Đóng góp lớn nhất của ông đối với đất nước chính là bài biểu “Lui vạn binh”, giúp xã tắc tránh được cuộc binh đao trước sự nhăm nhe của nhà Minh.
Đỗ triều Lê, về triều Mạc
Trạng nguyên Trần Tất Văn sinh ra trong một gia đình họ Trần - dòng dõi nhà nho ở thời Hậu Lê tại làng Nguyệt Áng, tổng Đại Hoàng, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương, nay là làng Nguyệt Áng, xã Thái Sơn, huyện An Lão (Hải Phòng). Ông là vị Trạng nguyên có nhiều tranh cãi trong lịch sử bởi quan niệm của tư tưởng nho giáo “tôi trung không thờ hai chủ”.
Mảnh đất An Lão xưa được ghi dấu là một trong những vùng đất khoa bảng với những nho sĩ nổi danh lịch sử. Trong đó phải kể tới các Thái học sinh như: Cao Toàn, Vương Công Hiển, Bùi Mộng Hoa; các Tiến sĩ: Phạm Đoàn Mậu, Nguyễn Kim, Nguyễn Chuyên Mỹ, Nguyễn Đốc Tín...
Do xuất thân là dòng dõi quý tộc, được thừa hưởng tư chất thông minh và được học hành đầy đủ nên ngay từ nhỏ Trần Tất Văn đã nổi tiếng thần đồng, thông hiểu sự đời và nuôi khát vọng cống hiến cho xã tắc.
Qua nhiều năm miệt mài đèn sách, Trần Tất Văn đã vượt qua kỳ thi Hương (đỗ Giải nguyên), thi Hội (đỗ Hội nguyên), thi Đình (đỗ Trạng nguyên) - học vị cao nhất tại kỳ thi năm Bính Tuất niên hiệu Thống nguyên (1526) đời Lê Cung Hoàng.
Ông là Trạng nguyên duy nhất của huyện An Lão dưới thời phong kiến, đồng thời đứng thứ 30 trong tổng số 47 Trạng nguyên của cả nước. Đồng thời, ông cũng là Trạng nguyên hiếm có trong lịch sử khoa bảng với 3 lần đỗ Giải nguyên đứng đầu các kỳ thi.
Trong khoa thi năm 1526, ông cùng các nho sĩ như Nguyễn Văn Du, Lưu Trung Doãn đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ; Lê Quang Bí và 3 người khác đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân; Phạm Đình Quang và 12 người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.
Tượng thờ Trạng nguyên Trần Tất Văn. |
Tuy nhiên lúc này nhà Lê bước vào giai đoạn suy vi nặng nề, thế lực quân phiệt cát cứ nổi lên khắp nơi, đất nước rời vào cảnh loạn lạc. Trước tình cảnh ấy nên Trần Tất Văn không được khắc bia ở Văn Miếu, và trở thành vị Trạng nguyên duy nhất không được khắc bia.
Thời kỳ này vì đất nước liên tục có biến loạn, các thân vương và quan lại lập cát cứ chống lại triều đình. Triều đình nhà Minh Trung Quốc cũng nhăm nhe cơ hội đưa quân xâm lược Đại Việt. Đến đời vua Lê Chiêu Tông, nhà Lê đứng trước nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào nên phải dựa vào Mạc Đăng Dung vốn là tướng lĩnh chỉ huy quân đội lúc đó để đánh dẹp.
Trước sự suy bại không thể cứu vãn của triều đình nhà Lê, nhiều người tự nguyện hoặc bất đắc dĩ, hoặc vì một lý do nào đó theo về với Mạc Đăng Dung, trong đó có Trần Tất Văn. Dù hiểu rằng “tôi trung không thờ hai chủ”, nhưng sống trong hoàn cảnh đất nước rối ren, tận mắt chứng kiến sự suy bại của nhà Lê cùng nỗi thống khổ của người dân nên Trần Tất Văn đã quyết định phục vụ triều đình nhà Mạc.
Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có chép rằng: “Tháng 6, Mạc Đăng Dung từ Cổ Trai vào Kinh, bắt vua nhường ngôi. Bấy giờ, thần dân trong Kinh đều theo Mạc Đăng Dung và đều đón Đăng Dung vào Kinh”.
