Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đã có những chia sẻ xung quanh những giải pháp này.
Tỷ lệ thanh niên được tiếp tục học tập sau trung học của Việt Nam thấp hơn khu vực và thế giới
PV: Bà đánh giá như thế nào về kết quả khảo sát của Bản tin thị trường lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng cục Thống kê công bố mới đây, trong đó có đưa ra con số lạc quan hơn về tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động có trình độ đại học trở lên?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Tôi cho rằng đây là tín hiệu đáng mừng vì số việc làm đã được tạo ra nhiều hơn để tăng cơ hội, tỷ lệ có việc làm cho người lao động, nhất là lao động đã qua đào tạo.
Tỷ lệ thất nghiệp do Bộ LĐTB&XH công bố là tính trên tổng số người trong độ tuổi lao động chứ không phải số sinh viên vừa tốt nghiệp. Như vậy, con số thất nghiệp giảm vừa thể hiện tương quan cung cầu lao động trên thị trường đã trở nên tốt hơn, vừa cho thấy những cố gắng, nỗ lực của ngành Giáo dục trong thời gian gần đây đã có phản hồi tích cực từ thị trường lao động.
Cụ thể, từ năm 2016, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các trường khảo sát tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm, công bố trên trang thông tin điện tử của trường. Và bắt đầu từ năm 2018, các trường phải công bố trong đề án tuyển sinh tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 khóa gần nhất so với năm tuyển sinh.
PV: Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực song trên thực tế vẫn còn một số lượng khá lớn cử nhân, thậm chí thạc sĩ thất nghiệp hoặc phải làm trái ngành nghề hay phải giấu bằng cấp để làm những công việc đơn giản. Theo bà, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Tình trạng lao động có trình độ thất nghiệp có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến những khó khăn của nền kinh tế nói chung dẫn đến khó khăn trong sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, khó khăn trong thu hút đầu tư. Ngoài ra, công tác dự báo nhu cầu và quy hoạch nguồn nhân lực chưa hiệu quả cũng là nguyên nhân dẫn tới cơ cấu nhân lực được đào tạo chưa hợp lý so với yêu cầu của sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Về phía ngành Giáo dục, chúng tôi cũng nhận ra một số nguyên nhân chủ quan như sau:
Thực hiện mục tiêu“đạt tỷ lệ 450 sinh viên/1 vạn dân vào năm 2020” để ngang bằng với tỷ lệ sinh viên của các nước trong khu vực dẫn đến số lượng các trường và quy mô đào tạo tăng nhanh nhưng các điều kiện đảm bảo chất lượng chưa được quan tâm tương xứng, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Các biện pháp quản lý giáo dục hiện đại như triển khai hệ thống kiểm định các cơ sở giáo dục đại học; ban hành khung trình độ quốc gia tương thích với khung trình độ tham chiếu của khu vực để làm cơ sở xây dựng chuẩn đầu ra phù hợp để sinh viên tốt nghiệp có tính cạnh tranh trên thị trường lao động chỉ mới được triển khai trong thời gian gần đây nên chưa phát huy ngay được hiệu quả.
Sinh viên chưa được rèn luyện kỹ năng tham gia thị trường lao động hiện đại, đặc biệt là kỹ năng khởi nghiệp, tự tạo viêc làm cho mình và cho người khác; kỹ năng thích ứng với mọi biến động trong môi trường làm việc cũng như sự linh hoạt để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của từng doanh nghiệp, ngành sản xuất, cả ở trong nước và trên thế giới; trình độ ngoại ngữ thấp giảm cơ hội việc làm trong thời kỳ hội nhập.
PV: Cả nước hiện có 271 trường đại học với khoảng 1,7 triệu sinh viên. So với tổng số dân 95 triệu người, con số này phải chăng là quá lớn và chính việc chạy theo số lượng tuyển sinh mà coi nhẹ chất lượng đào tạo ở một số trường là nguyên nhân chính dẫn tới số lượng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Theo số liệu của UNESCO năm 2014, tỷ lệ thanh niên được tiếp tục cơ hội học tập sau trung học của Việt Nam mới chỉ đạt 30,5%; còn thấp hơn mức trung bình của các nước trong khu vực ĐNA (31,2%) và thấp hơn nhiều so với các nước phát triển (Châu Âu là 70,5%). Như vậy, chưa thể nói là VN đã có nhiều trường ĐH, nhiều SV quá mức cần thiết.
Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn một cách tổng thể để có cách giải quyết toàn diện hơn vì con số thất nghiệp được công bố không chỉ bao gồm số sinh viên mới tốt nghiệp, mà là tổng số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động. Vì vậy, các nguyên nhân từ nền kinh tế cũng chi phối rất lớn. Do đó, kích cầu lao động cần phải tiến hành đồng bộ với các biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo, chấn chỉnh và từng bước loại bỏ các cơ sở đào tạo kém chất lượng mà ngành Giáo dục đang tích cực thực hiện.
Mọi khâu cần có sự tham gia của đơn vị sử dụng lao động
PV: Gần đây khi giải thích cho việc có tỉ lệ nhất định sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm người ta thường đưa ra một lý do rất “truyền thống” là đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Theo bà, tại sao sinh viên tốt nghiệp và nhà tuyển dụng chưa gặp được nhau?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Có hai nguyên nhân chính cho tình trạng sinh viên tốt nghiệp và doanh nghiệp chưa gặp nhau.
Thứ nhất, các cơ sở đào tạo chưa kết nối với doanh nghiệp như một yêu cầu tất yếu để phát triển chương trình, tổ chức đào tạo, đánh giá sinh viên đạt chuẩn đầu ra trước khi họ tham gia vào thị trường lao động.
Thứ hai, về phía doanh nghiệp cũng chưa xem việc hợp tác với các cơ sở đào tạo là cách hữu hiệu để tuyển dụng lao động đáp ứng yêu cầu sử dụng và cũng là thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Để doang nghiệp và sinh viên đến gần nhau hơn, Nhà nước cần có chính sách để kiến tạo, kết nối, hỗ trợ các bên hợp tác với nhau như: quy định trong chính sách thuế, ưu đãi đầu tư, xếp hạng doanh nghiệp… đối với các doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo nhân lực để khuyến khích những doanh nghiệp này.
Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cũng đã quy định các trường ĐH phải hợp tác với bên sử dụng lao động để phát triển chương trình đào tạo trong Thông tư 07/2015; đưa nội dung hợp tác danh nghiệp thành tiêu chí để công nhận trường đạt chuẩn quốc gia trong Thông tư 24/2015; Chính phủ cũng đưa tiêu chí này để xếp hạng các trường ĐH trong Nghị định 73/2015.
PV: Theo bà, các trường đại học cần thay đổi chương trình đào tạo như thế nào để đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng lao động, đặc biệt là đào tạo nhân lực đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Xu hướng hiện nay và trong tương lai là các ngành nghề truyền thống không còn sử dụng nhiều lao động mà thay thế vào đó là máy móc tự động và robot có thể kết nối vạn vật để thay thế con người.
Trong bối cảnh đó, các trường phải chủ động xây dựng chương trình đào tạo một cách linh hoạt trên cơ sở tham khảo chương trình đào tạo của các nước phát triển; hợp tác đào tạo song phương với các trường đại học nước ngoài để xây dựng chương trình đào tạo tiên tiến, cập nhật thường xuyên tiến bộ khoa học của ngành đào tạo cho phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Khi mở ngành mới, xác định chỉ tiêu tuyển sinh, các trường phải khảo sát và căn cứ vào nhu cầu của thị trường lao động. Hàng năm, các trường phải điều chỉnh, cập nhật chương trình đào tạo; định kỳ sau 5 năm phải rà soát tổng thể, chỉnh lý, bổ sung, ban hành lại chương trình mới để đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động; phải căn cứ vào yêu cầu của các vị trí việc làm để xác định các môn học phù hợp nhằm trang bị cho sinh viên kiến thức, kỹ năng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; phải hợp tác với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động nhằm cập nhật công nghệ mới trong quá trình giảng dạy… tạo ra môi trường làm việc thực sự ngay trong nhà trường để sinh viên có cơ hội thực tập và trải nghiệm.
