Vì sao sinh viên mất phương hướng khi sắp ra trường?

GD&TĐ - Nhiều SV mặc dù đã học đến năm thứ ba nhưng vẫn mông lung trước ngành học của mình, thậm chí không biết bản thân có thể làm gì sau tốt nghiệp.

GS. TS Trần Minh Tú, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội hỗ trợ sinh viên trong quá trình học tập. Ảnh: NVCC
GS. TS Trần Minh Tú, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội hỗ trợ sinh viên trong quá trình học tập. Ảnh: NVCC

Nguyên nhân mất định hướng

Nhiều năm giảng dạy và làm công tác chủ nhiệm tại Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, GS. TS Trần Minh Tú nhận thấy, một số sinh viên mặc dù điểm đầu vào đại học khá cao nhưng sau một thời gian học các em lại không duy trì được thành tích dẫn đến những năm học chuyên ngành không có định hướng cụ thể hoặc cảm thấy mông lung với ngành học mình đang theo đuổi.

Những nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc người học mất định hướng và mông lung với ngành mình đang học như sinh viên không lựa chọn trường, ngành theo đúng với nguyện vọng và sở thích của mình mà theo xu thế đám đông, ngả theo mong muốn của gia đình,…

Rồi khi chính thức trở thành sinh viên, đối diện với những áp lực khi thay đổi môi trường học, chưa tiếp cận được với phương pháp giảng dạy ở bậc học mới đã khiến người học bị sốc, không biết cân bằng tâm lý và hoang mang, mất phương hướng. Một số sinh viên trong quá trình học do chểnh mảng, xao nhãng nên kết quả học tập thấp, nợ môn và kiến thức cơ bản các năm không vững do đó rơi vào tâm lý lo sợ, chán nản và suy nghĩ bản thân chọn sai ngành…

“Với những sinh viên như vậy, tôi thường khuyến khích các bạn chủ động chia sẻ khó khăn mà bản thân đang gặp với giảng viên hay tìm đến phòng tư vấn hướng nghiệp của trường để nhờ chuyên gia, thầy cô hỗ trợ. Đồng thời lúc này, nhà trường cần phối hợp với gia đình để hỗ trợ sinh viên xây dựng lại định hướng bản thân.

Với các trường hợp sinh viên muốn theo đuổi lĩnh vực khác hoàn toàn với ngành học hiện tại, tôi thường khuyên các em nghiên cứu, xem xét thật kỹ để có lộ trình hành động cụ thể nhằm đạt được kết quả bản thân mong muốn”, GS. TS Trần Minh Tú cho biết.

Môi trường đại học đề cao khả năng tự học, tự nghiên cứu, thầy cô chỉ có vai trò cố vấn, hỗ trợ do đó sinh viên cần thay đổi bản thân để thích ứng linh hoạt với môi trường học, chủ động tìm hiểu cơ hội việc làm, vị trí việc làm để bản thân không bị động sau khi tốt nghiệp.

“Đối với những sinh viên có ý định thay đổi ngành học vì nợ môn hay không theo kịp chương trình, tôi thường động viên và hỗ trợ các em xây dựng lại kế hoạch học tập. Căn cứ vào năng lực để đăng ký môn học cho phù hợp với mỗi kỳ nhằm giảm tải áp lực.

Thậm chí, tôi khuyên các em có sự cân nhắc, chấp nhận ra trường muộn hơn so với thời gian quy định cũng không sao, miễn là có kế hoạch cũng như định hướng cụ thể cho bản thân để sau khi tốt nghiệp tránh được tình trạng thất nghiệp hay mông lung với nghề mình học. Bất kỳ nghề nào cũng vậy, bạn có kiến thức vững chắc, năng động, chịu khó học hỏi trau dồi kỹ năng làm việc thì cơ hội việc làm không khó”, GS. TS Trần Minh Tú chia sẻ.

Cân bằng để tránh “đứt gánh giữa đường”

Hiện nay, nhiều sinh viên mặc dù đã học đến năm thứ ba đại học nhưng vẫn có ý định thay đổi ngành học. Một trong những nguyên nhân dẫn đến xu thế đó là người học không có sự định hướng rõ ràng cho bản thân từ những năm học THPT dẫn đến quá trình chọn ngành, trường theo cảm tính, hiệu ứng đám đông hay theo sở thích của người khác.

Nguyễn Thị Phương Chi - sinh viên năm ba ngành Luật, Học viện Hành chính Quốc gia là một trong những trường hợp đó. Cuối năm lớp 12, do gia đình mong muốn Chi học ngành Luật vì vậy em đã quyết định lựa chọn ngành và trường đại học theo nguyện vọng của gia đình. Do không tìm hiểu kiến thức, nghề nghiệp sau này cũng như mong muốn của bản thân dẫn đến khi vào học em đã khá sốc. Đến nay bước sang năm thứ ba, Chi vẫn mông lung về hướng đi sau tốt nghiệp của mình, thậm chí không ít lần Chi có ý định chuyển ngành học.

Phương Chi trải lòng: “Sinh viên ngành Luật, ngoài sự năng động, bản lĩnh đòi hỏi phải hoạt ngôn. Nhưng bản thân em rụt rè, nhút nhát nên quá trình học những môn mang tính phản biện đòi hỏi kỹ năng nói, thuyết trình em rất yếu, không theo kịp các bạn. Dần dần, em bị mất hứng thú trong khi học các môn chuyên ngành. Chưa kể, hiện nay rất nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm hoặc phải làm trái ngành nên áp lực tâm lý càng đè nặng”.

Tương tự, Đinh Phương Linh, sinh viên năm thứ ba ngành Ngôn ngữ Trung, Trường ĐH Phương Đông rất yêu thích ngành sư phạm nhưng điểm thi không đậu, hiện tại, nữ sinh đang cố gắng ra trường đúng hạn sau đó mới tính tiếp.

Trước thực trạng này, ông Giang Chí Thuận - nguyên Trưởng phòng Truyền thông thương hiệu - Tập đoàn Thiên Long cho rằng: “Khi lựa chọn bất kỳ ngành học nào các bạn cũng cần xác định hướng đi cụ thể cho bản thân. Để tạo hứng thú trong quá trình học ngay khi vào trường, bạn nên đọc tài liệu, tham gia các buổi ngoại khoá về chuyên ngành mình học để hiểu và có cái nhìn tổng quan về nghề nghiệp trong tương lai”.

Ngoài ra để biết được nhu cầu nhân lực, cơ hội việc làm hay các yêu cầu của ngành mình học để không rơi vào tình thế bị động sau khi ra trường, sinh viên khi làm thêm hãy chọn những việc gần với ngành mình học để vận dụng kiến thức, lý thuyết đã học vào thực tế. Qua đó, bạn sẽ biết mình mạnh, yếu ở đâu và hứng thú hơn với công việc sau này và tự tin trên con đường lập thân lập nghiệp.

“Quá trình học, bạn hãy tìm cho mình một người thầy trong nghề để học hỏi kinh nghiệm, được nhận về các lời khuyên, định hướng hữu ích. Bạn cũng có thể xin được tham gia vào các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học để trau dồi kinh nghiệm khi ngồi trên ghế nhà trường với bất kì công việc nào”, ông Giang Chí Thuận - nguyên Trưởng phòng Truyền thông thương hiệu Tập đoàn Thiên Long đưa ra lời khuyên với các sinh viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.