Michèle đã bằng mọi giá gạt bà qua một bên để giành lấy danh hiệu này. Cùng với thời gian, Michèle cũng củng cố quyền lực của mình, ngày càng trở nên lộng hành hơn.
Bà ta ép Jean-Claude phải ăn kiêng, đe dọa nhân viên vì đã dám đưa thức ăn cho ông, tỏ ra hung hăng với những người dưới quyền… Thậm chí có lần bà đã xuống họp với nội các chính phủ thay cho chồng đang bận… ngủ.
Sự bất bình trong cộng đồng kinh doanh và giới tinh hoa càng lên cao trước những biểu hiện tham nhũng cùng cực của nhà Duvalier và Bennetts. Những cuộc đàn áp chính trị càng làm cho tình hình trong nước căng thẳng hơn.
Sự bất bình càng lan rộng khi Giáo hoàng John Paul II thăm Haiti tháng 3/1983. Vị Giáo hoàng tuyên bố: “Phải có những điều thay đổi ở nơi này”.
Ông kêu gọi tạo cơ hội để người dân có thu nhập bình đẳng, một cơ cấu xã hội theo chủ nghĩa quân bình, đòi hỏi những nhân vật “tinh tú” trong giới thượng lưu có mối quan tâm sâu sắc hơn nữa tới sự bình an của dân chúng và tăng cường sự tham gia của quần chúng trong đời sống xã hội.
Thông điệp này làm lay chuyển cả người dân thường lẫn tầng lớp giáo sĩ và đóng góp vào việc tăng cường sự tham gia của cộng đồng người dân Haiti vào các hoạt động chính trị và xã hội.
Cũng giai đoạn này, Haiti trải qua một cuộc khủng hoảng ngoại hối, vốn đã bị vượt qua khoản vay trị giá 22 triệu USD, trong đó có 4 triệu USD chi cho lực lượng Tontons Macoutes (lực lượng bán quân sự, trực tiếp làm việc cho Duvalier cha và sau này là Duvalier con cho đến khi gia tộc nhà Duvalier sụp đổ năm 1986.
Theo các tài liệu, những nhân viên của lực lượng cảnh sát mật trên luôn đeo kính đen và chỉ làm việc vào buổi tối) và 16 triệu USD rơi vào các tài khoản cá nhân của Tổng thống.
Tổng thống Mỹ Carter đã đưa ra một số câu hỏi về vấn đề này, nhưng rồi bị rơi vào quên lãng, nhất là sau một bữa tiệc rượu sâm banh ăn mừng của Duvalier nhân dịp Ronald Reagan đánh bại Carter tại các cuộc thăm dò bầu cử.
Tỏ ra thân thiết với Reagan và được Mỹ hậu thuẫn, Duvalier “con” càng tỏ ra quyền uy. Năm 1984, Ernest Preeg, Đại sứ Mỹ tại Haiti (nhiệm kỳ 1981 – 1983) viết trong một bài chuyên khảo gửi Tổng thống Reagan về tình hình lòng chảo Caribe, trong đó có đoạn ca ngợi Duvalier “con”:
“Có thể nói một cách trung thực rằng nhiệm kỳ Tổng thống của Jean-Claude Duvalier là khoảng thời kỳ ổn định phi bạo lực dài nhất trong lịch sử dân tộc Haiti”.
Trước sự tham nhũng đến tột cùng của chế độ Duvalier, những làn sóng phản đối ngấm ngầm lan tỏa. Cuộc nổi dậy đầu tiên bùng phát năm 1985. Thành phố Gonaives là nơi đầu tiên có những cuộc biểu tình tuần hành và tấn công vào các kho lương thực.
Từ tháng 10/1985 đến tháng 1/1986, những cuộc biểu tình lan tỏa sang 6 thành phố khác, trong đó có Cap Haitien. Cuối tháng đó, người Haiti ở miền Nam đồng loạt nổi dậy, với cuộc nổi dậy lớn nhất diễn ra ở Les Cayes.
(Còn tiếp)