Như vậy, từ khâu xác định mục tiêu, xây dựng chuẩn đầu ra cho tới thiết kế các khối kiến thức, các môn học, lựa chọn phương pháp giảng dạy, đánh giá kết quả học tập của người học… đều cần có sự tham gia của các đơn vị sử dụng lao động.
Sát nhập, giải thể các trường đại học kém hiệu quả
PV: Về phía mỗi sinh viên, theo bà, các em cần phải chủ động như thế nào để tự tạo ra cơ hội việc làm tốt cho bản thân?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, các sinh viên cần chủ động trang bị cho mình hành trang cho cuộc sống cũng như công việc. Các em cần tìm hiểu môi trường, yêu cầu của nghề nghiệp mà các em xác định theo đuổi để từ đó tự học hỏi qua sách, qua bạn bè, nhóm làm việc… để tự trang bị, cập nhật kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp.
Quá trình học trong trường chỉ là trang bị tư duy nghề nghiệp và nguyên lý, kiến thức nền tảng cho tất cả các sinh viên. Trong đó, chỉ có người nào tận dụng được cơ hội học tập, thường xuyên nỗ lực tự học suốt đời và liên tục biết tự cập nhật kiến thức kỹ năng mới thì người đó mới thành công.
Các trường cũng cần quan tâm thay đổi nội dung, chương trình phương pháp giảng dạy để giúp các em sinh viên có thể học tập - làm việc ngay khi còn trong trường đại học.
Mô hình học tập dựa trên dự án là một mô hình đang được áp dụng ở một số quốc gia phát triển. Các trường có thể tham khảo để giúp các em sinh viên rèn luyện kỹ năng mềm song song với chương trình học chính khóa.
PV: Về lâu dài, phải làm thế nào để kiểm soát tốt và nâng cao chất lượng đào tạo bậc đại học, biện pháp nào sẽ được triển khai để số cử nhân thất nghiệp giảm xuống, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Như tôi đã trao đổi ở trên, sinh viên tốt nghiệp chưa tìm được việc làm không chỉ do nguyên nhân về chất lượng đào tạo mà còn phụ thuộc nhiều vào tình hình phát triển kinh tế xã hội và sự biến động của nền kinh tế thế giới. Điều đó đòi hỏi cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để thu hút đầu tư, tăng cầu lao động.
Đối với ngành Giáo dục, nhiều biện pháp cũng đang được triển khai để giảm tỷ lệ thất nghiệp đối với các lao động đã qua đào tạo.
Ở cấp ngành, Bộ GD&ĐT đã và đang triển khai các nhiệm vụ lớn đối với giáo dục đại học như quy hoạch mạng lưới, trong đó, định hướng giảm đầu mối, sáp nhập, giải thể các cơ sở đào tạo kém hiệu quả, tập trung đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục đại học hoạt động có chất lượng và hiệu quả; xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển giáo dục đại học, chỉnh sửa luật giáo dục đại học; khảo sát và công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm, hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên; thực hiện tự chủ đại học để tạo sự cạnh tranh trong việc phát huy nội lực và sự sáng tạo của tất cả các trường… để nâng cao chất lượng đào tạo.
Về phía các cơ sở giáo dục đại học, các trường đang tập trung thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo như phát triển đội ngũ giảng viên, tăng cường cơ sở vật chất, tăng cường kết nối doanh nghiệp, phát triển chương trình đào tạo, kiểm soát chất lượng đầu vào, chất lượng quá trình đào tạo và chất lượng đầu ra… trong đó, đặc biệt nhấn mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục theo các tiêu chuẩn kiểm định tiệm cận với tiêu chuẩn khu vực ASEAN và khảo sát, công bố và nâng cao tỷ lệ có việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp.
Theo quy chế tuyển sinh, kể từ năm 2018, các trường phải công bố tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 khóa gần nhất so với năm tuyển sinh (theo nhóm ngành). Những trường khảo sát không trung thực hoặc không công khai tỷ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp theo quy định sẽ không được thông báo tuyển sinh.
PV: Xin cảm ơn bà!