Vị Trạng nguyên đầu tiên của triều Lê sơ

GD&TĐ - Xét về thời gian thi cử, Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực không phải Trạng nguyên đầu tiên của triều Lê sơ.

Nhà thờ họ Đào tại Thiện Phiến (Tiên Lữ - Hưng Yên).
Nhà thờ họ Đào tại Thiện Phiến (Tiên Lữ - Hưng Yên).

Nhắc tới Trạng nguyên đầu tiên của triều Lê sơ, nhiều người nghĩ ngay tới Nguyễn Trực - vị Lưỡng quốc Trạng nguyên lừng danh trong sử Việt. Tuy nhiên, xét về thời gian thi cử, Nguyễn Trực không phải Trạng nguyên đầu tiên của triều đại này.

Đỗ đầu kỳ thi đặc biệt

Trong Hội thảo “Người họ Đào ở xứ Đông trong tiến trình lịch sử của đất nước” diễn ra vào tháng 7/2023, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhận định: Có thể khẳng định người đỗ đầu của kỳ thi, không gọi là Trạng nguyên, nhưng theo thể chế các kỳ thi Đình trước đó (vào thời Trần) và sau đó (vào thời Lê) thì ông phải là Tiến sĩ đệ nhất giáp, đệ nhất danh và hoàn toàn có đủ tư cách là Trạng nguyên khai khoa của nhà Lê, trước khi vương triều Lê sơ chính thức được thành lập, đó là Đào Công Soạn.

Đào Công Soạn tự là Tân Khanh, sinh ngày 22 tháng 12 năm Tân Dậu (1382) tại làng Thiện Phiến (Tiên Lữ - Hưng Yên), có cha là Đào Công Phủ, mẹ là Hoàng Thị Nghinh, người cùng làng Thiện Phiến.

Theo GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Đào Công Soạn lớn lên trong bối cảnh đất nước suy kiệt và loạn ly thời cuối Trần, “chính sự phiền hà, lòng dân oán hận” nhà Hồ và thảm cảnh “nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn; vùi con đỏ dưới hầm sâu tai vạ” của quân Minh.

Cũng giống như Nguyễn Trãi, ông sớm có điều kiện được học hành từ trường lớp, từ truyền thống gia đình và nhất là được hiểu người, hiểu đời, hiểu đất nước và xã hội từ cuộc sống thực tiễn.

Là người ham học hỏi, có chí lớn, gặp lúc đất nước loạn lạc do cuộc chiến tranh xâm lược của quân Minh, ông tự nguyện tham gia vào cuộc nổi dậy của dân chúng trên quê hương xứ Nam.

Mùa Thu, tháng 8 năm Bính Ngọ (1426), Lê Lợi kéo đại quân Lam Sơn ra Bắc, bao vây dụ hàng thành Đông Quan “các lộ ở Đông Đô và các xứ phiên trấn, chỗ nào cũng vui mừng mang trâu dê cơm rượu đến khao quân lính và đều hưởng ứng vây đánh các thành giặc”.

Đào Công Soạn là một trong những người đi đầu trong đoàn quân tiên phong này, đúng như Phan Huy Chú chép: “Hồi mới mở nước, ông đón yết quân vua”. Phan Huy Chú còn cho biết: “Năm Bính Ngọ (1426), Lê Thái Tổ ra Đông Đô thi học trò, ông được đỗ thứ nhất”.

Sách “Việt sử thông giám cương mục” giải thích rõ thêm: “Vương (Lê Lợi) dùng bọn Đào Công Soạn và Nguyễn Vĩ, là những kẻ sĩ mới trúng tuyển, làm An phủ sứ và Viên ngoại lang. Bấy giờ vương đóng ở hành doanh Bồ Đề, thi những kẻ sĩ văn học bằng đầu đề là làm bài văn yết bảng “hiểu dụ thành Đông Quan”.

Đào Công Soạn và Nguyễn Vĩ 36 người được trúng tuyển. Bấy giờ những người được bổ dùng làm An phủ sứ ở các lộ và Viên ngoại lang ở lục bộ đều là lớp người mới trúng tuyển này.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” cũng ghi chép điều này như sau: “Lại dụ những người có tài văn chương mà chưa được nhận chức, nếu ai viết thư dụ được người thành Đông Quan, khiến họ mở cửa thành ra hàng và giảng hòa về nước thì sẽ được thăng chức vượt cấp”.

Sử cũ tuy chép hết sức cô đọng, nhưng cũng cho phép hình dung kỳ thi tuyển chọn những tài năng văn chương ra giúp vua giúp nước ở thời điểm quyết định thành bại của cuộc kháng chiến kiến quốc, do vua trực tiếp ra đề và chấm thi và lấy đỗ 36 người, thì rõ ràng đây là một cuộc thi đình đích thực.

