Được tung hô bởi những người ủng hộ, Duvalier bước xuống máy bay một cách tự tin, ung dung đi giữa hai hàng cựu quan chức dưới thời của mình. Nhưng chỉ hai ngày sau, nhân vật này đã bị bắt giữ, đối diện với cáo buộc tham nhũng và bòn rút các khoản quỹ vốn đã còm cõi của đất nước nghèo khó này.
Những cáo trạng đáng sợ
Ngày 18/1/2011, Duvalier bị kết tội tham nhũng, và bị giữ tại Port-au-Prince. Một đám đông ầm ĩ của những người ủng hộ Duvalier tụ tập trước cổng văn phòng công tố nhà nước, nơi ông ta đang được thẩm vấn về tội bòn rút công quỹ và vi phạm nhân quyền kể từ ngày tiếp quản vị trí đứng đầu đất nước từ người cha.
Trở thành Tổng thống Haiti năm 1971, khi mới là một thanh niên 19 tuổi, Jean-Claude Duvalier điều hành đất nước với bàn tay “nắm chặt”, trong khi đó vẫn duy trì cuộc sống riêng tư xa hoa hào nhoáng, với đám cưới tốn kém 3 triệu USD vào năm 1980, đồng thời kiếm hàng triệu dollar nhờ những mối liên quan đến các đường dây buôn bán ma túy và buôn nội tạng người, trong khi người dân Haiti đói khổ cùng cực nhất nhì khu vực châu Mỹ.
Mãi 15 năm sau, Duvalier mới bị lật đổ và bị cáo buộc đã cai quản đất nước theo đường lối quân phiệt, đồng thời tham ô hàng trăm triệu USD.
Duvalier sống lưu vong ở Pháp trong nhiều năm, và năm 2007, ông ta xin lỗi người dân Haiti vì những tội lỗi của mình. Tuy nhiên, Tổng thống Haiti Rene Preval đã bác bỏ và tuyên bố sẽ xét xử nếu ông này hồi hương.
Mối quan hệ của Duvalier với Mỹ khá thăng trầm, tăng cường sau khi ông này nắm chức vụ Tổng thống, rồi trở nên lỏng lẻo dưới thời Tổng thống Mỹ Carter, rồi một lần nữa quan hệ hai bên lại trở nên nóng ấm trong giai đoạn Ronald Reagan cầm quyền, do chính sách chống cộng triệt để của Duvalier.
Duvalier sinh ra tại Port-au-Prince và được nuôi dưỡng trong một môi trường riêng biệt. Tốt nghiệp Trường ĐH Luật ở Haiti, tháng 4/1971, Duvalier được chỉ định làm Tổng thống Haiti khi người cha, Tổng thống Francois Duvalier (biệt danh Papa Doc) qua đời, trở thành Tổng thống trẻ tuổi nhất thế giới.
Thực ra lúc đó Duvalier đã cố cưỡng lại sự sắp xếp này, và ủng hộ việc trao chức danh này cho người chị gái Marie-Denise Duvalier, đồng thời để việc điều hành cho mẹ là Simone Ovide Duvalier và một hội đồng với người đứng đầu là Luckner Cambronne. Dồn trách nhiệm cho những người khác, Duvalier sống một cuộc đời xa hoa trác táng.
Theo Hiến pháp Haiti, Duvalier nắm trong tay quyền lực tối cao. Tổng thống trẻ này cũng thực hiện vài cải tổ, bằng cách thả một số tù chính trị, và thả lỏng việc kiểm duyệt. Tuy nhiên, những người đối lập không được khoan dung, và cơ quan lập pháp chỉ là một thứ bù nhìn.
Hầu hết của nả của Duvalier đến từ tài khoản của Régie du Tabac, một công ty độc quyền sản xuất thuốc lá. Duvalier sử dụng “tài khoản phi công khố” này, và sau đó mở rộng sang các tập đoàn chính phủ khác. Những công ty này không bao giờ sử dụng hóa đơn chứng từ.
Bỏ bê vị trí của mình trong chính phủ, Duvalier hoang phí tiền công và những khoản viện trợ nước ngoài, tuy nhiên dường như các quan chức nước ngoài khá “rộng lượng” đối với nhân vật này. Chính quyền Nixon đã phục hồi chương trình viện trợ cho Haiti vào năm 1971.
(Còn tiếp)