Một nội dung tuy không mới nhưng vô cùng có ý nghĩa, tác dụng lớn trong cuộc đấu tranh loại bỏ nạn tham nhũng vô cùng nguy hiểm của thời đại, được dư luận xã hội đánh giá rất cao.
Từ năm học 2013 - 2014, nội dung học PCTN chính thức được thực hiện đại trà trên tất cả các cơ sở GD từ bậc THPT đến ĐH. Dù chưa có đánh giá cụ thể, nhưng theo ý kiến của các trường, thì học sinh, sinh viên rất hào hứng với nội dung học về PCTN.
Đó có thể xem là sự thành công quan trọng trong bước đi ban đầu khẳng định việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tuy là một việc làm nhỏ, nhưng có tác dụng rất lớn trong việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm và xây dựng thái độ, ý thức tự giác cho cán bộ, công chức, HS, SV đấu tranh PCTN.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, đến nay việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở GD-ĐT trên cả nước còn chậm và nhiều bất cập.
Một trở ngại lớn đang làm cho nội dung học về PCTN thiếu tính thuyết phục đó là, trong nhà trường vẫn còn một số hành vi tham nhũng xảy ra, mặc dù không phổ biến và thiệt hại về kinh tế cũng không nhiều, song đã gây nên hậu quả xấu về nhiều mặt, phần nào làm giảm uy tín của ngành, cũng như uy tín và danh dự của các nhà giáo, cán bộ quản lý GD, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với một số cơ sở GD, tạo nên những vật cản cho quá trình phát triển của GD nước nhà...
Ngay trong lĩnh vực thực hiện các khoản thu từ GD mầm non đến ĐH cũng đang gây nhiều bức xúc trong xã hội. Qua một số vụ việc có hành vi vi phạm đã được phát hiện và xử lý cho thấy, các vi phạm chủ yếu là tự đặt ra các khoản thu đầu năm, đầu cấp ngoài quy định; mượn danh nghĩa Hội Cha mẹ HS và gây quỹ các đoàn thể để ép các bậc cha mẹ học sinh và học sinh đóng góp; thực hiện thu học phí của các lớp không chính quy….
Để việc giảng dạy PCTN trong trường học có hiệu quả, các trường cần phải tiếp tục quán triệt và nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục về PCTN; chỉ đạo và thực hiện quyết liệt và có biện pháp tích cực, hiệu quả hơn nữa trong thực hiện Chỉ thị 10; phải coi GD PCTN là một hình thức GD đặc biệt vừa phải bền bỉ, vừa phải quyết liệt và sự vào cuộc theo đúng tinh thần của công văn mà Bộ GD&ĐT yêu cầu…
Một việc hết sức quan trọng nữa là, để trường học có thể giáo dục nên những thế hệ không có tham nhũng, biết PCTN trong tương lai thì chính trường học trước tiên phải không có tham nhũng.
Điều đó càng đòi hỏi ở mỗi thầy cô giáo, mỗi người làm công tác GD, mỗi nhà trường phải là những tấm gương trong đấu tranh PCTN và trong nhận thức và hành động rèn luyện tu dưỡng đạo đức của đội ngũ nhà giáo, biết vận dụng và thực hiện tốt việc: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, trách nhiệm trong các hoạt động dạy và học; đấu tranh với tiêu cực học đường; đoàn kết giúp đỡ đồng nghiệp, yêu nghề, thương yêu học sinh….
Nói cách khác, mỗi nhà trường, mỗi thầy cô hãy bắt đầu bằng công việc từ chính trách nhiệm công dân của mình để chung tay loại bỏ nạn tham nhũng khỏi cuộc sống.