Người đỗ kỳ thi đặc biệt quan trọng này, tuy không gọi là Thái học sinh hay Tiến sĩ như thường lệ, nhưng qua các chức quan họ được bổ nhiệm như An phủ sứ ở các lộ hay Viên ngoại lang ở lục bộ thì thấy các chức vụ này cũng tương đương với chức quan của những người mới đỗ Tiến sĩ.

“Trong trường hợp này có thể khẳng định người đỗ đầu là Đào Công Soạn theo quy định của kỳ thi, không gọi là Trạng nguyên, nhưng theo thể chế các kỳ thi Đình trước đó (vào thời Trần) và sau đó (vào thời Lê) thì ông phải là Tiến sĩ đệ nhất giáp, đệ nhất danh và hoàn toàn có đủ tư cách là Trạng nguyên khai khoa của nhà Lê, trước khi vương triều Lê sơ chính thức được thành lập. Có thể chính vì thế mà Đào Công Soạn đã được Lê Thái Tổ và các vị vua Lê đời tiếp sau hết sức kính nể và trọng dụng”, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc nhận định.

Mộ phần thân phụ Đào Công Soạn tại Hưng Yên.

Mộ phần thân phụ Đào Công Soạn tại Hưng Yên.

Ba lần đi sứ nhà Minh

Từ các nguồn sử chính thống có thể thấy giữa lúc tao loạn, Lê Lợi đã có một quyết định sáng suốt khi “thi những kẻ sĩ văn học” để chọn người tài nhằm giúp sức cho cuộc đấu tranh những bước đi trọn vẹn cả văn lẫn võ.

Làm quan trong triều, Đào Công Soạn luôn chứng tỏ là nhà chính trị, ngoại giao có tài. Trong cuộc đời làm quan, ông được triều đình 3 lần cử đi sứ nhà Minh, một công việc quan trọng liên quan thể diện quốc gia và cũng đầy nguy hiểm.

Phan Huy Chú có chép: “Bấy giờ vua mới lấy được nước, bèn sai ông trần tình với nhà Minh, người Minh bảo phải tìm con cháu nhà Trần. Mùa Đông năm Thuận Thiên thứ hai, Kỷ Dậu (1429) vua lấy ông (cho vào trong số các người) đầu mục, sung chính sứ sang Minh cầu phong và tâu về việc con cháu nhà Trần.

Lúc về trải làm đến Tham tri Đông đạo. Đầu đời Thiệu Bình, kiêm coi việc ở Thẩm hình. Mùa Đông Ất Mão (1435) thăng chức sứ Thẩm hình, kiêm Thượng thư bộ Lễ. Bấy giờ sứ Minh sắp sang, vua biết ông đã am hiểu công việc, nên cho chức ấy để coi việc ứng tiếp”.

Mùa Xuân năm Bính Thìn (1436), ông lại vâng mệnh làm chính sứ sang Minh cầu phong cho vua Lê Thái Tông. Năm Đinh Tỵ (1437) Đào Công Soạn được vua Lê Thái Tông gia thêm chức Tả thị lang sảnh Môn hạ tham gia vào việc xét bạ tịch ở Bắc đạo.

Cũng vào năm này, nhà vua sai Hành khiển Nguyễn Trãi và Lỗ bộ ty giám Lương Đăng đốc suất làm loan giá, nhạc khí, dạy tập nhạc múa. Nguyễn Trãi kiên trì quan điểm: “Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc”.

Hội thảo 'Người họ Đào ở xứ Đông trong tiến trình lịch sử của đất nước' diễn ra vào tháng 7/2023.

Hội thảo 'Người họ Đào ở xứ Đông trong tiến trình lịch sử của đất nước' diễn ra vào tháng 7/2023.

Quan niệm đề cao giá trị của lễ nhạc dân tộc, thanh âm cuộc sống dân gian của Nguyễn Trãi là hết sức tiến bộ và được giới trí thức chân chính ủng hộ. Tiếc rằng nhà vua đã nghiêng theo hoạn quan Lương Đăng chế định lễ nhạc hoàn toàn rập khuôn máy móc theo lễ nhạc của ngoại bang.

Đào Công Soạn đã cùng Nguyễn Trãi, Nguyễn Truyền, Nguyễn Văn Huyền, Nguyễn Liêu dâng sớ vạch tội Lương Đăng là “dối vua, lừa dưới”, là “làm nhục cho nước”.

