Câu chuyện sinh viên chất lượng cao của Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) loay hoay tìm việc làm đã và đang dấy lên trong sinh viên sư phạm (đặc biệt người có cam kết làm việc trong ngành Giáo dục) những trăn trở về việc làm sau khi ra trường.
Ngóng tiền hỗ trợ
Theo Nghị định 116, sinh viên tham gia ký hợp đồng ngoài học phí còn được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tại trường (mỗi năm học 10 tháng). Cơ sở đào tạo và địa phương phối hợp triển khai kinh phí hỗ trợ cho người học. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên cam kết về làm việc tại cơ sở giáo dục ở địa phương.
Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương là đơn vị thực hiện việc giải ngân cho sinh viên theo Nghị định 116 khá tốt. PGS.TS Trần Đình Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đơn vị chọn việc giải ngân theo học kỳ. Ngoài thống kê sớm số học sinh và kết quả học tập, trường lại trực thuộc Bộ GD&ĐT nên nguồn kinh phí hỗ trợ sinh viên không bị chậm trễ.
“Trong năm học 2021 - 2022, khoảng 90% sinh viên hưởng hỗ trợ từ Nghị định 116. Những sinh viên đã làm đơn đều được nhận hỗ trợ 100%. Năm học 2022 - 2023, toàn trường có khoảng 1.000 sinh viên sư phạm, phần lớn đăng ký nhận hỗ trợ” - PGS.TS Trần Đình Tuấn nói.
Tuy vậy, số sinh viên may mắn như trên không nhiều. Thực tế ở một số địa phương, không ít sinh viên đang đối mặt khó khăn khi công tác giải ngân chi phí sinh hoạt bị chậm, thậm chí có nơi chậm 3 tháng, nơi tới 6 tháng. Em N.H.T, sinh viên Trường ĐH Sài Gòn gặp nhiều áp lực khi việc giải ngân của trường bị chậm trễ. Theo nữ sinh, sau khi báo chí phản ánh, nhà trường đã chủ động gỡ khó, tạm ứng cho sinh viên nhưng thời gian tới không biết sẽ thế nào.
Tương tự, nhiều sinh viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM cũng trong cảnh loay hoay tìm giải pháp để cân đối tài chính, vì chưa nhận được hỗ trợ chi phí sinh hoạt cũng như khoản học phí tạm ứng. Điều này đồng nghĩa mọi tính toán của gia đình các em “đổ bể”. Bởi khó khăn mới cho con học sư phạm có cam kết phục vụ trong ngành, nhưng tiền thì chưa có trong khi chuyện ăn ở vẫn lo hàng ngày. Do đó, cha mẹ phải gồng mình kiếm số tiền kha khá để duy trì việc học của con.
Ông Thái Minh Tân, có con học tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho hay: Cho con theo học ở trường sư phạm, gia đình xác định chỉ lo và hỗ trợ một phần nhỏ chi phí học tập ở thành phố (vì theo thông tin từ nhà trường cháu được miễn phí hoàn toàn và được hỗ trợ cả phí sinh hoạt). Nhưng đã gần hết năm học, các khoản hỗ trợ vẫn chưa về (nhà đã đóng tạm ứng). Nếu năm học tới tình trạng này tái diễn, gia đình sẽ khó lòng để xoay xở bởi chi phí ăn ở, học tập một năm không hề nhỏ.
Việc các địa phương và trường chậm giải ngân trong năm học 2021 - 2022, theo đại diện Trường ĐH Sư phạm TPHCM chủ yếu nằm ở thủ tục: Xây dựng cơ chế giá từ các trường rồi trình UBND tỉnh, thành phố xem xét giải ngân, hỗ trợ cho số sinh viên đặt hàng. “Việc chi trả, hỗ trợ cho sinh viên sư phạm theo đơn đặt hàng hiện dựa trên kết quả học tập. Sau khi nhà trường gửi về, địa phương mới chuyển được kinh phí, cho nên quá trình chi trả sẽ chậm hơn”, vị này nói.
Chỉ tiêu giáo viên tỉnh Long An đặt hàng Trường ĐH Sư phạm TPHCM đào tạo theo Nghị định 116 năm 2022. Ảnh: ITN |
Ẩn số việc làm
Không chỉ chậm nhận được hỗ trợ, sinh viên sư phạm dù được Nghị định 116 làm “bà đỡ” vẫn chưa thực sự yên tâm về đầu ra. Ngay cả nhóm sinh viên đã có tên trong danh sách đặt hàng đào tạo của địa phương vẫn băn khoăn về “ẩn số” việc làm, dù tỉnh hay địa phương nơi các em đăng ký về công tác sau khi tốt nghiệp thiếu giáo viên rất nhiều.
Sau vụ việc 22 tân cử nhân sư phạm hệ chất lượng cao của Trường ĐH Hồng Đức phải chật vật tìm kiếm việc làm, nỗi lo trên càng rõ nét. Trần Minh Nhi, sinh viên năm 2 (quê Ninh Thuận), khoa Sư phạm Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm TPHCM khi nghe thông tin trên cảm thấy âu lo. Hiện tỉnh Ninh Thuận trong cảnh thiếu giáo viên tiểu học, nhưng năm học vừa rồi phân hiệu Trường ĐH Nông Lâm TPHCM tại Ninh Thuận cũng công bố tuyển sinh số chỉ tiêu sư phạm tương đương số lượng giáo viên đang thiếu.
“Lỡ em học xong nhưng không xin được việc tại địa phương rồi phải đi dạy hợp đồng, hay làm việc khác với mức thu nhập thấp thì làm sao có tiền bồi hoàn kinh phí đã được cấp”, Minh Nhi nói.
Phân tích về vấn đề trên, ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định nhìn nhận, Nghị định 116 quy định sinh viên được đào tạo theo hình thức đấu thầu, đặt hàng sẽ được Nhà nước chi trả phí đào tạo. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc các em đương nhiên trở thành giáo viên sau khi ra trường, vì vẫn phải trải qua kỳ thi tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục.
Thi tuyển dụng, các em có thể trúng tuyển hoặc không trúng tuyển, trong khi Nghị định 116 và Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ “Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức” lại không thấy có bất cứ điều khoản nào quy định chế độ tuyển dụng đặc cách với những sinh viên sư phạm tốt nghiệp bằng phương thức đào tạo đặt hàng theo Nghị định 116. Việc đầu vào và đầu ra chưa đồng bộ và tương thích khiến sinh viên và cả địa phương e dè… vì trách nhiệm. Đây là lý do việc triển khai đặt hàng đào tạo giáo viên vẫn còn khó khăn”, ông Hùng nói.
TS Đinh Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn cho rằng, khi xây dựng chỉ tiêu và thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên với các trường sư phạm, trách nhiệm của địa phương trong vấn đề kết hợp đào tạo với trường sư phạm rất lớn. Từ việc soi chiếu đối tượng gửi đi học, kinh phí chi trả, đến theo dõi quá trình học tập của sinh viên, rồi đảm bảo cơ chế tuyển dụng, thậm chí phải đi thu hồi kinh phí bỏ ra đào tạo khi sinh viên ra trường không công tác trong ngành. Những điều trên là rào cản lớn khiến nhiều địa phương chưa mặn mà.