Trường đại học tìm việc làm cho sinh viên khi ra trường

GD&TĐ - Do ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường lao động có nhiều biến động. Vì vậy, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường rất khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm.

VKU đã phối hợp với gần 20 doanh nghiệp tổ chức ngày hội tuyển dụng nguồn nhân lực số với 120 chỉ tiêu vị trí việc làm cho sinh viên vừa ra trường.
VKU đã phối hợp với gần 20 doanh nghiệp tổ chức ngày hội tuyển dụng nguồn nhân lực số với 120 chỉ tiêu vị trí việc làm cho sinh viên vừa ra trường.

Mở rộng hợp tác tìm việc cho sinh viên

Thực tế cho thấy, ngay cả khi không tồn tại đại dịch Covid-19, vấn đề học tập và việc làm khi ra trường vẫn luôn là một nỗi lo thường trực của sinh viên năm cuối. 

Cùng chung nỗi lo với những người phải nghỉ việc vì cắt giảm nhân sự do ảnh hưởng của dịch Covid-19 là những tân cử nhân tốt nghiệp trong hai năm qua. Họ không chỉ phải cạnh tranh với nhau như những năm trước, mà còn phải cạnh tranh với những người đã có kinh nghiệm trong thị trường việc làm.

Đại diện Trường Đại học Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) cho hay, hằng năm số lượng sinh viên ra trường khoảng 2.500 - 2.700 em. Trong đó, tỉ lệ sinh viên viên ra trường 6 tháng có việc làm khoảng 97% (số liệu năm 2019).

“Hai năm qua, dịch bùng phát, thị trường lao động trầm lắng, khiến sinh viên ra trường tìm kiếm việc làm trở nên khó khăn hơn”, đại diện Trường ĐH Kinh tế chia sẻ.  

Các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn nhân lực sinh viên tại Trường Đại học Kinh tế.
Các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn nhân lực sinh viên tại Trường Đại học Kinh tế. 

Thấu hiểu được điều đó, trường tổ chức các hoạt động như: Ngày hội việc làm, tuyển dụng thông qua các buổi workshop, định hướng nghề nghiệp, chương trình thực tập viên tiềm năng... Đồng thời, đẩy mạnh việc hợp tác với các doanh nghiệp nhằm tìm kiếm việc làm cho sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp.

Mới đây nhất, Trường Đại học Kinh tế đã làm việc với đại diện One Business Connection (OBC) - cộng đồng doanh nghiệp kết nối. Tại buổi làm việc, PGS.TS Lê Văn Huy - Phó Hiệu trưởng Nhà trường gửi lời cảm ơn OBC đã tạo cơ hội để hai bên cùng hợp tác, tạo nên nhiều hoạt động giá trị cho sinh viên, giảng viên. Đồng thời, mong muốn rằng, các doanh nghiệp thành viên của OBC sẽ phối hợp và đồng hành cùng nhà trường trong các hoạt động khởi nghiệp của sinh viên, hỗ trợ sinh viên thực tập, thực tế tại cơ sở và tài trợ học bổng cho sinh viên của nhà trường.

Còn tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng), Nhà trường đã có nhiều giải pháp thông qua các hoạt động như ngày hội tuyển dụng lao động, các hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học, các buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp...

PGS.TS Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật cho hay, từ các quan hệ hợp tác giữa Nhà trường với doanh nghiệp, giảng viên đã chủ động kết nối để đưa sinh viên đến thực tập, thực hiện học kỳ doanh nghiệp. Khi đến với doanh nghiệp, các em sẽ có cơ hội tiếp cận với công việc thực tế, với công nghệ mới, học hỏi và tích lũy kinh nghiệm và có thể được nhận vào làm việc sau kỳ thực tập.

“Cũng trong kỳ thực tập vừa qua, có gần 50 sinh viên của trường được doanh nghiệp nhận vào làm việc sau khi hết thời gian thực tập. Đây là những thành quả khích lệ, những “quả ngọt” cho sự cố gắng của các em và sự hỗ trợ tận tình của các doanh nghiệp”, PGS.TS Phan Cao Thọ chia sẻ.

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật mời doanh nghiệp bên ngoài về chấm đồ án tốt nghiệp nhằm tạo điều kiện cho sinh viên tìm kiếm việc làm.
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật mời doanh nghiệp bên ngoài về chấm đồ án tốt nghiệp nhằm tạo điều kiện cho sinh viên tìm kiếm việc làm.