Hành động dũng cảm đấu tranh bảo vệ đến cùng hồn cốt văn hóa, thanh âm, lễ nhạc dân gian của các nhà văn hóa đại diện cho dân tộc cuối cùng đã bị đàn áp. Quan điểm xây dựng một nền văn hóa, lễ nhạc tiến bộ, vượt thời đại của Nguyễn Trãi và Đào Công Soạn đã không được vua Lê Thái Tông chấp nhận, nhưng nó cũng đã để lại một tấm gương ngời sáng, một nhân cách cao thượng và bài học vô giá cho đời sau.

Năm Thái Hòa thứ ba Giáp Tý (1444) khi đã gần ở “tuổi xưa nay hiếm”, ông tiếp tục được tin tưởng cử đi sứ nhà Minh lần thứ ba. Do có nhiều công lao nên khi về nước, ông được thêm chức hầu giảng ở tòa Kinh diên.

Danh thần trọn vẹn

Văn bia thứ nhất Văn miếu Hưng Yên ghi 'Đào Công Soạn, đỗ Giáp đẳng khoa thi năm Bính Ngọ, niên hiệu Thiên Khánh thứ 1 (1426) đời vua Lê Thái Tổ'.

Văn bia thứ nhất Văn miếu Hưng Yên ghi 'Đào Công Soạn, đỗ Giáp đẳng khoa thi năm Bính Ngọ, niên hiệu Thiên Khánh thứ 1 (1426) đời vua Lê Thái Tổ'.

Mùa Hạ năm Kỷ Tỵ (1449) khi ấy đã 69 tuổi, nhận thấy tuổi cao sức yếu, ông nhiều lần xin vua Lê Nhân Tông cho về nghỉ hưu, nhưng nhà vua không những không chấp thuận, mà còn “mấy lần thăng đến Nhập nội Đại Hành khiển, coi việc ba quán” (là các quán Nho lâm, Sùng văn và cục Tú lâm).

Đến năm Bính Tý (1456) khi ông đã 76 tuổi, vua Lê Nhân Tông cho ông là bậc “cựu thần am hiểu, sai lên vùng biên giới thuộc Thái Nguyên khám định bờ cõi”.

Ông đã hoàn thành sự ủy thác cao cả của nhà vua, nhưng công việc vô cùng gian lao. Hai năm sau, sau một chuyến đi chấm thi trở về kinh đô, ngày 29 tháng 8 năm Mậu Dần (6/10/1458), ông qua đời ở tuổi 78.

GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc nhận xét: Trong lịch sử Vương triều Lê, Nguyễn Trãi và Đào Công Soạn là hai trí thức Nho học tiêu biểu nhất với những đóng góp mang tầm thời đại. Tuy đến với đại khoa, trở thành đại trí thức Nho học, tham gia khởi nghĩa Lam Sơn và trở thành quan chức cao cấp của triều đình.

Thế nhưng cuối cùng Nguyễn Trãi lại bị chính cái thể chế mà ông toàn tâm toàn ý phụng sự ruồng bỏ và hãm hại. Chỉ có Đào Công Soạn dù dưới vương triều nào, trong điều kiện khó khăn và nghiệt ngã đến đâu cũng đều được ưu ái và trọng vọng, trở thành danh thần trọn vẹn, một trí thức khuôn mẫu không chỉ của riêng thời Lê sơ, mà của các triều đại về sau.

Theo tư liệu của dòng họ, khi mới tham gia vào chính sự của triều đình nhà Lê, Đào Công Soạn đã được vua Lê Thái Tổ đặc biệt quý trọng và phong tặng 6 chữ: “Thanh liêm, công bình, cần mẫn”.

Trong “Lịch triều hiến chương loại chí”, Phan Huy Chú đánh giá Đào Công Soạn “là người ôn hòa, kính cẩn, kiệm ước có phong độ bậc danh thần. Thơ ông cũng thanh thoát, ý tứ dồi dào, đáng ngâm”.

Nhà thờ họ Đào xây dựng từ thế kỷ 19, qua nhiều lần trùng tu luôn dành gian trung tâm thờ Đào Công Soạn. Nhà thờ hiện còn lưu giữ được câu đối, đại tự, bi ký ca ngợi công lao, tài năng, đức độ của ông.

Đặc biệt, có bức cuốn thư sơn son thiếp vàng đề 6 chữ do vua Lê Thái Tổ ban tặng cho ông “Thanh liêm – công bình – cần mẫn”. Tôn vinh công trạng của Đào Công Soạn, hiện tên của ông được chọn để đặt tên cho nhiều đường phố trong khắp cả nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.