻ về định hướng hoạt động công tác đào tạo tiến sĩ giai đoạn 2019 – 2029, PGS.TSKH Viện trưởng Nguyễn Minh Khởi cho biết: “Bằng các giải pháp cụ thể, Viện sẽ tập trung nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, đáp ứng yêu cầu đặc biệt của ngành y tế nói chung và ngành dược nói riêng trong thời kỳ mới”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.