Vị thế ở đâu?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo Báo cáo của Bộ KH&ĐT, tính đến hết năm 2022, cả nước còn khoảng 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Theo Báo cáo của Bộ KH&ĐT, tính đến hết năm 2022, cả nước còn khoảng 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; khoảng 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.

Tổng tài sản của doanh nghiệp Nhà nước đạt hơn 3,82 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2021. Tổng vốn chủ sở hữu đạt hơn 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2021. Tổng giá trị vốn Nhà nước đang đầu tư đạt gần 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2021.

Tính đến ngày 30/6, tổng doanh thu của các doanh nghiệp Nhà nước là gần 690 nghìn tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm 2023. Lãi phát sinh trước thuế là 67,4 nghìn tỷ đồng, đạt 63% so với kế hoạch năm 2023. Tổng lỗ phát sinh của cả khu vực là 33.639 tỷ đồng, chủ yếu tập trung ở khối các doanh nghiệp Trung ương.

Năm 2023, ước tính tổng doanh thu đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với kế hoạch đề ra. Tổng lãi phát sinh trước thuế ước hơn 117,3 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với kế hoạch đề ra. Tổng thuế và các khoản phát sinh nộp ngân sách cả năm 2023 ước đạt gần 129 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với kế hoạch. Ước tính năm 2023, các doanh nghiệp phát sinh lỗ khoảng 41.666 tỷ đồng...

Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, những kết quả này cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ. Tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, giá trị vốn đầu tư phát triển thực hiện và thu nhập bình quân của người lao động tăng.

Một số tập đoàn, tổng công ty đạt kim ngạch xuất nhập khẩu lớn, chưa phát sinh dự án đầu tư có nguy cơ rủi ro cao gây thua lỗ lớn, thất thoát vốn Nhà nước và thể hiện rõ vai trò góp phần bảo đảm một số cân đối lớn của nền kinh tế...

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tổng thể, hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Một số dự án có lỗ lũy kế lớn, công tác đổi mới quản trị doanh nghiệp còn chậm, chưa thực sự theo các nguyên tắc, thông lệ quốc tế. Các dự án thua lỗ, kém hiệu quả chưa được giải quyết triệt để...

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này về khách quan, theo Bộ KH&ĐT là do tình hình căng thẳng trong các quan hệ kinh tế, chính trị trên thế giới và khu vực đã ảnh hưởng đến thị trường tài chính, chứng khoán trong nước và khu vực. Do giá nguyên, nhiên vật liệu, vật tư đầu vào, tăng cao, làm tăng chi phí sản xuất, kinh doanh. Do thị trường xuất nhập khẩu của một số doanh nghiệp chịu nhiều tác động của thị trường quốc tế...

Chủ quan là do hệ thống pháp luật về doanh nghiệp Nhà nước còn nhiều bất cập. Các quy định pháp luật liên quan đến quản trị doanh nghiệp, quản lý vốn và tài sản, đất đai, đầu tư… chưa đồng bộ, chưa phù hợp với kinh tế thị trường. Quy trình, thủ tục báo cáo, phê duyệt nhiều tầng nấc, chưa được phân cấp triệt để. Còn chậm trễ trong việc ra quyết định dẫn đến mất cơ hội, giảm hiệu quả trong hoạt động kinh doanh...

Như vậy, dù được xác định giữ vị trí then chốt và là lực lượng quan trọng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhưng doanh nghiệp Nhà nước vẫn chưa thể hiện tốt vị thế. Cho nên, vấn đề đặt ra là cần nhận diện những điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách và những tồn tại, hạn chế trong chính các doanh nghiệp để từ đó đưa ra định hướng, giải pháp khắc phục.

Đặc biệt, cần trả lời các vấn đề mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu ra tại Hội nghị về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội cách đây hơn 1 năm là vì sao các doanh nghiệp Nhà nước chưa thể hiện được vai trò nổi bật trong dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, hướng dẫn, thu hút, thúc đẩy các thành phần khác phát triển? Tại sao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp còn thấp so với nguồn lực đang nắm giữ? Còn vướng mắc gì?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