Mạc Đăng Dung lên ngôi, nhờ các quan cũ từ thời nhà Lê giúp mà tình hình chính trị dần ổn định, các cuộc tranh giành, chiến loạn cũng không còn. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” cũng chép: Nhà Mạc thi hành nhiều sách lược tích cực, khiến “trong khoảng vài năm, đường sá không nhặt của rơi, cổng ngoài không đóng, thường được mùa to, trong cõi tạm yên”.
Trí tuệ “Lui vạn binh”
Nhờ bài biểu gửi tướng Mao Bá Ôn mà Trần Tất Văn đã đẩy lui được quân Minh. Ảnh minh họa: IT. |
Do tài cao đức rộng, nhà Mạc phong cho Trần Tất Văn chức Thượng thư – tước Hàn Xuyên bá. Triều đình nhà Mạc nhất là Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh rất quý trọng Trạng nguyên Trần Tất Văn, coi ông là đồng hương Dương Kinh tin cậy. Trạng nguyên Trần Tất Văn được giao trọng trách soạn thảo thư từ, trao đổi ngoại giao giữa triều Mạc với nhà Minh.
Dù trong nước yên ổn nhưng quan hệ của Đại Việt với nhà Minh lại căng thẳng. Nhà Minh muốn nhân việc Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê để đưa quân tiến đánh. Giai đoạn này Trần Tất Văn được vua tin dùng, giao cho nhiều việc trọng đại, trong đó có việc đi sứ.
Năm 1537, vua Minh Thế Tông cho Mao Bá Ôn chuẩn bị quân tiến sang Đại Việt. Đến năm 1540, vua Minh lệnh cho Thượng thư Binh bộ là Mao Bá Ôn cùng Hàm Ninh hầu Cừu Loan thống lĩnh 22 vạn quân tiến đến biên giới Đại Việt, chuẩn bị chiến tranh.
Trong tình thế ấy, Trạng nguyên Trần Tất Văn đã dốc hết tâm lực, trí lực, sự hiểu biết trí tuệ ngoại giao ứng đối qua một bài biểu gửi tướng Mao Bá Ôn. Bài biểu có câu: “Vị tiểu quốc bất học võ nhân, lễ nghĩa hà túc thâm trách. Mẫn An Nam vô cô xích tử, phong nhận nhẫn sử hoành la” (Cho nước tôi võ nhân ít học thì lễ nghĩa sao đáng trách móc? Bảo thương dân An Nam vô tội, nỡ nào đem gươm giáo chém giết dân lành).
Tương truyền Mao Bá Ôn sau khi đọc bài biểu thì rơi nước mắt rồi quyết định rút quân. Tuy nhiên nội dung bài biểu đã bị thất lạc, cũng có thể là vì đây là biểu xin hàng, trong đó ắt có lời nói hạ thấp vua tôi Đại Việt nên không được lưu lại. Một số câu ngắn ngủi trên được ghi lại trong sách “Công dư tiệp ký” của Vũ Phương Đề.
Dấu xưa còn mãi
Một trong 5 tấm bia đá cổ còn lại trong đền thờ Trần Tất Văn. |
Trạng nguyên Trần Tất Văn được người sau đánh giá là nhà khoa bảng - vị quan cao cả, nhờ tài năng mà soạn ra bài biểu có khí lực và sức mạnh “lui vạn binh’. Tuy nhiên, do nhiều lý do thời thế nên khi triều đình khủng hoảng, Trần Tất Văn cũng như nhiều bậc danh khoa đương thời đã chọn cách cáo quan ở ẩn, về quê mở trường dạy học.
Thấu hiểu tấm lòng và tình cảm của người dân quê, ông đã bỏ tiền hưng công xây dựng trên mảnh đất hương hỏa của gia đình một ngôi chùa. Người dân làng Nguyệt Áng truyền tụng rằng, chùa quan Trạng tên chữ là Vĩnh Khoái tự có quy mô rất rộng rãi, khang trang nằm trên một gò đất cao ráo, rộng tới 1/2 mẫu Bắc Bộ. Ngoài việc xây chùa, Trạng nguyên Trần Tất Văn còn bỏ tiền làm một cây cầu đá xanh 3 nhịp để dân không phải giá rét lội sông.
