Việc làm sau tốt nghiệp: Những rào cản cần tháo gỡ

GD&TĐ - Việc làm sau tốt nghiệp của sinh viên luôn là một trong những quan tâm hàng đầu của các nhà trường. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi làm thế nào để đào tạo được các tân cử nhân, kỹ sư ra trường có việc làm tỷ lệ cao nhất thì vẫn là… cố gắng lớn của không ít trường.

Việc làm sau tốt nghiệp:  Những rào cản cần tháo gỡ

Kỹ năng là rất quan trọng

Không quen với trang thiết bị hiện đại, thiếu hụt kỹ năng mềm, kỹ năng ngoại ngữ yếu là những điểm yếu của lao động trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây cũng lại là điểm yếu của không ít các tân cử nhân, kỹ sư khi ra trường.

Hiện nay, để nâng cao chất lượng đào tạo, nhiều trường đã chú trọng hơn đến việc đào tạo kỹ năng kỹ thuật liên quan nhiều đến việc thực hành, thực tập và trải nghiệm trong thực tế.

Đây là việc làm rất thiết thực như với các ngành kỹ thuật, công nghệ đòi hỏi lao động phải quen thuộc với máy móc thiết bị mới, muốn như vậy thì không có cách gì khác là sinh viên cần được thực hành, bởi đây là nền tảng của việc hình thành kỹ năng nghề nghiệp sau này.

Tại các phiên giao dịch việc làm, theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, họ rất mong tìm kiếm được lao động có tay nghề tốt, thế nên đến với các hội chợ việc làm là họ muốn tuyển dụng trực tiếp.

Cơ hội tuyển chọn nhiều, cho dù là “đãi cát tìm vàng” may mắn tuyển được người đáp ứng đủ tiêu chí của doanh nghiệp; còn không thì cũng đặt hàng với nhà trường, có khi ngay cả với sinh viên, yêu cầu bạn đó năm cuối bổ sung những kỹ năng cần thiết để sau khi tốt nghiệp đến doanh nghiệp kiểm tra lại, nếu đáp ứng thì sẽ tuyển dụng.

Cũng có ý kiến cho rằng, đầu tư thấp là rào cản của việc trang bị đầy đủ kỹ năng cho người học. Điều này chỉ đúng với các kỹ năng nghề nghiệp liên quan đến kỹ thuật máy móc hiện đại chứ không phải là những kỹ năng mềm, khả năng ngoại ngữ, tin học phổ thông là những điều kiện tối thiểu doanh nghiệp yêu cầu.

Làm gì để lấp chỗ trống?

Có rất nhiều phương pháp và cách thức để có thể trang bị kỹ năng mềm cho sinh viên, như việc hình thành các nhóm sinh viên, theo học ngành nghề khác nhau, cùng sinh hoạt chung trong nhóm nghề nghiệp đó với các buổi ngoại khóa chuyên môn... và đương nhiên khi các bạn chưa hình thành được thói quen đó thì phải có giảng viên, cán bộ Đoàn ở bên cạnh, các thầy cô anh chị phải có kỹ năng huấn luyện sinh viên.

Thêm nữa, việc tăng thời lượng kiến tập hay thực tập là một trong những cách thức để đưa kiến thức và kỹ năng đến với sinh viên. Thực tế cho thấy, nhiều trường đã chủ động mời doanh nghiệp đến cùng tham gia như một tác nhân quan trọng của tiến trình đào tạo.

Họ chủ động để sinh viên được tiếp cận nhiều nhất với thực tế công việc, đưa sinh viên năm thứ hai hay năm cuối đi thực tập, làm quen với công việc vì mỗi đợt đi thực tập nghề nghiệp ở ngoài trường là một lần sinh viên có cơ hội trải nghiệm, vận dụng kiến thức đã học vào thực tế.

Về vấn đề này, ông Đào Đăng Phượng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương chia sẻ quan điểm: Một trong các lý do tạo nên làn sóng “cử nhân thất nghiệp” chính là vấn đề tiếng Anh.

Chúng ta đều biết tiếng Anh được xem như là tấm vé thông hành trong tất cả mọi ngành nghề trong thời kỳ hiện đại. Sinh viên cũng thiếu kỹ năng mềm, đây là kỹ năng thuyết phục, kỹ năng làm việc theo nhóm (lắng nghe và hợp tác với đồng nghiệp), kỹ năng cập nhật kiến thức mới, kỹ năng kiểm soát cái tôi, kỹ năng giải quyết vấn đề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các xạ thủ phòng không Ukraine thuộc Lữ đoàn cơ giới 93.

Tham nhũng khiến binh sĩ vỡ trận?

GD&TĐ - Theo chuyên gia Vadim Kozyulin, nạn tham nhũng đang đẩy nhanh cuộc rút lui của quân đội Ukraine hơn là tình trạng thiếu vũ khí hiện nay.