Theo PGS.TS Phan Cao Thọ, đặc biệt, năm nay, lứa sinh viên đầu tiên hệ Đại học chính quy của trường tốt nghiệp. Các khoa đã mời chuyên gia và đại diện nhiều doanh nghiệp tham gia Hội đồng chấm Đồ án tốt nghiệp. Thông qua hoạt động này, nhiều doanh nghiệp đã tuyển dụng được sinh viên ngay tại buổi bảo vệ Đồ án tốt nghiệp.

“Đây chính là điểm mới trong việc hợp tác với doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp trực tiếp tìm được nguồn nhân lực, đồng thời tạo cơ hội tìm kiếm việc làm cho sinh viên ngay từ khi còn ngồi ở giảng đường”, PGS.TS Phan Cao Thọ nhấn mạnh.

Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số

Đẩy mạnh hợp tác đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, phù hợp với nhu cầu các doanh nghiệp, địa phương đã và đang được các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Đà Nẵng triển khai. Trong đó, đặc biệt chú trọng đào tạo nhân lực công nghệ số.

Tháng 1/2022, gần 200 sinh viên các ngành công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật máy tính và quản trị kinh doanh khoá đầu tiên của Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (VKU) – Đại học Đà Nẵng đã tốt nghiệp ra trường với 100% khoá luận bảo vệ hoàn toàn bằng tiếng Anh, được doanh nghiệp tham gia hội đồng bảo vệ đánh giá cao về chất lượng đầu ra.

Theo PGS.TS Huỳnh Công Pháp - Hiệu trưởng Trường VKU, ngày 19/3 vừa qua, VKU đã phối hợp với gần 20 doanh nghiệp tổ chức ngày hội tuyển dụng nguồn nhân lực số với 120 chỉ tiêu vị trí việc làm cho sinh viên vừa ra trường và hơn 100 chỉ tiêu thực tập sinh đối với sinh viên khoá 19, 20, 21 đang học tại trường.

Các doanh nghiệp phỏng vấn việc làm tại VKU.
Các doanh nghiệp phỏng vấn việc làm tại VKU.

Tham gia tuyển dụng tại VKU, nhiều công ty, doanh nghiệp đã mang đến hơn 200 cơ hội việc làm cho sinh viên VKU ở nhiều vị trí tuyển dụng như: nhân viên lập trình back-end; front-end (ReactJS, VueJS, Ruby, Python, PHP)… và các vị trí thực tập sinh Java Software Engineer, C++ Software Engineer, Vuejs Developer, Blockchain, Java Developer, Tester/ QA, IT Infra/ Devops, Java Intern, React/Node Intern.

Bên cạnh việc phỏng vấn tuyển dụng, sinh viên VKU còn được nghe những chia sẻ, định hướng về nghề nghiệp trong tương lai, tham gia thử sức trí tuệ với game IQ.

Chia sẻ trong buổi phỏng vấn tuyển dụng, ông Trương Công Phúc – Giám đốc vận hành Công ty B.A.P cho biết, công ty đang phát triển những công nghệ mới như Trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain… nên rất cần nguồn lực.

Nhà trường hỗ trợ tìm việc làm cho sinh viên khi ra trường.
Nhà trường hỗ trợ tìm việc làm cho sinh viên khi ra trường.  

“Chính vì vậy, công ty đang xây dựng nhiều chính sách đãi ngộ thu hút đối với các vị trí thực tập sinh dành cho sinh viên năm 2 - 3 trở đi, nhằm tạo những điều kiện tốt nhất cho các em tham gia khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường, ở nhiều vị trí chế độ đãi ngộ có thể ngang bằng với những nhân viên đang làm việc chính thức”, ông Phúc nói.

Với thái độ tiếp cận doanh nghiệp tích cực, hầu hết sinh viên tham gia tuyển dụng các vị trí việc làm hay thực tập sinh đều mong muốn tìm hiểu và sớm định hướng việc làm trong tương lai.

"Có thể nói, nhu cầu nguồn nhân lực số đang rất khát đối với các doanh nghiệp công nghệ thông tin ở TP Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung. VKU đã chủ động mở các ngành mới đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, thay đổi phương thức đào tạo, tăng cường năng lực ngoại ngữ tạo các sân chơi học thuật. Qua đó, sinh viên có thể dễ dàng tiếp cận doanh nghiệp ngay từ năm 1, năm 2. VKU cũng phấn đấu trở thành địa chỉ tin cậy về đào tạo nguồn nhân lực số giỏi về chuyên môn và kỹ năng ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung", PGS.TS Huỳnh Công Pháp nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.