Hiện nay chiếc cầu không còn nhưng địa phương còn lưu giữ được nhiều cấu kiện của chiếc cầu là những khối đá xanh hiện còn trong di tích. Cho đến nay, người dân Nguyệt Áng vẫn còn lưu truyền được bài thơ quan trạng về làng xây cầu đá: Hôm qua còn lội qua đầm/ Hôm nay thanh thản qua cầu đá xanh/ Cầu này cầu ái cầu ân/ Công ơn quan Trạng có tâm với làng.
Ghi nhớ công đức quan trạng, tương truyền sau khi ông qua đời dân làng Nguyệt Áng đã xây dựng ngôi đền phụng thờ Trạng nguyên trên nền đất cùng với phật điện chùa Vĩnh Khoái. Đặc biệt, trong khuôn viên đền thờ còn lưu giữ được 2 cột trụ là các cấu kiện còn lại của cây cầu đá và 5 tấm bia đá được đánh giá là nguồn sử liệu quan trọng, độc đáo.
Mở đầu cho công trình kiến trúc là nghi môn, được thiết kế ba cửa. Mặc dù mới được trùng tu, tôn tạo vào năm 2009, song đền thờ Trạng nguyên Trần Tất Văn được xây dựng trên cơ sở kiến trúc truyền thống với nguyên liệu chính là gỗ lim. Có thế thấy, kiến trúc tại đền thể hiện một tính thống nhất cao về mặt kết cấu theo lối cổ truyền từ kiểu liên kết mộng sập, mộng chốt, mộng xuyên… giữa các cấu kiện trên cùng một bộ vì hay giữa các bộ vì với nhau.
Trong kết cấu khung liên kết nói chung, trong liên kết bộ vì nói riêng, mỗi cấu kiện đều giữ một vai trò, đều có một công năng kỹ thuật nhất định. Các đề tài chạm khắc trên một số cấu kiện tại tiền tế đền tuy đơn giản nhưng mang nguồn gốc dân dã và đầy tính biểu trưng.
Hậu cung đền gồm hai gian thờ dọc, xây kiểu tường hồi bít đốc và được nối vuông góc với bái đường tại khoảng giữa. Hậu cung có hai bộ vì kiểu 4 hàng chân cột, vì nóc và vì nách làm kiểu chồng rường, kẻ ngồi giống bái đường. Bộ vì thứ hai là giới hạn ngăn cách giữa bên ngoài và không gian thờ Thánh phía trong.
Hiện nay nội tự đền, ngoài thờ tự Trạng nguyên Trần Tất Văn (chính ban hậu cung) còn thờ Tiến sĩ Trần Tảo (con trai quan Trạng, tả ban) và thân mẫu Tiến sĩ Trần Tảo ở hữu ban. Với giá trị và ý nghĩa lịch sử, năm 2022 đền thờ Trạng nguyên Trần Tất Văn chính thức được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Là một gia tộc khoa bảng nổi tiếng nên dù trải qua trăm năm dâu bể nhưng ở xã Thái Sơn hiện nay vẫn còn lưu giữ được nhiều dấu tích gắn với việc học hành của Trạng nguyên Trần Tất Văn như: Núi Chồng sách, đường Bút nghiên, đường Đống Đế, lăng Nghè, Từ Chỉ (văn miếu hàng huyện)...
Theo gương người cha đỗ đạt, trong khoa thi năm Ất Sửu (1565), con trai Trạng nguyên Trần Tất Văn là Trần Tảo tham gia ứng thí và đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân đời Mạc Mục Tông. Ông làm quan đến chức Thừa chính sứ. Năm Quý Mùi (1593) quân Mạc thua quân Lê - Trịnh, Trần Tảo cùng nhiều quan lại nhà Mạc bị bắt và sát hại ở bến Thảo Tân.
Cả hai cha con một cửa một nhà đều là bậc hiền tài, cha là Trạng nguyên con là Tiến sĩ nên người xưa mới truyền tụng câu đối: “Một áng văn chương, dò đâu đó, nền tể tướng, đất Trạng nguyên, làng Nguyệt Áng địa linh nhân kiệt/ Mấy hàng chữ, đáng là bao, của Thượng thư nhà An Sát, đất Cổ Am, nguyện lộng phong lâu”.