Nhằm tạo nguồn giáo viên chất lượng cao (CLC) cũng như bổ sung đội ngũ dạy học Chương trình GDPT 2018, một số địa phương đã đặt hàng đào tạo sinh viên sư phạm. Tuy nhiên, khi những sinh viên “CLC” cũng như nhiều sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm khác cũng rơi vào tình trạng chờ việc hoặc chọn trường tư thì trường phổ thông lại xoay xở đủ cách để sắp xếp nhân sự.
Loay hoay tìm “bến đỗ”
Đề án đào tạo CLC trình độ đại học, ngành sư phạm tại Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) được triển khai từ năm 2018. Có 4 ngành được mở, đào tạo gồm: Sư phạm Toán, Vật lý, Ngữ văn và Lịch sử. Kết quả tuyển sinh trong giai đoạn 2018 - 2022 có 239 sinh viên/4 ngành. Khóa 2018 - 2022 có 22 sinh viên tốt nghiệp, trong đó có 11 sinh viên xếp loại xuất sắc, còn lại tốt nghiệp loại giỏi. Tuy nhiên, số sinh viên CLC đã tốt nghiệp nêu trên vẫn đang loay hoay đi tìm việc. Có người dạy hợp đồng; người tìm việc trái ngành.
Chia sẻ với Báo GD&TĐ, thầy H.V.Ngh., dạy hợp đồng Trường THCS&THPT Quan Sơn, cho biết: Năm 2018, tôi trúng tuyển vào Khoa Ngữ văn CLC, Trường ĐH Hồng Đức. Ban đầu, tôi cũng như sinh viên khác cùng khoa CLC tràn đầy hy vọng bởi thông tin ‘sau này được ưu tiên sắp xếp việc làm’. Bởi vậy, ai cũng tâm niệm phải nỗ lực học tập để xứng đáng danh hiệu CLC, tuyển dụng đặc cách.
Tuy nhiên, từ năm 3 trở đi, nhà trường chỉ nói được ưu tiên tuyển dụng, chứ không phải được ưu tiên sắp xếp việc làm. Tất cả đều qua quá trình tuyển dụng viên chức theo quy định của ngành Nội vụ, Ngh. cùng bạn bè bắt đầu hành trình rải hồ sơ xin việc.
“Tôi thấy mình là người may mắn. Vì, sau khi tốt nghiệp, được Trường THCS&THPT Quan Sơn nhận vào dạy hợp đồng và bố trí nhà công vụ. Cùng ra trường với tôi, nhiều bạn phải đi làm nghề khác. Vì thế, tôi xác định, trước mắt, cố gắng dạy thật tốt và trau dồi kiến thức. Sau này, nếu có đơn vị nào tổ chức thi để tuyển dụng, tôi sẽ dự thi như các trường hợp khác. Tôi cũng hy vọng, ngôi trường đang dạy có chỉ tiêu để phấn đấu, thi tuyển và gắn bó với nghề mà mình đã chọn”, thầy Ngh. cho hay.
Hoạt động ngày hội sư phạm tại Trường Sư phạm (Trường ĐH Vinh). |
Thầy Tạ Quốc Việt, Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) cho hay, thầy Ngh. có trình độ và nghiệp vụ sư phạm tốt. Hiện, thầy dạy môn Ngữ văn. Theo hợp đồng, mỗi tháng thầy Ngh. được nhà trường trả lương hơn 3,8 triệu đồng (sau khi trừ các khoản đóng góp BHXH, BHYT...). Ngoài ra, thầy tham gia dạy thêm vào các buổi chiều, nên hàng tháng có tổng mức thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng.
Nguyễn Thị Dinh (quê huyện Anh Sơn, Nghệ An) lần lượt tốt nghiệp loại xuất sắc ngành Sư phạm Toán và Sư phạm Tin của Trường ĐH Vinh vào năm học 2020 - 2021. Đây là kết quả và lợi thế ít người có được để tìm kiếm cơ hội việc làm. Tuy nhiên, thay vì chờ ứng tuyển vào trường phổ thông công lập, Dinh lại quyết định làm việc tại Trung tâm Love Marth (TP Vinh).
“Đây là trung tâm dạy học và phát triển tư duy Toán. Em phỏng vấn và chính thức làm việc từ năm 2020, ngay khi vừa tốt nghiệp Sư phạm Toán, chủ yếu dạy học sinh các lớp THCS. Môi trường làm việc ở đây phù hợp, bản thân cũng được thỏa mãn đam mê dạy học. Em còn được gặp nhiều đồng nghiệp trẻ có năng lực, chung tâm huyết để trau dồi chuyên môn và phát triển bản thân”, Dinh chia sẻ.
