Theo đó, có 56 ứng viên được tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu phê duyệt tham gia chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài của tỉnh giai đoạn 2010-2015. Ngân sách nhà nước chi cho chương trình hơn 50 tỉ đồng. Chi phí bình quân cho mỗi trường hợp tham gia là khoảng 1,5 tỉ đồng/ người cho đào tạo thạc sĩ và 3 tỉ đồng người cho đào tạo tiến sĩ. Ứng viên tham gia đều ký hợp đồng trách nhiệm với tỉnh, có gia đình bảo lãnh. Trong trường hợp rút khỏi chương trình không hoàn thành khóa học theo thời gian quy định, ứng viên và gia đình phải bồi thường toàn bộ kinh phí đào tạo trong thời gian chậm nhất là 6 tháng, kể từ ngày có văn bản đề nghị bồi thường của cơ quan có thẩm quyền tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.
Trong số các ứng viên, đã có 39 trường hợp tốt nghiệp và đang được bố trí làm việc trong các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. Còn 3 trường hợp đang học tại nước ngoài chưa xong. Hiện, vì hiệu quả chưa cao nên chương trình tạm thời ngừng không triển khai tiếp giai đoạn sau.
Có 14 trường hợp xin rút khỏi chương trình. Sở Nội vụ đã gặp gỡ, động viên, tháo gỡ khó khăn nhưng những trường hợp này vẫn xin rút và theo hợp đồng buộc phải hoàn trả chi phí đào tạo cho ngân sách Nhà nước. Tính đến tháng 5/2019, còn 5 ứng viên chưa toàn tất việc trả nợ dù đã có quyết định yêu cầu trả nợ gần ba năm.
Bà Phạm Thị Hảo, Phó trưởng Phòng Công chức, Viên chức Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, căn cứ hợp đồng trách nhiệm, UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu chỉ đạo Sở Nội vụ chuyển hồ sơ khởi kiện dân sự tại Tòa án nhân dân tỉnh để tiếp tục xử lý thu hồi nợ. Tỉnh cũng yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có ứng viên chậm trả nợ có biện pháp nhắc nhở, xử lý. Cụ thể, đối với trường hợp ứng viên là công chức, viên chức đang công tác tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc tỉnh, Sở Nội vụ gửi thông báo về lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng lao động để phối hợp, đôn đốc, nhắc nhở công chức, viên chức tự giác hoàn trả kinh phí. Đồng thời, Sở Nội vụ đề nghị có hình thức đánh giá kết quả công tác của công chức, viên chức không tự giác thực hiện nghĩa vụ tài chính như đã cam kết với tỉnh.
Đối với những ứng cử viên là sinh viên tự do nhưng do có bố hoặc mẹ là công chức viên chức trong các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nội vụ gửi thông báo về lãnh đạo đơn vị nơi bố hoặc mẹ đang công tác để phối hợp đôn đốc; đề nghị cơ quan, đơn vị phối hợp với Sở Nội vụ, Tòa án tỉnh để thực hiện các biện pháp thu hồi các khoảng nợ do bố hoặc mẹ đã ký bão lãnh cho con theo học chương trình của tỉnh.
Trong số 5 trường hợp, có người không thể theo học tiếp dù rất mong muốn, bởi điều kiện kinh tế khó khăn và đã có đơn xin trả nợ dần, Tỉnh cũng chia sẻ và có hướng giải quyết hỗ trợ từng trường hợp. Tuy nhiên, vẫn phải khởi kiện ra tòa để có cơ sở xem xét giải quyết từng trường hợp cụ thể.