Mỹ đồng ý cho Israel xuất khẩu Arrow 3

GD&TĐ -Nhận được sự đồng ý của Mỹ được coi là điều kiện đủ để Israel có thể xuất khẩu hệ thống tên lửa đánh chặn đạn đạo Arrow 3.

Hệ thống đánh chặn Arrow 3.
Hệ thống đánh chặn Arrow 3.

Theo Army Recognetion, ngày 8/3, trong chuyến thăm mới đây đến Mỹ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố chấp thuận cho Israel xuất khẩu hệ thống Arrow 3 đến Berlin.

Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Đức cùng loạt quốc gia châu Âu tuyên bố cần tăng cường sức mạnh quân sự, đặc biệt là phòng thủ để phòng thân.

Theo kế hoạch mua sắm được chính phủ của Thủ tướng Scholz công bố, Berlin sẽ chi 17 tỷ euro để tăng cường khả năng đánh chặn bằng lưới lửa đa tầng gồm hệ thống IRIS-T của Đức, Arrow 3 của Israel và hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ.

Hiện không rõ Đức mua bao nhiêu hệ thống Arrow 3 cũng như thời điểm tiếp nhận vũ khí này từ nhà sản xuất Israel.

Theo tiết lộ của Army Recognetion, việc Israel cần nhận được sự đồng ý của Mỹ khi xuất khẩu Arrow 3 bởi đây là sản phẩm của Tập đoàn Elbit của Israel hợp tác với nhà thầu Boeing của Mỹ.

Trước đó, Quốc hội Đức đã yêu cầu chính quyền liên bang mua hệ thống phòng không tầm thấp Vòm Sắt (Iron Dome) của Israel.

Nhưng Tư lệnh Không quân Đức, Trung tướng Ingo Gerhartz cho biết nước này quan tâm đến hệ thống Arrow 3 hơn nhằm ngăn chặn hiệu quả các nguy cơ tiềm ẩn trong tương lai.

Tướng Gerhartz cho biết hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt chỉ phù hợp khi đánh chặn các mục tiêu ở tầm thấp, trong khi ngành công nghiệp quốc phòng của Đức có khả năng đáp ứng yêu cầu đó.

Đối với những nguy cơ xuất hiện ở tầm cao hơn, Đức đã có hệ thống tên lửa Patriot sắp được nâng cấp. Tuy nhiên, trong tầm bay 15.000km, Đức vẫn chưa có hệ thống đánh chặn nào hiệu quả, do đó nước này đang nghiên cứu mua hệ thống Arrow 3 từ Israel.

Lịch sử phát triển của Arrow 3 bắt đầu vào tháng 8/2008 khi Israel và Mỹ hợp tác cùng nhau để nghiên cứu một loại tên lửa đánh chặn có khả năng đánh trúng các mục tiêu trong khí quyển tầng cao.

Các nhà phát triển đã đặt ra cho Arrow 3 các mục tiêu: có thể đạt độ cao gấp đôi người tiền nhiệm Arrow 2 và được trang bị các cảm biến quang học để tự săn đuổi mục tiêu trong pha cuối của hành trình. Loại tên lửa này có khả năng đánh chặn các đầu đạn hạt nhân khi chúng đã tách khỏi tên lửa chiến lược trong tầng khí quyển.

Mỗi hệ thống Arrow 3 sẽ có radar Green Pine tương tự như các radar TPY-2 AN được Mỹ triển khai tại Israel thời đó. Arrow 3 cũng phải có tỉ lệ đánh chặn cao hơn hệ thống Arrow 2. Theo các chuyên gia Israel, hệ thống Arrow 2 có tỉ lệ đánh chặn lên tới 90 % trong thử nghiệm.

Trong khi đó, cựu giám đốc Cơ quan phát triển vũ khí và công nghệ, hiện giờ là Chủ tịch Tổ chức Không gian Israel Yitzhak Ben Yisrael tiết lộ, Arrow 3 có tỉ lệ đánh chặn thành công cao hơn đáng kể so với Arrow 2 và có thể trở thành vũ khí diệt vệ tinh.

Quốc gia Do Thái bắt đầu thử nghiệm Arrow 3 lần đầu vào tháng 3/2011. Ngày 23/1/2012, Bộ Quốc phòng Israel công bố một đoạn video mà theo họ đã thử nghiệm thành công động cơ đẩy cũng như tính năng bay và các biến của Arrow 3 tại căn cứ không quân Palmachim.

Đầu năm 2013, cũng tại căn cứ không quân Palmachim, một tên lửa Arrow 3 đã lần đầu tiên đạt đến độ cao 100km. Sau đó, Arrow 3 đã đánh chặn thành công một mục tiêu ảo.

Chương trình phát triển Arrow 3 dự kiến sẽ tiêu tốn nhiều tỷ USD. Tuy vậy nó sẽ không hề đắt đỏ bởi theo nhà sản xuất Israel, Arrow 3 ngoài một lá chắn phòng thủ tên lửa thì còn là một mặt hàng xuất khẩu chiến lược.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