Theo cô giáo trẻ, gia đình cũng muốn Dinh dạy học ở một trường phổ thông công lập. Và cũng không ít trường tiểu học, THCS mời Dinh về dạy hợp đồng. Tuy nhiên, để có biên chế chính thức hoặc được tuyển dụng theo diện thu hút thì từ khi tốt nghiệp đến nay Dinh chưa thấy có thông tin. Sau thời gian dạy học ở trung tâm, cô giáo trẻ quyết định gắn bó lâu dài và không nộp hồ sơ ứng tuyển viên chức nữa.
Sinh viên Trường ĐH Hồng Đức trong giờ học. |
Sinh viên lẫn nhà trường đều gặp khó
Ông Lê Văn Nguồn - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT Thanh Hóa - thông tin: Đề án đào tạo CLC trình độ đại học là của Trường ĐH Hồng Đức xây dựng và được Bộ GD&ĐT xác nhận. Khi thẩm định Đề án của Trường ĐH Hồng Đức, Bộ GD&ĐT có công văn yêu cầu nhà trường đảm bảo các tiêu chí, điều kiện quy định (theo Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT) và tự cân đối bằng ngân sách của trường; đảm bảo chất lượng đào tạo tương xứng với mức thu học phí ghi trong Đề án.
Đến ngày 2/4/2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Phạm Đăng Quyền ký văn bản về việc tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp từ Đề án “Đào tạo chất lượng cao trình độ đại học, ngành sư phạm tại Trường ĐH Hồng Đức”. Công văn nêu: “Để triển khai có hiệu quả Đề án, thu hút được học sinh giỏi, xuất sắc vào học các ngành sư phạm, đáp ứng yêu cầu nguồn giáo viên THPT chất lượng cao tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022 - 2030, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý chủ trương tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp từ Đề án nêu trên.
“Chiếu theo các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh Thanh Hóa, việc tuyển viên chức, bao gồm cả sinh viên sư phạm CLC phải tuân thủ quy định tại Nghị định 140/2017/NĐ-CP, ngày 5/12/2017 và Nghị định 115/2020/NĐ-CP, ngày 25/9/2020 của Chính phủ. Bởi lẽ, trong số sinh viên CLC đã tốt nghiệp của Trường ĐH Hồng Đức, chỉ có 2 người đủ điều kiện xét đặc cách theo Nghị định 140/2027/NĐ-CP. 20 sinh viên khác phải tuyển dụng viên chức theo quy định tại Nghị định 115/2020/NĐ-CP, chứ không thể làm trái quy định được”, ông Lê Văn Nguồn khẳng định.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT và các đơn vị có liên quan, xây dựng kế hoạch tuyển dụng, kịp thời bổ sung nguồn giáo viên chất lượng cao cho các trường THPT trên địa bàn tỉnh. Chỉ tiêu tuyển dụng là 20 người/ngành/năm, bắt đầu thực hiện từ năm 2022 đến năm 2030. Việc tuyển dụng viên chức phải thực hiện đúng quy định hiện hành của pháp luật”.
Cũng theo ông Nguồn, để giải quyết tình trạng sinh viên sư phạm CLC của Trường ĐH Hồng Đức ra trường chưa có vị trí việc làm, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo giao Sở GD&ĐT và các huyện, nếu có tuyển dụng thì thông tin cho sinh viên tốt nghiệp từ Đề án trên biết, để tham gia tuyển dụng giống như sinh viên các trường khác. “Tới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức cuộc họp giữa Sở Nội vụ, GD&ĐT và các đơn vị liên quan để tìm hướng giải quyết vấn đề này”, ông Nguồn cho hay.
Trong khi đó, ông Trần Bá Tiến – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh (Nghệ An) - cho hay, những năm qua, nhà trường đã làm việc với nhiều tỉnh, thành đến đặt hàng đào tạo sinh viên sư phạm, đặc biệt là 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Trong đó, tỉnh Nghệ An dự kiến đặt hàng đào tạo 1.000 sinh viên sư phạm các môn khó tuyển, môn mới. Song để thực hiện cần gỡ được nút thắt về giao chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm và định biên giáo viên.
Theo đó, việc giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường đào tạo sư phạm căn cứ vào dự báo nhu cầu giáo viên cho các cấp học, môn học từ sở GD&ĐT tỉnh, thành. Sau đó, Bộ GD&ĐT phân bổ cho trường đại học theo năng lực đào tạo và khu vực tuyển sinh. Trong khi đó, biên chế giáo viên lại do Bộ Nội vụ giao và phải đang thực hiện lộ trình tinh giản. Điều này khiến địa phương chưa mạnh dạn để đặt hàng đào tạo sư phạm khi không được chủ động biên chế. Về phía người học cũng lo ngại sau 4 năm đào tạo đặt hàng, liệu có còn vị trí và chỉ tiêu tuyển dụng để được sắp xếp, bố trí dạy học như dự kiến ban đầu.
