Kéo dài tuổi sinh viên!
Lee không phải là trường hợp cá biệt. Tỉ lệ thất nghiệp năm 2014 ở mức cao nhất 14 năm qua. Viễn cảnh việc làm vẫn u ám trong bối cảnh nền kinh tế yếu, đặc biệt với những công việc “tốt”. Vì thế mà hàng chục nghìn sinh viên dự kiến tốt nghiệp đầu năm 2015 vẫn lưu lại trường làm sinh viên.
“Tìm việc mỗi năm một khó hơn. Năm 2014 đã khó và tôi lo rằng năm 2015 còn khó hơn” – Lee, theo kế hoạch sẽ tốt nghiệp cuối tháng 2 tới, chia sẻ.
Tại Hàn Quốc, nhiều trường đại học cho phép sinh viên trì hoãn tốt nghiệp và sử dụng cơ sở vật chất của trường, thậm chí cho dù đã hoàn tất các khoá học. Nhiều trường thì để sinh viên nợ một hoặc hai tín chỉ cho tới khi tìm được việc làm. “Tôi nghe nhiều người nói rằng chủ lao động không thích cử nhân. Khi phỏng vấn họ luôn hỏi về kinh nghiệm việc làm!” – Lee nói.
2/3 người Hàn Quốc trong độ tuổi từ 25 - 34 có bằng tốt nghiệp đại học, mức cao nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), nhóm các nước phát triển mà tỉ lệ nói trên trung bình chỉ dưới 40%.
Những nỗ lực của chính phủ trong những năm gần đây khuyến khích giới trẻ học đại học đã gây hiệu ứng ngược với quốc gia ám ảnh vì giáo dục. Tỉ lệ cử nhân cao đồng nghĩa nhiều người trẻ tham vọng cảm thấy thất vọng với những công việc “bình thường” dành cho họ và họ cảm thấy thà thất nghiệp còn hơn là thất vọng về công việc.
Công việc phân hóa đẳng cấp
Thị trường lao động Hàn Quốc bị chia rẽ sâu sắc giữa những việc làm bảo đảm ổn định lâu dài với những công việc tạm thời chỉ kết thúc sau 2 năm. Năm 2012, 24% lao động tại Hàn Quốc là ở diện tạm thời, gấp đôi mức trung bình OECD.
Tháng 11/2014, Bộ trưởng Tài chính Choi Kyung-hwan đề xuất biện pháp điều chỉnh thị trường lao động linh hoạt hơn bằng cách nới lỏng chính sách sa thải và trả lương. Trong khi giới chủ ủng hộ đề xuất này thì các tổ chức lao động và nhiều sinh viên không đồng tình.
Một sinh viên Đại học Hàn Quốc cho biết: “Chúng tôi không tức giận vì lao động dài hạn được nhận chính sách bảo đảm tốt mà vì lao động tạm thời không nhận được những quyền lợi tương xứng”.
Kim Jong-jin, nhà nghiên cứu tại Viện Lao động và Xã hội Hàn Quốc, phân tích, nhiều người trẻ tuổi có học vấn cao không chấp nhận làm công việc tạm thời mà trông ngóng công việc ổn định hơn.
Nghiên cứu của chính phủ với 33 trường đại học vào năm ngoái cho thấy số sinh viên trì hoãn tốt nghiệp tăng gấp đôi trong 3 năm, lên hơn 15.000 sinh viên.
Tỉ lệ thất nghiệp với nhóm tuổi 15 - 29 ở mức 10,9% trong tháng 2/2014, chỉ thấp hơn một chút mức kỉ lục 11% ghi nhận trong tháng 1/2000. Trong nhóm này bao gồm cả sinh viên. Tỉ lệ thất nghiệp của tân cử nhân vào tháng 3 năm ngoái ngang bằng mức kỉ lục 32,3% của năm 2013, theo Viện Lao động Hàn Quốc.