Khẳng định vị thế

GD&TĐ - Các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước đều khẳng định vị thế, vai trò của đội ngũ nhà giáo trong sự phát triển chung của đất nước...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính thống nhất với Tờ trình của Bộ GD&ĐT về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo được gần 1,6 triệu nhà giáo trên cả nước hoan nghênh đón nhận.

Xây dựng Luật Nhà giáo được đề cập từ năm 2004. Cụ thể, Chỉ thị số 40/2004/CT-TW của Ban Chấp hành Trung ương đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu trình Quốc hội ban hành Luật Giáo viên (sau này đổi thành Luật Nhà giáo). Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan, đến nay dự án luật này chưa được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến thông qua.

Đầu năm 2022, việc xây dựng dự án Luật Nhà giáo một lần nữa được đề cập khi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội kiến nghị đưa luật này vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội. Và mới đây, Thủ tướng đã kết luận thống nhất với Tờ trình của Bộ GD&ĐT về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo.

Thực tế cho thấy, lực lượng nhà giáo là yếu tố quan trọng, nền tảng và cốt lõi quyết định chất lượng giáo dục. Lực lượng nhà giáo là tài sản quý báu nhất của ngành Giáo dục để thực hiện sứ mệnh “trồng người” cao cả. Điều này được khẳng định trong nhiều chủ trương, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước.

Do đó, phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng là việc sống còn của ngành Giáo dục. Đây được coi là khâu quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao - khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước. Muốn vậy, các quan điểm, chủ trương của Đảng cần được thể chế hóa thành luật. Qua đó, nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc và tạo đột phá cho việc phát triển đội ngũ nhà giáo.

Đội ngũ nhà giáo là lực lượng đông đảo nhất trong tổng số công chức, viên chức của tất cả ngành/lĩnh vực; hoạt động rộng khắp và thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau. Nhà giáo có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước đều khẳng định vị thế, vai trò của đội ngũ nhà giáo trong sự phát triển chung của đất nước.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắng nhìn nhận, nhiều vấn đề nêu trên chưa được Luật hóa nên thiếu cơ sở để thực hiện. Đặc biệt, trong bối cảnh thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, vị thế của nhà giáo, sự tự chủ của nhà giáo cần tiếp tục được luật hóa. Qua đó, tạo điều kiện cho nhà giáo phát huy năng lực, thực hiện nhiệm vụ được giao.

Thứ nữa, lao động của nhà giáo có tính chất đặc thù. Điều đó đặt ra yêu cầu cần có môi trường làm việc, hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, tạo thuận lợi cho sự phát triển, sáng tạo của nhà giáo. Họ cần được trân trọng, tôn vinh, ghi nhận và sự hỗ trợ của toàn xã hội.

Ngoài ra, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và yêu cầu của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, vai trò, vị trí của nhà giáo đã có những thay đổi nhất định. Thực tiễn này đòi hỏi cần có luật riêng điều chỉnh về nhà giáo với những quy định phù hợp.

Các quy định cần có tính chất “mở đường” cho việc xây dựng đội ngũ nhà giáo cho trước mắt và lâu dài, tạo vị thế vững chắc của đội ngũ trong xã hội. Đồng thời là cơ hội để phát triển, nâng cao chất lượng giáo viên, mở ra một viễn cảnh giáo dục rộng mở và linh hoạt hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.