Sinh viên sư phạm Trường ĐH Vinh tham gia trải nghiệm thực tế tại trường phổ thông. |
Trớ trêu biên chế… trái ngành
Năm học 2022 – 2023, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam) phải hợp đồng 8 giáo viên. Trong số này, có 2 giáo viên vừa trúng tuyển viên chức giáo dục, tuy nhiên, phải thi tuyển trái với chuyên ngành được đào tạo vì không có chỉ tiêu.
Thầy Trà Hải Hiền tốt nghiệp Sư phạm Vật lý nhưng phải đăng ký thi tuyển viên chức ở vị trí quản lý thiết bị. Cả huyện Nam Trà My chỉ có 1 chỉ tiêu tuyển dụng môn Vật lý trong khi có 6 - 7 hồ sơ đăng ký thi tuyển viên chức. Vì vậy, thầy Hiền nộp hồ sơ thi tuyển vào vị trí nhân viên trường học để chắc chắn một suất trúng tuyển dù nhận mức lương thấp hơn so với giáo viên đứng lớp.
Thầy Võ Đăng Chín, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Nhà trường hợp đồng với thầy Trà Hải Hiền từ năm học 2021 – 2022 để đứng lớp dạy tiểu học. Tuy nhiên, sau kỳ thi tuyển dụng viên chức của huyện, một giáo viên hợp đồng khác của trường không trúng tuyển và xin nghỉ nên trống các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học. Vì vậy, dù trúng tuyển ở vị trí nhân viên trường học nhưng hiện nay, thầy Hiền vẫn phải dạy học các môn này cho 4 lớp ở cấp THCS”.
Để bù vào khoảng trống của thầy Trà Hải Hiền ở cấp tiểu học, cô Hồ Thị Hiếc dù trúng tuyển viên chức ở vị trí giảng dạy môn Ngữ văn THCS nhưng vừa dạy tiểu học vừa thêm 4 tiết Ngữ văn lớp 8. Trước đó, cô Hiếc là giáo viên hợp đồng dạy tiểu học của nhà trường và được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cấp học này.
“Hiện, số giáo viên trúng tuyển ở kỳ thi tuyển viên chức ngành Giáo dục huyện Nam Trà My vẫn chưa có quyết định chính thức. Vì vậy, chúng tôi động viên cô Hiếc xin nhận công tác ngay tại trường. Nếu cô Hiếc nhận nhiệm sở ở trường khác thì nhà trường lại phải “xoay xở” sắp xếp giáo viên cho hợp lý và đáp ứng nhu cầu dạy học”, thầy Chín chia sẻ.
Ngoài ra, với 6 giáo viên hợp đồng còn lại, Ban giám hiệu nhà trường động viên và hứa hỗ trợ để tham gia học bằng 2 đại học sư phạm chuyên ngành tiểu học. “Đây là đội ngũ người địa phương. Các em được học nội trú từ bé và đào tạo căn bản. Nếu gửi đi đào tạo đúng chuyên ngành sư phạm tiểu học, cơ hội trúng tuyển viên chức của họ rất cao và cũng là giải pháp căn cơ nhất để góp phần giữ ổn định đội ngũ giáo viên cho địa phương”, thầy Chín thông tin.
Kỳ thi tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2022 của huyện Nam Trà My (Quảng Nam) có 262 chỉ tiêu. Trong đó, có 214 chỉ tiêu giáo viên, gồm 76 giáo viên mầm non hạng 3, 82 giáo viên tiểu học hạng 3, giáo viên THCS hạng 3 có 56 chỉ tiêu và 48 chỉ tiêu cho vị trí nhân viên trường học. Tuy nhiên, chỉ có 15 hồ sơ đăng ký dự thi làm giáo viên mầm non; giáo viên tiểu học có 64 hồ sơ. Trong khi đó, giáo viên THCS có 219 hồ sơ và vị trí nhân viên trường học có 67 hồ sơ. Vị trí giáo viên THCS có chỉ tiêu tuyển dụng ít nhưng lại có số lượng hồ sơ đăng ký dự thi khá cao.
Chưa kể, huyện miền núi cao Nam Trà My còn phải cạnh tranh với các địa phương khác trong thi tuyển viên chức. Đã có tình trạng giáo viên sau khi trúng tuyển ở vùng đồng bằng đã xin nghỉ việc để chuyển công tác. Vì vậy, điệp khúc thiếu giáo viên mầm non và tiểu học ở Nam Trà My đã kéo dài qua nhiều năm và chưa thể giải quyết rốt ráo.
Thanh Hóa là một trong số địa phương thiếu giáo viên nhất, nhì cả nước. Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đồng ý chủ trương để Trường ĐH Hồng Đức xây dựng đề án đào tạo sinh viên sư phạm CLC. Tuy nhiên, lứa sinh viên sư phạm CLC đầu tiên ra trường (22 sinh viên) do vướng quy định, nên không được tuyển dụng đặc cách, cũng chưa được thi vào biên chế, khiến mỗi người mỗi ngả.