Hình ảnh được công bố cho thấy, các binh sĩ Nga đã thu được một số xe tăng chiến đấu hạng nặng Leopard 2 và thiết giáp Bradley phương Tây viện trợ cho quân đội Ukraine.
"Những xe tăng Leopard và thiết giáp Bradley là chiến lợi phẩm của chúng tôi. Các thiết bị của lực lượng vũ trang Ukraine ở vùng Zaporizhzhia. Binh sĩ thuộc tiểu đoàn Vostok đang kiểm tra xe tăng và xe bộ binh thu được từ địch trong giao tranh", RIA dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga hôm 13/6.
Cùng với đó, kênh Telegram chính thức của Bộ quốc phòng Nga cũng tiết lộ rằng, sau khi kiểm tra khá kỹ những chiến lợi phẩm thu được, lực lượng của Moscow không thấy có Hệ thống phòng vệ chủ động (APS) trên xe tăng Leopard mà phương Tây chuyển cho Kiev.
Việc những chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard bị Đức loại bỏ APS trước khi chuyển chúng cho Ukraine cũng đã được phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đức Nadine Krueger tiết lộ trong tuyên bố hôm 13/2:
"Dù phiên bản nào và bao nhiêu chiếc Leopard được gửi đến Ukraine thì chúng vẫn không được tích hợp APS. Đây là khí tài đắt đỏ mà ngay cả trên những cỗ tăng chiến đấu chủ lực trong Quân đội Đức cũng mới được trang bị".
Giới chuyên gia cho rằng, việc thiếu hệ thống APS khiến những cỗ tăng Leopard Đức chuyển cho Ukraine không khác nào tấm bia hứng đạn chống tăng từ lực lượng diệt tăng Nga.
"Không có hệ thống bảo vệ chủ động, khả năng bảo vệ dựa hết vào hệ thống giáp của xe. Trong khi đó, vũ khí chống tăng của Nga, đặc biệt là RPG-30, Kornet có thể xuyên phá mọi loại giáp trên xe tăng hiện nay", tờ Defense News của Mỹ viết sau tiết lộ của phát ngôn viên Krueger.
Thực tế này đã được chứng minh tại chiến trường Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã từng tung các xe tăng Leopard-2A4 không có APS tham chiến và đã nhận quả đắng khi không chống chịu nổi các loại tên lửa chống tăng chưa phải mạnh nhất của Liên Xô và Nga là 9M113 Konkurs và Mertis-M.
Hình ảnh xác những chiếc Leopard 2 bay tháp pháo đã ảnh hưởng không nhỏ tới danh tiếng của dòng tăng chiến đấu chủ lực của phương Tây.
Và ngay khi được chuyển giao cho Ukraine, xe tăng Leopard đã phải đối phó với nhiều loại vũ khí chống tăng nguy hiểm hơn nữa của Nga, cũng mối nguy cơ đến từ vũ khí chính xác cao tấn công từ trên không trước khi có cơ hội đối mặt trực tiếp với các dòng tăng chủ lực của Nga như T-72B3, T-80BVM hay T-90M.
Trong khi lớp giáp phức hợp thế hệ thứ 3 của Leopard liệu có thể đối phó hiệu quả với các loại vũ khí chống tăng cực kỳ uy lực như Kornet, Vikhr, Shturm… (vốn được thiết kế với mục tiêu chính đối phó với xe tăng phương Tây) hay không là câu hỏi lớn mà câu trả lời đã có ngay sau khi Leopard chính thức thực chiến tại Ukraine.
Một phát bắn của vũ khí chống tăng có thể không đủ để hạ xe tăng Leopard nhưng sẽ ảnh hưởng tới việc hoạt động ổn định của hệ thống trinh sát và điều khiển hỏa lực trên xe hoặc khiến nó phải quay về căn cứ để sửa chữa.
Trong khi đó, các xe tăng T-90M của Nga có ưu thế hơn 1 phần nhờ khả năng phóng tên lửa AT-11 Sniper qua nòng pháo chính. Chính vì vậy, việc Ukraine coi Leopard là vũ khí có thể thay đổi cục diện chiến trường khi được tiếp nhận khó có thể trở thành sự thật.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 11/6 thông báo quân đội nước này tập kích đoàn tăng thiết giáp Ukraine tại tỉnh Zaporizhzhia, khiến 50 binh sĩ thương vong, loại khỏi vòng chiến đấu 11 xe tăng, trong đó có ba chiếc Leopard, 17 xe chiến đấu bộ binh, 4 xe cơ giới, một tổ hợp tên lửa phòng không Stormer của Anh và một lựu pháo M777 của Mỹ.
Lực lượng Nga kiểm tra chiến lợi phẩm. |
Một số kênh Telegram của Nga ngày 12/6 công bố video cho thấy xe tăng Leopard 2 bị lực lượng Ukraine bỏ lại trên tiền tuyến ở tỉnh Zaporizhzhia.
Ngày 13/6, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius trả lời báo Bild rằng, Berlin không thể thay thế mọi xe tăng Leopard 2 bị vô hiệu hóa ở Ukraine, nhưng sẽ tiếp tục hỗ trợ vũ khí cho Kiev.
"Điều chúng tôi sẽ làm là tăng nguồn cung xe tăng Leopard 1A5 đã được sửa chữa từ tháng 7. Tổng cộng sẽ có hơn 100 chiếc vào cuối năm", ông Pistorius nói. Chính phủ Đức hồi tháng 2 đã chấp thuận viện trợ 179 xe tăng Leopard 1A5 cho Kiev.